Lý giải khoa học về 'thối não'
Đầu tháng qua, Nhà xuất bản Đại học Oxford thông báo 'Brain rot' (tạm dịch: thối não) được chọn là từ của năm 2024.
Từ “thối não” chỉ tình trạng suy giảm về tinh thần hay trí tuệ, đặc biệt được xem như kết quả của việc tiếp nhận quá nhiều nội dung (đặc biệt hiện nay là nội dung trực tuyến) tầm thường hoặc không có giá trị.
Theo một số chuyên gia, hành vi lướt xem nội dung trực tuyến liên tục quả thực đang làm hỏng não của con người. Tiến sĩ khoa học thần kinh Kyra Bobinet chỉ ra: “Trong thời đại ngày nay mọi người gặp khó khăn với khả năng tập trung. Họ cảm thấy não bộ mù mịt, ít tập trung hơn, không làm được việc đòi hỏi chuyên tâm. Và còn có đại dịch cô đơn đang rình rập vì chúng ta chẳng thể tập trung thực sự tập trung vào bất cứ điều gì kể cả xây dựng mối quan hệ”.
Cụ thể thì phần habenula nằm ở vùng trung tâm não gặp vấn đề vì hành vi lướt xem nội dung trực tuyến liên tục. Habenula tham gia vào nhiều chức năng quan trọng như tạo động lực hay ra quyết định. Nhưng khi được kích hoạt thì phần này cũng có thể “giết chết” động lực cố gắng. Dù biết phải làm gì đó, ta lại lướt xem nội dung trực tuyến. Đây là hành vi tránh né nhằm cho não nghỉ ngơi do habenula kiểm soát, qua đó làm mất động lực.
Không có giải pháp phổ quát nào cho hành vi lướt xem nội dung trực tuyến liên tục. Mấu chốt nằm ở chỗ mỗi cá nhân cần tự nhận thức và sửa đổi, theo bà Bobinet.
Bác sĩ Don Grant (Trung tâm Y tế Newport Healthcare) chỉ trích các hãng sản xuất và nhà sáng tạo nội dung cố ý khiến người dùng nghiện thiết bị điện tử.
“Họ rất thông minh khi viết nên thuật toán đồng thời tận dụng hệ thống limbic của não chúng ta, giống như cách người phát minh máy đánh bạc đã làm. Kéo cần gạt và bạn không biết mình sẽ nhận được gì”, ông Grant lý giải.
Vị chuyên gia này vô cùng lo ngại con người mất đi trí tưởng tượng: “Chúng ta không cần phải tưởng tượng bất cứ thứ gì nữa. Mỗi lần cần suy nghĩ ta lại cầm thiết bị lên. Tôi lo lắng cho trí nhớ và giáo dục”. Ông còn lưu ý hành vi lướt xem nội dung trực tuyến liên tục gây mất ngủ.
Ông Grant kêu gọi mọi người chú ý hơn đến nội dung trực tuyến, 80% nội dung mà mình nên lành mạnh, chỉ 20% mang tính giải trí là đủ. Ngoài ra cũng nên đặt giới hạn thời gian lên mạng, dành thời gian ra ngoài vận động cơ thể, chơi trò chơi trí tuệ.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ly-giai-khoa-hoc-ve-thoi-nao-227216.html