Lý do xuất khẩu rau quả Việt Nam vừa hụt thu hơn 2.800 tỷ đồng

Xuất khẩu rau quả quý I năm nay chỉ đạt hơn 1,1 tỷ USD, hụt tới hơn 2.800 tỷ đồng so với kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính dẫn đến sụt giảm xuất khẩu rau quả là do mặt hàng chủ lực là sầu riêng bị ảnh hưởng bởi những thay đổi của thị trường quốc tế.

Xuất khẩu rau quả sụt giảm do đâu?

Theo thống kê mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT), giá trị xuất khẩu hàng rau quả tháng 3 ước đạt 450 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu hàng rau quả quý I đạt hơn 1,1 tỷ USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2024. Như vậy tính cả quý, các doanh nghiệp Việt đã hụt thu lên tới hơn 2.800 tỷ đồng.

Mặt hàng rau quả của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với tỷ trọng 44,5%. Hai thị trường xuất khẩu rau quả lớn tiếp theo là Hoa Kỳ và Hàn Quốc với tỷ trọng lần lượt là 9,6% và 6%.

So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu hàng rau quả 2 tháng đầu năm sang thị trường Trung Quốc giảm 38,9%, thị trường Hoa Kỳ tăng 65,5%, thị trường Hàn Quốc tăng 0,1%. Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu lớn nhất, giá trị xuất khẩu hàng rau quả tăng mạnh nhất ở thị trường Anh với mức tăng 77,8%.

Dù xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm 2024, ngành rau quả vẫn duy trì được cán cân thương mại dương, với xuất siêu đạt gần 562 triệu USD trong 3 tháng đầu năm.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho rằng, việc xuất khẩu rau quả sụt giảm trong quý I là bức tranh trái ngược hoàn toàn so với năm trước. Trong năm 2024, xuất khẩu rau quả liên tục tăng từ đầu năm, giúp ngành hàng rau quả thu doanh số kỷ lục với hơn 7,1 tỷ USD.

Xuất khẩu rau quả bị ảnh hưởng nhiều bởi mặt hàng sầu riêng. Ảnh minh họa: IT.

Xuất khẩu rau quả bị ảnh hưởng nhiều bởi mặt hàng sầu riêng. Ảnh minh họa: IT.

Ông Nguyên lý giải nguyên nhân chính dẫn đến sụt giảm xuất khẩu rau quả là do mặt hàng chủ lực là sầu riêng bị ảnh hưởng bởi những thay đổi của thị trường quốc tế.

Từ đầu năm nay, Trung Quốc bất ngờ yêu cầu tất cả các lô hàng sầu riêng nhập khẩu phải có kết quả phân tích dư lượng Cadimi và chất vàng O tại các phòng thí nghiệm được nước này công nhận. Quy định này không chỉ áp dụng với Việt Nam mà với tất cả các nước xuất khẩu, khiến quy trình xuất khẩu trở nên phức tạp, kéo dài thời gian thông quan.

Bên cạnh đó, sầu riêng Việt Nam xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) cũng phải chịu tăng tần suất kiểm tra tại biên giới từ 10% lên 20% do nhiều lần không tuân thủ các quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Tìm hướng đi mới

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&MT - cho biết, hiện Bộ đang thúc đẩy đàm phán với Trung Quốc để đưa xuất khẩu sầu riêng quay trở lại đà tăng trưởng. Ngoài ra, Bộ NN&MT cũng đẩy mạnh nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng được nhu cầu quốc tế và thúc đẩy mở rộng các thị trường mới.

Bộ NN&MT khuyến cáo người dân, doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng tuyệt đối không sử dụng các hóa chất bị cấm hoặc để mức dư lượng tối đa cho phép vượt ngưỡng theo quy định của nước nhập khẩu; cần có các chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm tại vườn, vùng trồng và tại các cơ sở đóng gói, chế biến, bảo quản để xuất khẩu thuận lợi hơn.

Cuối tháng 3, có 24 tấn sầu riêng đông lạnh được xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây là lô hàng sầu riêng đông lạnh đầu tiên được xuất khẩu kể từ khi Trung Quốc và Việt Nam ký nghị định thư vào tháng 8/2024. Điều này mở ra cơ hội mới để loại trái cây tỷ đô này phủ sóng thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới.

Trên thị trường, sầu riêng đông lạnh xuất khẩu loại 1 có mức giá bình quân 140.000 - 180.000 đồng/kg. Vì vậy, giá trị mỗi container sầu riêng đông lạnh ở mức 7 - 8 tỷ đồng, gấp 3 - 4 lần sầu riêng tươi.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, hiện tại xuất khẩu sầu riêng đông lạnh hiện vẫn chưa tăng trưởng như kỳ vọng. Nguyên nhân do sầu riêng đông lạnh cũng phải tuân thủ quy định về kiểm định vàng O và cadimi.

Ngoài ra, trong quá trình vận chuyển, việc đảm bảo nhiệt độ cho sầu riêng đông lạnh cũng là một thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp. Nếu không duy trì nhiệt độ lõi ở dưới mức -18 độ C, hàng hóa có thể bị hỏng và không đảm bảo được chất lượng.

Nguyễn Quang Hiếu - Cục phó Cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật, Bộ NN&MT - cho biết, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cấp phép cho hơn 20 doanh nghiệp Việt Nam đạt các điều kiện xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc. Đây là thị trường có nhu cầu tiêu thụ rất lớn đối với sản phẩm sầu riêng. Ngoài ăn tươi, sầu riêng được dùng làm nguyên liệu sản xuất bánh kẹo, làm kem thậm chí đưa vào nấu lẩu, nên dự báo sản lượng sầu riêng đông lạnh xuất khẩu Trung Quốc sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.

Thanh Huyền

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ly-do-xuat-khau-rau-qua-viet-nam-vua-hut-thu-hon-2800-ty-dong-post1730409.tpo