Lý giải chiến thắng toàn diện của Italy trước Bỉ
Trước khi trận đấu diễn ra, giới chuyên môn nhận định nếu vắng Kevin De Bruyne, Bỉ sẽ không thể làm nên chuyện. Nhạc trưởng đã góp mặt nhưng sau cùng, 'Quỷ đỏ' vẫn thua Italy.
Trong 3 trận vòng bảng và trận đấu ở vòng 16 đội, đội tuyển (ĐT) Bỉ đã có những thành tích ấn tượng, nhưng khó có thể nói rằng HLV Roberto Martinez đã thực sự đáng khen ngợi 100%.
Dấu ấn đáng chú ý nhất của ông về mặt chiến thuật đến trong trận đấu trước Đan Mạch, khi ông thay đổi sơ đồ thi đấu, qua đó giúp Bỉ giành được trung tuyến và từ đó lất át "Những chú lính chì".
Bỉ tung hết chiêu thức
Ở trận đấu ấy, "Quỷ đỏ" đã gặp nhiều khó khăn. Với sơ đồ 3-4-3, hai tiền vệ trẻ Leander Dendoncker và Youri Tieleman đã bị "bắt nạt" bởi cặp cầu thủ giàu kinh nghiệm chinh chiến hơn là Thomas Delaney - Pierre-Emile Hojbjerg. Hệ thống của Bỉ ít có các pha hoán đổi vị trí linh hoạt, vì vậy dễ dàng bị đối thủ áp sát. Romelu Lukaku cũng không thể hiện được nhiều với vai trò trung phong độc lập, quay lưng về khung thành đối thủ.
Sang hiệp 2, với sự trở lại của ngôi sao Kevin De Bruyne, HLV Martinez làm nên bước ngoặt của trận đấu khi đưa De Bruyne vào sân, chuyển sơ đồ thi đấu sang 3-4-1-2. Sơ đồ này giúp trung tuyến trở thành 3 đấu 2, không chỉ De Bruyne tỏa sáng mà cả Dendoncker lẫn Tielemans đều chơi tốt hơn nhiều. Đặc biệt, Lukaku đóng góp công lớn trong cả 2 bàn thắng khi được chơi lệch về bên trái, thường xuyên thực hiện nhiệm vụ xuyên phá bằng sức càn lướt.
Tới trận đấu gặp Bồ Đào Nha, ông Martinez lại chỉ áp dụng một nửa phương án. Bỉ phòng ngự vẫn bằng sơ đồ 3-4-1-2, nhưng tiếp tục chơi 3-4-3 trong giai đoạn kiểm soát bóng. Không phủ nhận sự xui xẻo khi De Bruyne chấn thương, nhưng sơ đồ là một phần khiến cho Bỉ tấn công không hiệu quả.
Bước qua được Bồ Đào Nha trong tâm thế kém thuyết phục, cuối cùng ông Martinez cũng quyết định chọn 3-4-1-2 trong mọi giai đoạn của trận đấu.
Sơ đồ này đặt Kevin De Bruyne vào vị trí trung tâm, ngoài ra cũng là tiền đề để Romelu Lukaku chơi tốt.
Sự thiếu vắng Eden Hazard dĩ nhiên là đáng tiếc, nhưng Bỉ thực sự có phương án thay thế hoàn hảo - ít nhất ở trận đấu này, khi tài năng trẻ Jeremy Doku chơi không thể nào chê được phía bên trái.
Doku được ông Martinez đặt vào vai trò phù hợp, đó là bám biên thuần túy. Trong các pha tổ chức tấn công, Thorgan Hazard sẽ là người di chuyển vào trung lộ thay vì Doku. Từ đó, tiền vệ 19 tuổi đang chơi cho Stade Rennais có thể dễ dàng nhận bóng nhiều hơn và thể hiện được điểm mạnh của bản thân một cách hiệu quả hơn.
Anh thực hiện tổng cộng cú rê dắt, trong đó đã 8 lần qua người thành công - một con số không thua kém bất kỳ cái tên nào tại Euro 2020, trong đó có pha bóng dẫn tới tình huống phạt đền ở cuối hiệp một để giúp Bỉ gỡ bàn.
Có thể xem là Bỉ đã tung hết những "chiêu đòn" tốt nhất ở trận đấu này. Dù vậy, ngoài việc kể tới sự xuất sắc của Gianluigi Donnaruma, cũng cần nhìn nhận các chi tiết kể trên đều là về những điểm nhấn cá nhân. Khó có thể nói Bỉ đã mang tới những bài miếng đủ sắc bén để gây khó khăn cho Italy trong suốt trận đấu.
Italy tấn công khoảng trống 2 biên
Tương tự như ở trận gặp Bồ Đào Nha, ông Martinez tiếp tục yêu cầu các tiền vệ trung tâm phải chơi 1 kèm 1 với các đồng nghiệp bên phía Italy.
Trước Bồ Đào Nha, về cơ bản cách chơi này hạn chế được phần nào khả năng của Renato Sanches và Joao Moutinho. Sanches chỉ có thể tạo ra vài pha đột biến nhờ sức đột phá của bản thân. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, Axel Witsel và Youri Tielemans sẽ phải phụ trách khoảng không quá lớn theo chiều ngang mặt sân.
Ngay từ trận gặp Bồ Đào Nha, Bỉ đã bị khai thác điểm yếu này, khi các hậu vệ biên của Bồ Đào Nha thường xuyên cầm bóng dâng lên một cách tương đối thoải mái.
ĐT Italy thậm chí có tận dụng vấn đề của Bỉ tốt hơn cả Bồ Đào Nha.
Thứ nhất, khác với trận gặp Bồ Đào Nha, ở trận này ông Martinez đã yêu cầu các học trò đẩy lên cao chơi áp sát tới tận vòng cấm địa của Italy. Vấn đề nằm ở chỗ áp lực này là không đồng bộ và hoàn toàn sơ hở. Ngoài pha bóng duy nhất ở phút thứ 2 của trận đấu, Azzurri không gặp sai lầm nào khác trong việc vượt áp lực để tấn công. Dưới đây là một tình huống để minh họa cho vấn đề của Bỉ.
Tình huống trên không kết thúc bằng bàn thắng, nhưng nó là minh chứng cho sự thiếu hiệu quả của Bỉ trong các pha áp sát từ xa.
Thứ hai, Italy thuần thục trong việc lên bóng ở một cánh trước khi chuyển hướng tấn công nhanh sang cánh đối diện - đây vốn dĩ là miếng đánh quen thuộc của các HLV tại Serie A như Maurizio Sarri, Antonio Conte hay Gian Piero Gasperini.
Thứ ba, họ sở hữu những con người không thể phù hợp hơn cho lối chơi ấy: Leonardo Bonucci, cầu thủ mà chính Andrea Pirlo từng gọi là "Pirlo húi cua", những chuyên gia kiểm soát bóng trong phạm vi hẹp để luân chuyển như Jorginho hay Lorenzo Insigne. Ngoài ra, Nicolo Barella hay Marco Verratti đều có xu hướng mở rộng ra biên để nhận và làm bóng.
Điều đáng chú ý là Insigne thường xuyên tiếp cận được khu vực rìa ngoài bên trái vòng cầm địa nhờ cách chơi này. Đó cũng chính là khu vực làm nên tên tuổi của Insigne tại Serie A, với những cú cứa lòng đã trở thành thương hiệu.
Tuy nhiên, Bỉ lại để cho Insigne hoạt động không biết mệt mỏi ở đó.
Trong một số tình huống khi Verratti di chuyển vào bên trong, anh sẽ là người tận dụng khoảng trống. Và chính từ một trong những pha bóng ấy, cầu thủ cao 1,63 m đã trừng phạt ĐT Bỉ.
Lại là một pha tổ chức áp sát từ xa không đồng bộ, cự ly đội hình của Bỉ bị giãn cách về chiều dọc hoàn toàn do lỗi của chính họ.
Thomas Meunier cũng không thể dâng lên để kèm Insigne, bởi Spinazzola luôn giữ vị trí "chốt" cao trên biên của Italy. Và thế là Tielemans lùi về nỗ lực cũng chỉ để làm nền cho pha xử lý sở trường của đội trưởng CLB Napoli.
Thắng cả trong những khoảnh khắc
Hãy cùng quay lại về bàn thắng đầu tiên để thấy người Italy đã vượt qua Bỉ một cách đầy thuyết phục. Những phân tích phía trên nhằm làm rõ tương tác về chiến thuật giữa đôi bên đã dẫn tới sự lấn lướt của Italy. Nhưng ngay từ trước đó, các học trò của ông Roberto Mancini cho thấy họ hơn đối thủ cả về độ "quái" cũng như sự quyết đoán ở thời khắc quyết định.
Loạt hành động này đã cho thấy rõ ràng chỉ có một bên xứng đáng với mô tả là "tập trung", "nhanh trí", "quyết đoán". Đây là những tính từ thường dành cho bên thắng cuộc sau một trận cầu lớn, và ĐT Italy đã cho thấy họ hoàn toàn xứng đáng.
Suốt một thời gian đã qua, thầy trò Mancini vẫn nhận những nghi ngờ về việc họ chủ yếu chỉ thắng những đối thủ tầm trung hoặc yếu. Và giờ đây, họ đã quật ngã đội tuyển số một trên bảng xếp hạng FIFA.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ly-giai-chien-thang-toan-dien-cua-italy-truoc-bi-post1234278.html