Lý do tiếp viên luôn yêu cầu dựng thẳng lưng ghế khi máy bay cất, hạ cánh

Nhiều người thắc mắc không hiểu vì sao tiếp viên luôn yêu cầu hành khách dựng thẳng lưng ghế vào thời điểm máy bay cất cánh và hạ cánh.

Theo phần 121 của Bộ luật Quy định Liên bang Mỹ, "không máy bay nào được cất cánh hoặc hạ cánh máy bay trước khi lưng ghế của mỗi hành khách được dựng thẳng".

Lý do cho việc này thực chất rất đơn giản. Đó là vì sự an toàn. Cựu phi công Hans Mast cho biết: "Ở vị trí thẳng đứng, ghế được khóa và chắc chắn nhất để chống lại mọi lực tác động". Khi ghế ngả ra sau, ghế không được khóa cố định và việc dừng đột ngột có thể khiến ghế bị chao đảo về phía trước, khiến người ngồi trên ghế bị hất tung. Mặt khác, việc tăng tốc có thể khiến ghế trượt về phía sau.

Trong khi đó, Dan Bubb, cựu phi công, giáo sư tại đại học Nevada, Las Vegas (Mỹ), cho biết, quán tính của máy bay có thể thay đổi góc của lưng ghế, điều này có khả năng đè bẹp đầu gối của hành khách ngồi ngay sau ghế đó.

Mast còn cho biết thêm: "Việc dựng thẳng lưng ghế cũng đảm bảo rằng lối đi không bị cản trở, tạo điều kiện cho công tác sơ tán hiệu quả hơn nếu xảy ra tình huống khẩn cấp". Đó là lý do tại sao ghế xung quanh lối thoát hiểm thường không ngả được.

Tiếp viên hàng không Steve Daniel làm việc tại Montreal cho biết: "Nếu một chiếc ghế bị ngả ra sau, nó có thể làm chậm quá trình di chuyển của người ngồi ở ghế phía sau khi tình huống khẩn cấp xảy ra, trong khi mỗi giây đều vô cùng quan trọng".

Ngoài ra, chiếc ghế được dựng thẳng lúc cất và hạ cánh cũng giúp giảm nguy cơ khách đập mặt vào lưng ghế phía trước. Nếu ghế còn ngả, hành khách có nguy cơ bị chấn thương đầu.

Nếu phi hành đoàn nhận thấy máy bay sắp va chạm, họ sẽ yêu cầu hành khách giữ yên vị trí để hạ cánh khẩn cấp trong tư thế cúi đầu về phía trước. Một đại diện của Cục Hàng không dân dụng Anh từng nói với Telegraph: "Hành khách chỉ có thể thay đổi tư thế dễ dàng khi đang ngồi thẳng. Khi thấy mình đang gặp nguy hiểm trên máy bay, bạn sẽ không muốn mất thêm thời gian di chuyển ghế rồi mới giữ yên được vị trí ngồi".

Theo các chuyên gia hàng không, cất cánh và hạ cánh là giai đoạn nguy hiểm nhất của chuyến bay. Theo một nghiên cứu của Airbus, khoảng 75% các vụ tai nạn trên toàn thế giới liên quan đến máy bay Airbus, cả gây tử vong và không gây tử vong, trong 20 năm qua đã xảy ra trong quá trình cất cánh, tiếp đất hoặc hạ cánh.

"Tiếp đất và hạ cánh là các giai đoạn bay rất phức tạp, đặt ra yêu cầu đáng kể đối với phi hành đoàn về điều hướng, thay đổi cấu hình máy bay, liên lạc với kiểm soát không lưu, không phận tắc nghẽn và điều kiện thời tiết xuống cấp", Airbus viết trong nghiên cứu.

Boeing cũng nhận thấy cất cánh, tiếp đất và hạ cánh là những giai đoạn nguy hiểm nhất của chuyến bay. Nghiên cứu kéo dài từ năm 2011 đến năm 2022 của hãng cho thấy 67% các vụ tai nạn chết người trên toàn thế giới liên quan đến máy bay Boeing xảy ra trong các giai đoạn này.

Do đó, việc tuân thủ an toàn bay trong khi cất cánh và hạ cánh là vô cùng quan trọng. Ngoài việc dựng thẳng lưng ghế trong quá trình máy bay cất cánh và hạ cánh, tiếp viên hàng không cũng sẽ yêu cầu bạn đóng và khóa bàn để khay, đảm bảo rằng tất cả các túi được xếp gọn bên dưới ghế trước mặt bạn hoặc trong khoang hành lý phía trên. Tất cả vì sự an toàn cho bản thân và những người xung quanh.

Vì sao khi máy bay cất cánh và hạ cánh phải mở tấm che cửa sổ?

Các chuyên gia về an toàn hàng không tiết lộ, cất cánh và hạ cánh là giai đoạn có nhiều nguy cơ nhất trong hành trình bay; hầu hết tai nạn xảy ra trong 2 quá trình này. Tấm che cửa sổ cần được mở để nếu xảy ra trường hợp khẩn cấp, phi hành đoàn có thể quyết định ngay bên nào của máy bay là an toàn nhất để sử dụng cửa thoát hiểm.

Ngoài ra, việc mở màn cửa sổ khi máy bay cất và hạ cánh còn có những lợi ích sau:

-Hành khách thường thích nhìn ra cửa sổ, do đó họ có thể sẽ nhanh chóng phát hiện điều bất thường bên ngoài, dấu hiệu hỏng hóc trên cánh, động cơ hay vật thể lạ để thông báo cho tổ bay.

-Với các chuyến bay ban ngày, việc mở cửa sổ sẽ giúp mắt hành khách quen với ánh sáng tốt hơn. Trong trường hợp cần thoát hiểm, độ tương phản ánh sáng không thay đổi đột ngột, làm hại thị lực của họ.

-Với các chuyến bay đêm, nếu gặp sự cố, qua cửa sổ mở, nhân viên cứu hộ dưới mặt đất dễ dàng quan sát những gì xảy ra bên trong máy bay hơn.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ly-do-tiep-vien-luon-yeu-cau-dung-thang-lung-ghe-khi-may-bay-cat-ha-canh-204240715224611747.htm