Lý giải 'đốm sáng' gần xác tàu Titanic
Sau 26 năm, giới khoa học đã tìm ra sự thật về 'đốm sáng' xuất hiện trên máy quét sonar khi họ đang nghiên cứu tàu Titanic.
Năm 1996, đốm sáng này đã khiến các nhà khoa học bối rối. Họ không chắc thứ gì đã xuất hiện bên cạnh xác tàu Titanic.
Tuy nhiên, cuộc thám hiểm của công ty OceanGate đã làm sáng tỏ bí ẩn này. Trong đoạn video mới đây, xác tàu Titanic vẫn nằm ở ngoài khơi bờ biển Newfoundland (Canada).
Tại độ sâu khoảng 2.900 m, các nhà khoa học phát hiện một hệ sinh thái phong phú ngay gần xác tàu Titanic. Chúng gồm bọt biển, san hô tre, san hô nước lạnh, tôm hùm ngồi xổm...
Tiến sĩ Steve W Ross, nhà khoa học trưởng của cuộc thám hiểm lần này cho biết: "Khám phá này sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về sự đa dạng sinh học của vực thẳm. Thật ngạc nhiên khi nhìn hệ sinh thái với bọt biển, san hô tre, san hô nước lạnh khác, tôm hùm ngồi xổm và các loài cá. Chúng đang phát triển mạnh ở độ sâu 2.900 m nơi Bắc Đại Tây Dương".
Việc lý giải được "đốm sáng" 26 năm trước đồng thời mở ra cánh cửa giúp các nhà khoa học so sánh hệ sinh vật biển trên và xung quanh Titanic.
Chuyến thám hiểm được thực hiện trên một tàu lặn tên là Titan. Con tàu được trang bị máy ảnh ghi lại hình ảnh độ phân giải cực cao. Các nhà khoa học muốn xác định tốc độ phân hủy của xác tàu.
Năm 1996, thợ lặn Paul Henry Nargeolet, đã phát hiện đốm sáng trên máy quét sonar. Nargeolet đã tới khu vực xác tàu ở Bắc Đại Tây Dương khoảng 30 lần. Tuy nhiên, ông không dám khẳng định đốm sáng đó là gì. Bởi trên máy quét sonar, đốm sáng có thể là bất kỳ thứ gì - kể cả một con tàu đắm khác.
Sonar là kỹ thuật sử dụng sự lan truyền âm thanh (thường là dưới nước) để tìm đường di chuyển, liên lạc hoặc phát hiện các đối tượng khác ở trên mặt nước, dưới nước hoặc dưới đáy như cá, tàu bè, vật thể trôi nổi, chìm trong bùn...
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ly-giai-dom-sang-gan-xac-tau-titanic-post1370020.html