Lý do thương hiệu Nokia tập trung vào trào lưu mới trên smartphone
Trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu toàn cầu, vấn đề rác thải điện tử ngày càng được quan tâm. Sự ra đời của những chiếc smartphone có độ bền cao có thể là xu thế tương lai.
Trong một buổi phát trực tiếp gần đây, ông Adam Ferguson - Giám đốc Tiếp thị Sản phẩm của Nokia đã thay pin cho chiếc Nokia G22 - một trong ba điện thoại giá rẻ mới của hãng chỉ trong vòng chưa đầy 5 phút.
"Một kẻ nghiệp dư và vụng về như tôi đã thay xong pin cho thiết bị chỉ trong thời gian ngắn như vậy, chứng tỏ ai cũng có thể làm được điều này", Ferguson trả lời phỏng vấn của Cnet.
Hoạt động của Ferguson nằm trong chuỗi sự kiện quảng bá điện thoại Nokia G22, mẫu smartphone cho phép người dùng tự sửa chữa khi bị hỏng.
Theo Nokia, hãng đã hợp tác với công ty sửa chữa công nghệ iFixit nhằm hỗ trợ người dùng Nokia G22 khả năng tự sửa điện thoại của mình mà không cần đến sự trợ giúp của thợ sửa chữa chuyên nghiệp. Tất cả những gì họ cần là bộ dụng cụ, linh kiện và sách hướng dẫn đi kèm.
Chính điểm này giúp Nokia, cái tên đứng ngoài top 5 thương hiệu smartphone hàng đầu thế giới, trở nên nổi bật tại MWC 2023, nơi "tính bền vững" là chủ đề chính.
Trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu toàn cầu, vấn đề rác thải điện tử ngày càng trở thành mối quan tâm cấp bách đối với các công ty công nghệ và người tiêu dùng. Việc đảm bảo các sản phẩm công nghệ có độ bền cao và dễ sửa chữa là một bước quan trọng trong việc giảm thiểu tác động của ngành công nghệ đối với môi trường.
"Có thể thấy, mọi người ngày càng có xu hướng sử dụng lâu dài một thiết bị, thay vì liên tục thay mới", Steven Moore cho biết trong một cuộc phỏng vấn trước thềm MWC.
Steven Moore là người đứng đầu tổ chức về khí hậu tại Hiệp hội Hệ thống Thông tin Di động Toàn cầu (GSMA), đơn vị tổ chức MWC. Ông cho biết tuổi thọ trung bình của một chiếc điện thoại thông minh hiện đã tăng lên từ 2-3 năm. Bên cạnh đó, mọi người cũng đang quan tâm nhiều hơn đến việc sửa chữa điện thoại và sẵn sàng mua các mẫu máy cũ đã được tân trang.
Trên thực tế, Nokia không phải là thương hiệu tiên phong cho xu hướng này. Kể từ năm 2013, công ty Fairphone của Hà Lan đã bắt tay vào chế tạo các mẫu điện thoại thân thiện hơn với môi trường. Bên cạnh đó, kể từ tháng 4/2022, Apple cũng đã hỗ trợ những người muốn tự sửa chữa iPhone khi thiết bị gặp trục trặc, thông qua các chương trình hướng dẫn tự sửa chữa điện thoại.
Nhưng giờ đây, khả năng tự sửa chữa ở điện thoại đã được nâng tầm, trở thành một phần quan trọng, một lợi thế mang tính cạnh tranh khi người tiêu dùng chọn mua smartphone.
"Khi người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi cao về độ bền của các thiết bị, một chiếc điện thoại dễ sửa chữa với giá cả phải chăng sẽ trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều người", Ben Wood, nhà phân tích tại CCS Insight nhận định.
Tại MWC 2023, nhiều hãng điện thoại cũng đang nỗ lực để giảm thiểu tác động đối với môi trường, nhằm phù hợp với mục tiêu của GSMA về ngành công nghiệp di động đạt đến lượng phát thải carbon ròng vào năm 2050.
Emma Mohr-McClune, nhà phân tích dữ liệu toàn cầu tiết lộ, những nhà sản xuất điện thoại nào đến với MWC năm nay mà không đi theo xu hướng này sẽ phải trình bày rõ nguyên nhân.
"Nhiều nhà sản xuất hiện vẫn đang né tránh vấn đề này, nhưng trong tương lai, tôi tin rằng họ sẽ sớm phải thay đổi suy nghĩ", Emma nói thêm.