Lý do tỉnh Lâm Đồng thành lập Sở Ngoại vụ

Theo đề án, tỉnh Lâm Đồng có sân bay, cảng biển, biên giới nên thành lập Sở Ngoại vụ sẽ là đầu mối giúp tỉnh xây dựng chiến lược đối ngoại dài hạn.

Ngày 2-7, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký Đề án thành lập 13 cơ quan chuyên môn, 1 tổ chức hành chính thuộc UBND tỉnh Lâm Đồng.

Đề án đã nhấn mạnh về sự cần thiết thành lập Sở Ngoại vụ tỉnh Lâm Đồng. Theo đó hiện nay, tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đắk Nông có các Phòng Ngoại vụ trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh; tỉnh Bình Thuận có Phòng Khoa giáo, Văn xã, Ngoại vụ thuộc Văn phòng UBND tỉnh thực hiện tham mưu công tác quản lý về ngoại vụ trên địa bàn tỉnh.

 Sân bay Liên Khương, tỉnh Lâm Đồng.

Sân bay Liên Khương, tỉnh Lâm Đồng.

Tuy nhiên, Phòng Ngoại vụ chỉ là đơn vị cấp phòng, không có đầy đủ thẩm quyền để ký kết hoặc phối hợp xây dựng các văn bản mang tính quốc tế; chủ trì công tác đối ngoại nhân dân, ngoại giao kinh tế; phối hợp trực tiếp với Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức quốc tế, dẫn đến tỉnh khó chủ động trong các hoạt động đối ngoại quy mô lớn, làm giảm khả năng phản ứng nhanh và linh hoạt trước các yêu cầu quốc tế.

Sau sáp nhập, tỉnh Lâm Đồng mới có diện tích lớn nhất cả nước (24.233,07 km²), dân số lớn (3.872.999 người), có đường biên giới trên đất liền với nước bạn Campuchia (141 km), kinh tế đa ngành và địa lý đa dạng, có núi, biển, cao nguyên. Các mối quan hệ quốc tế sẽ trở nên phức tạp hơn, nhiều tổ chức phi chính phủ (NGO), doanh nghiệp FDI, các đoàn lãnh sự, đối tác quốc tế đến từ nhiều nước. Do đó, định hướng phát triển công tác đối ngoại của tỉnh Lâm Đồng sau sáp nhập nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đối ngoại.

Việc thành lập Sở Ngoại vụ sẽ là đầu mối quan trọng giúp UBND tỉnh xây dựng chiến lược đối ngoại dài hạn; phối hợp tiếp đón, làm việc với đoàn quốc tế, quản lý các chương trình viện trợ, hợp tác quốc tế; điều phối quan hệ quốc tế cho sở, ngành, địa phương trong toàn tỉnh.

Sau khi sáp nhập 3 tỉnh sẽ có tiềm năng thu hút FDI lớn trong các lĩnh vực, như: Năng lượng tái tạo (Đắk Nông, Bình Thuận), nông nghiệp công nghệ cao (Lâm Đồng), du lịch biển - núi - văn hóa; cần có một cơ quan chuyên trách nhằm xúc tiến đầu tư quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp địa phương tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, kết nối, tổ chức giao lưu văn hóa - giáo dục. Đồng thời, việc thành lập Sở Ngoại vụ cũng khẳng định vị thế của tỉnh sau sáp nhập trong tiến trình hội nhập quốc tế, là bước đi thể hiện tầm nhìn chiến lược, cam kết hội nhập sâu rộng, nâng cao năng lực thể chế và quản lý công vụ hiện đại.

Về tiêu chí thành lập, tỉnh Lâm Đồng mới có đủ 2 tiêu chỉ để thành lập Sở Ngoại vụ gồm: Có cửa khẩu quốc tế đường hàng không (Cảng Hàng không Quốc tế Liên Khương); có cảng biển Quốc tế (Cảng biển Quốc tế Vĩnh Tân).

 Cảng biển quốc tế Vĩnh Tân, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh PN.

Cảng biển quốc tế Vĩnh Tân, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh PN.

Do đó, việc thành lập Sở Ngoại vụ thuộc UBND tỉnh Lâm Đồng là rất cần thiết, nhằm giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác ngoại vụ và công tác biên giới lãnh thổ quốc gia.

Theo Đề án, về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện theo Thông tư của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về công tác đối ngoại của cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh.

Lãnh đạo Sở Ngoại vụ sẽ có Giám đốc và không quá 2 Phó Giám đốc, thực hiện theo phương án nhân sự của cấp có thẩm quyền.

Dự kiến 31 biên chế, trong đó, tiếp nhận nguyên trạng biên chế, nhân sự theo vị trí việc làm từ Phòng Ngoại vụ Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Phòng Khoa giáo, Văn xã, Ngoại vụ Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận.

Sau khi thành lập: Sở Ngoại vụ tỉnh Lâm Đồng dự kiến có 4 phòng chuyên môn gồm: Văn phòng Sở, Phòng Hợp tác Quốc tế; Phòng Lãnh sự-người Việt Nam ở nước ngoài và Phòng Quản lý biên giới.

PHƯƠNG NAM-VÕ TÙNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/ly-do-tinh-lam-dong-thanh-lap-so-ngoai-vu-post858456.html