Lý giải của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường về vấn đề ngập úng tại các đô thị

Liên quan đến câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề ngập úng tại các đô thị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) Đặng Quốc Khánh cho rằng, đó là tác động từ quá trình đô thị hóa.

Sáng 4/6, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp 7. Ảnh: Quốc hội

Sáng 4/6, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp 7. Ảnh: Quốc hội

Sáng 4/6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp 7.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết trước khi đăng đàn trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh đã có báo cáo 43 trang gửi các đại biểu Quốc hội. Tư lệnh ngành tài nguyên sẽ trả lời về 3 nhóm vấn đề.

Một là việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia. Hai là tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước cũng như giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước. Ba là giải pháp nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tài nguyên, khoáng sản quý hiếm.

Phát biểu trước khi đăng đàn, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh chia sẻ đây là ngành quản lý lĩnh vực rộng và có nhiều vấn đề liên quan trực tiếp tới người dân. Theo ông, bên cạnh nhiều kết quả đạt được, còn nhiều hạn chế mà ngành tài nguyên và môi trường cần khắc phục.

Với tinh thần thẳng thắn, nghiêm túc, cầu thị, Tư lệnh ngành tài nguyên coi phiên đăng đàn trước Quốc hội lần này là cơ hội để trao đổi về thực trạng của những bất cập cũng như tìm ra giải pháp, cơ chế để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước với những lĩnh vực của ngành.

Bộ trưởng Bọ TN&MT Đặng Quốc Khánh. Ảnh: Quốc hội

Bộ trưởng Bọ TN&MT Đặng Quốc Khánh. Ảnh: Quốc hội

Giải pháp khắc phục những hạn chế liên quan đến chất thải lây nhiễm, nước thải y tế

Quan tâm đến vấn đề chất thải lây nhiễm nước thải y tế, đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho biết, hiện nay, cơ sở hạ tầng, công nghệ xử lý chất thải chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tế, đặc biệt là các cơ sở y tế quy mô nhỏ còn gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn giải pháp xử lý chất thải lây nhiễm, nước thải y tế, từ đó ảnh hưởng đến môi trường sống của cộng đồng dân cư.

Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, quản lý tốt vấn đề liên quan đến chất thải lây nhiễm, nước thải y tế?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết hiện cơ sở y tế tuyến trung ương và cấp tỉnh đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế đầy đủ. Tuyến xã thì chưa được đầu tư hệ thống xử lý kỹ thuật cao.

“Tôi thống nhất là phải quan tâm đến việc xử lý nước thải y thế của tuyến huyện, xã, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa” - Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh chia sẻ.

Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Quốc hội

Liên quan đến lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải và chất thải, đại biểu Đào Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ cho biết, Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ đã thực hiện hoạt động giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách pháp luật đối với công tác bảo vệ môi trường, quản lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt trên địa bàn TP Cần Thơ.

Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ đã đề nghị Bộ TN&MT thống nhất với các Bộ, ngành có liên quan sớm ban hành thông tư hướng dẫn hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải và chất thải. Đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị Bộ trưởng cho biết khi nào thông tư này được ban hành?

Về vấn đề này, theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết cả nước chỉ có 17% nước thải sinh hoạt được xử lý, tỷ lệ rất thấp. Đầu tư công chỉ phấn đấu làm được hệ thống thu gom. Còn nhà máy nước thải gắn với vận hành, cần có doanh nghiệp đầu tư. Do đó, việc hợp tác công tư, xã hội hóa trong việc xây nhà máy nước thải rất quan trọng.

Bộ trưởng TN&MT cho biết sẽ cố gắng cuối năm nay ban hành được thông tư mà đại biểu nêu để đảm bảo tăng cường việc xử lý nước thải đô thị.

Giải pháp tình trạng ngập úng tại các đô thị lớn

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp và kế hoạch của Bộ TN&MT trong việc hồi sinh các dòng sông chết do ô nhiễm trầm trọng trong thời gian tới, trong đó có hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương. Ảnh: Quốc hội

Về vấn đề đại biết Nguyễn Thị Việt Nga quan tâm, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh giải thích “dòng sông chết” là những dòng sông vừa ô nhiễm nặng, vừa không có dòng chảy.

Ông cũng dẫn chứng một số sông ô nhiễm nặng hiện nay như sông Đáy, sông Cầu, đồng thời thừa nhận dù Bộ và các địa phương tích cực, vẫn chưa cải tạo được bao nhiêu.

Nguyên nhân, theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp vẫn xả thải ra các dòng sông này nhưng chúng ta chưa đủ nguồn lực để đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải.

Bộ trưởng cũng cho biết TP Hà Nội hiện nay đã quy hoạch một số nhà máy xử lý nước thải ở Gia Lâm và Long Biên. Nhân dịp này, Bộ trưởng đề nghị Hà Nội làm sớm. Bên cạnh đó, các địa phương cần chung tay thu gom, xử lý nước thải và tạo dòng chảy cho các dòng sông để khơi thông, điều hòa dòng chảy.

Về dài hạn, theo Tư lệnh ngành tài nguyên, cần một Ủy ban điều phối nhiệm vụ này. “Giai đoạn 2026-2030 cần quan tâm xử lý các dòng sông ô nhiễm và việc này cần nguồn lực tương đối lớn” - Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói.

Liên quan đến nguyên nhân cũng như giải pháp cho tình trạng ngập úng ở các đô thị lớn của đại biểu Nguyễn Hữu Thông, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đồng tình nguyên nhân đại biểu chỉ ra đó là ngập úng đô thị có phần do trong quá trình phát triển chúng ta lấp ao, hồ tự nhiên. Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, đó là tác động từ quá trình đô thị hóa.

“Chúng ta phát triển nhưng quy hoạch chưa đảm bảo, chủ yếu là phát triển đô thị, hạ tầng dân cư mà chưa tính đến định hướng lâu dài” - Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói.

Khẳng định để chống ngập đô thị phải có giải pháp đồng bộ, ông Khánh kỳ vọng trong quá trình phát triển mới, ao, hồ trong đô thị có thể vừa tạo cảnh quan, vừa là nơi trữ nước. Muốn làm được việc này, theo ông, phải nghiên cứu quy hoạch bài bản.

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ly-giai-cua-bo-truong-bo-tai-nguyen-moi-truong-ve-van-de-ngap-ung-tai-cac-do-thi-383168.html