Lý do Triều Tiên phóng tên lửa qua Nhật Bản thời điểm này
Với 6 vụ phóng thử tên lửa đạn đạo trong 12 ngày qua, Triều Tiên đang phô trương năng lực tên lửa ở thời điểm tình hình chính trị thế giới đang có nhiều bất ổn.
Theo Washington Post, kể từ đầu năm nay, Triều Tiên đã tăng cường hoạt động thử tên lửa của nước này với 23 lần phóng các loại tên lửa đạn đạo tính đến tháng 10. Chỉ trong 12 ngày qua, Triều Tiên đã tiến hành 6 vụ phóng thử tên lửa.
Theo các quan chức Nhật Bản và Hàn Quốc, trong vụ phóng thử gần nhất vào hôm 6/10, Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa đạn đạo về phía vùng biển phía đông của nước này.
Trong 6 lần phóng tên lửa vừa qua của Triều Tiên, vụ phóng đáng chú ý nhất diễn ra vào hôm 4/10, khi tên lửa đạn đạo của nước này đã bay qua lãnh thổ Nhật Bản và bay xa hơn những tên lửa được Triều Tiên phóng đi trong quá khứ.
Trong vụ phóng tên lửa vào hôm 4/10, chính phủ của Nhật Bản đã không nhận được thông báo từ phía Triều Tiên. Lần gần nhất tên lửa của Triều Tiên bay qua lãnh thổ Nhật Bản là vào năm 2017.
Các vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên được thực hiện với nhiều mục đích khác nhau. Bên cạnh việc cải tiến công nghệ, các vụ phóng thử tên lửa cũng nhằm gửi đi những thông điệp chính trị trong nước và tới các quốc gia khác.
Đây cũng là một tuyên bố về những bước tiến bộ về khoa học công nghệ mà Triều Tiên đã đạt được trong thời gian quá trình đàm phán hạt nhân giữa nước này và các quốc gia khác bị đình trệ.
Phóng tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản
Người dân ở khu vực phía Bắc Nhật Bản bị đánh thức vào sáng 4/10 bởi tiếng còi báo động, cảnh báo họ về một cuộc tấn công bằng tên lửa. Trước đó, vào lúc 7h22 (giờ địa phương), Triều Tiên đã phóng thử một tên lửa đạn đạo tầm trung về phía Nhật Bản.
Tên lửa được phóng đi đã bay khoảng 4.600 km trong 22 phút - trong đó có thời điểm tên lửa đã bay qua tỉnh Aomori của Nhật Bản - trước khi rơi xuống Thái Bình Dương. Theo các quan chức Nhật Bản, trong quá trình bay, tên lửa đã đạt đến độ cao 1.000 km.
Cho đến nay, các chuyên gia vẫn chưa thể xác định loại tên lửa được Triều Tiên phóng đi vào hôm 4/10. Tuy nhiên, theo phỏng đoán của các quan chức quốc phòng Nhật Bản, loại tên lửa được sử dụng có nhiều điểm tương đồng với tên lửa Hwasong-12, vốn có thể vươn tới Nhật Bản và vùng lãnh thổ Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Theo ông Kim Dong-yup, một cựu sĩ quan hải quân Hàn Quốc và giảng viên tại Đại học Kyungnam, dựa theo quãng đường di chuyển và quỹ đạo của tên lửa, có thể phỏng đoán rằng loại tên lửa được sử dụng là một phiên bản cải tiến của tên lửa Hwasong-12.
Trong thời gian gần đây, Triều Tiên đã liên tục thử nghiệm các loại vũ khí của nước này. Những vụ thử nghiệm trên được Triều Tiên tiến hành sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un công bố kế hoạch 5 năm của nước này. Đầu năm nay, ông Kim cho biết Triều Tiên sẽ đẩy mạnh chương trình hạt nhân và phát triển tên lửa của nước này với tốc độ "nhanh nhất có thể".
Trong quá khứ, phần lớn các tên lửa được Triều Tiên phóng thử đều đạt độ cao lớn trước khi rơi xuống vùng biển giữa nước này và các quốc gia lân cận.
Cách phóng trên được Triều Tiên sử dụng để tránh đe dọa tới an ninh của các quốc gia láng giềng. Theo các chuyên gia, vụ phóng tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản vào hôm 4/10 có thể là một thông điệp chính trị từ phía Triều Tiên.
Tại sao lại chọn Nhật Bản?
Trong 2 tháng vừa qua, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã tiến hành một số cuộc tập trận như một tuyên bố cho thấy các quốc gia này sẵn sàng hợp tác cùng nhau trong trường hợp xảy ra xung đột.
Trong khi những nước này cho biết các cuộc tập trận trên chỉ mang tính chất phòng thủ, chính quyền của ông Kim cáo buộc các cuộc tập trận trên là hành động gây hấn và đáp trả bằng cách đẩy nhanh chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Sau vụ phóng tên lửa vào hôm 4/10, quân đội Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đáp trả bằng cách tổ chức các cuộc tập trên không, trên biển và trên bộ.
Tình hình an ninh tại Bắc Á trong thời gian gần đây ngày càng trở nên bất ổn với sự trỗi dậy về năng lực quân sự của Trung Quốc cùng với tình hình xung đột tại Ukraine.
Từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra, Triều Tiên đã thắt chặt mối quan hệ giữa nước này và Nga trong khi quan hệ giữa Moscow và Tokyo ngày càng trở nên căng thẳng.
Trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng, Trung Quốc đang thúc đẩy mối quan hệ với Triều Tiên. Trong khi đó, việc chính phủ mới của Hàn Quốc có đường lối thân Mỹ và cứng rắn với Triều Tiên đã khiến quan hệ hai nước xấu đi.
Theo ông Robert Ward, chuyên gia nghiên cứu về tình hình an ninh Nhật Bản tại Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, Triều Tiên sử dụng những vụ phóng tên lửa gần đây để nhắc nhở thế giới - vốn đang tập trung vào cuộc xung đột tại Ukraine và sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc - về tầm quan trọng của nước này.
"Các vụ phóng tên lửa làm gia tăng lo ngại về an ninh mà Nhật Bản phải đối mặt từ phía Triều Tiên ở phía tây. Trong khi ở phía bắc, quan hệ của Nhật Bản với Nga đang xấu đi. Trong khi đó, ở phía nam là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Một điều mà chúng ta cần phải để ý chính là mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa Nga, Trung Quốc và Triều Tiên", ông Ward nhận định.
Theo chuyên gia Masashi Murano thuộc Viện nghiên cứu Hudson ở Washington, Triều Tiên không có nhiều lựa chọn về đường bay và hướng bắn trong các vụ thử tên lửa có tầm bay vượt quá 4.000 km.
Hai lựa chọn duy nhất của Triều Tiên trong các vụ phóng tên lửa là bắn về phía Nhật Bản hoặc về phía Thái Bình Dương. Những hướng bay khác của tên lửa có thể được coi là cuộc tấn công nhằm vào vùng lãnh thổ Guam của Mỹ.
Sắp thử hạt nhân
Theo các chuyên gia, Triều Tiên nhiều khả năng sẽ có động thái gây căng thẳng bằng việc thử nghiệm vũ khí hạt nhân, giống như nước này từng làm trong quá khứ sau các lần phóng thử tên lửa đạn đạo.
Vào tháng 8/2017, Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo bay qua lãnh thổ Nhật Bản sau lời đe dọa sẽ giải phóng "cơn thịnh nộ và sự hủy diệt" của Tổng thống Mỹ Donald Trump nếu nước này tiếp tục các cuộc thử nghiệm tên lửa. Một tháng sau đó, Triều Tiên tiếp tục leo thang tình hình khi tiến hành thử nghiệm hạt nhân.
Triều Tiên có khả năng sẽ lặp lại các hành động trên và tiến hành việc thử hạt nhân lần đầu tiên kể từ năm 2017. Theo hình ảnh từ vệ tinh và tuyên bố từ các quan chức tình báo, Triều Tiên đã hoàn thành các bước chuẩn bị cho một cuộc thử nghiệm hạt nhân. Nước này nhiều khả năng đang chờ đợi thời điểm thích hợp để tiến hành cuộc thử nghiệm trên.
"Vào thời điểm này, việc quay đầu và hoãn các vụ thử vũ khí tiếp theo sẽ là đi ngược lại với lợi ích của chính quyền Triều Tiên. Bên cạnh đó, đây cũng là một sự lãng phí tài nguyên lớn sau các vụ thử nghiệm tên lửa vừa qua. Chúng ta đang ở trong một vòng xoáy các hành động khiêu khích", Soo Kim, một nhà phân tích tại tổ chức nghiên cứu RAND nhận định với tờ Guardian.
"Điều tiếp theo sẽ diễn ra nhiều khả năng là một cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa và cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân lần thứ 7", ông Soo Kim bổ sung.
Trong một phiên họp đặc biệt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào hôm 4/10, Đại sứ Mỹ Linda Thomas-Greenfield cáo buộc Nga và Trung Quốc đã bảo vệ cho Triều Tiên bằng cách từ chối thông qua các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với nước này.
Đáp trả lại tuyên bố trên, phía Nga cho biết các Triều Tiên đã buộc phải tự vệ trước chính sách "thù địch" của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương. Trung Quốc cũng cáo buộc Mỹ đã tổ chức các cuộc tập trận hải quân, làm leo thang căng thẳng trong khu vực.
Cả Nga và Trung Quốc đã kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên đã sụp đổ sau khi hội nghị hòa bình giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên và Tổng thống Trump vào năm 2019 đã kết thúc mà không đạt được kết quả.
Tổng thống Biden sau khi lên nắm quyền đã từ chối gỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt theo như yêu của ông Kim trong các cuộc đàm phán hòa bình trước đó.