Lý do Ukraine tự sản xuất vũ khí kỷ lục nhưng vẫn cần hỗ trợ từ phương Tây
Trong những năm đầu của cuộc xung đột với Nga, Ukraine phụ thuộc nhiều vào vũ khí phương Tây để trang bị cho lực lượng của nước này. Nhưng hiện nay, ngành công nghiệp quốc phòng của chính Ukraine đang dồn dập xuất xưởng vũ khí, đạt kỷ lục về số lượng.

Binh sĩ Ukraine bắn lựu pháo bọc thép 2000 trong cuộc xung đột với Nga gần Bahmut, vùng Donetsk. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Theo The Wall Street Journal (Mỹ), vào năm 2024 Ukraine khẳng định lượng pháo nước này sản xuất vượt qua cả tổng sản lượng của tất cả các quốc gia Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cộng lại.
Trong khi các đồng minh phương Tây tăng sản lượng vũ khí một cách chậm chạp, giá trị vũ khí mà ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine có thể sản xuất đã tăng vọt từ 1 tỷ USD năm 2022 lên 35 tỷ USD sau ba năm.
Trong bối cảnh hỗ trợ từ Mỹ đang giảm mạnh, ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine ngày càng đóng vai trò quan trọng. Việc Ukraine tăng cường tự sản xuất nhiều vũ khí giúp họ giảm nguy cơ tổn thương trước những thay đổi thất thường của chính trị quốc tế hoặc khúc mắc trong chuỗi cung ứng xuyên biên giới.
Ukraine cũng coi ngành công nghiệp quốc phòng là nguồn thu nhập cho nền kinh tế đang suy yếu ở thời kỳ hậu chiến đồng thời cũng là kênh để hội nhập sâu hơn vào phương Tây bằng cách trở thành một trong những nhà cung cấp.
Tổng thống Volodymyr Zelensky từng phát biểu: "Ukraine sẽ luôn cần vũ khí mạnh của riêng mình để chúng ta có thể xây dựng nhà nước hùng mạnh".
Ông Zelensky đồng thời khẳng định hơn 40% vũ khí sử dụng ở tiền tuyến được sản xuất nội địa. Ở một số lĩnh vực, chẳng hạn như thiết bị bay không người lái, tác chiến điện tử… con số này gần bằng 100%. Các nhà sản xuất Ukraine cũng đang xuất xưởng số lượng lớn các loại vũ khí truyền thống như hệ thống pháo binh, xe bọc thép, mìn và đạn dược các loại.
Ông Rob Lee tại Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại đánh giá: “Ở các quốc gia phương Tây, có nhiều cạnh tranh để thu hút tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp khoa học máy tính hoặc những nhân sự công nghệ thông tin giỏi nhất. Còn tại Ukraine, phần lớn những người tài giỏi nhất đã chuyển sang ngành quốc phòng”.
Nhưng ngay cả sự chuyển đổi mạnh mẽ của kho vũ khí tự sản xuất cũng không đủ để Ukraine có thể đơn độc trong cuộc xung đột với Nga. Ukraine cần Mỹ và các đồng minh phương Tây khác. Họ không thể sản xuất đủ đạn dược để nạp cho súng hoặc thiết bị phòng không nhằm bảo vệ chống lại tên lửa.
Hơn nữa, trong khi sản xuất vũ khí bùng nổ, ngân sách của Ukraine lại đang có nhiều gánh nặng. Ông Oleksandr Kamyshin, cố vấn của Tổng thống Zelensky cho biết trong năm nay chính phủ Ukraine chỉ có khả năng mua chưa đầy 50% số vũ khí mà các nhà sản xuất quốc phòng có thể sản xuất.
Ông Oleksandr Kamyshin đau đáu nói: "Thật buồn khi bạn không thể sản xuất và không có gì để chiến đấu. Nhưng thật đau xót gấp đôi khi bạn có thể sản xuất, nhưng không thể tài trợ cho việc mua sắm".
Chính phủ một số quốc gia phương Tây đang tài trợ cho việc mua vũ khí từ các công ty quốc phòng Ukraine theo mô hình Đan Mạch. Theo đó, thay vì cung cấp vũ khí phương Tây cho Kiev, họ cung cấp tiền để mua vũ khí từ các nhà sản xuất quốc phòng Ukraine.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã đóng vai trò là nơi thử nghiệm một loạt vũ khí trước đây chưa từng được đưa vào sử dụng, cung cấp cho các quốc gia NATO những dữ liệu giá trị về cách chúng hoạt động trong chiến trận. “Một trong những bài học rút ra từ cuộc chiến này là nhu cầu về số lượng rất cao”, ông Rob Lee nói.
Chính phủ Đan Mạch đang tài trợ việc mua 18 khẩu pháo Bohdana cho lực lượng vũ trang Ukraine. Khoảng 85% các thành phần của Bohdana hiện được sản xuất tại Ukraine.
Pháo tự hành Archer do Thụy Điển chế tạo hoặc pháo Panzer 200 của Đức sở hữu thiết bị điện tử tinh vi, nhưng chúng mất nhiều thời gian hơn để sản xuất và tốn kém hơn nhiều. Còn Bohdana có giá 2,8 triệu euro, rẻ hơn so với mức 8,76 triệu euro cho Archer, hoặc khoảng 4 triệu euro cho Caesar.