Lý giải một số điểm trong dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi)
Sáng nay 27/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chuyên đề pháp luật tháng 3 của Chính phủ để cho ý kiến vào 5 nội dung quan trọng, trong đó có dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi).
Giải trình một số nội dung mà các thành viên Chính phủ quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, việc thu thập bổ sung một số thông tin sinh trắc học như mống mắt, ADN, giọng nói, vào cơ sở dữ liệu căn cước là cần thiết, để có thể định dạng, định danh chính xác, làm căn cứ cho cơ quan giám định sử dụng khi cần.
Trên thực tế việc lấy vân tay, nhận diện khuôn mặt đã trở lên lạc hậu, không đủ cơ sở chính xác vì dễ dàng thay đổi. Tuy nhiên việc thu thập này chỉ áp dụng đối với một số người có tiền án, tiền sự phục vụ công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.
Hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã có quy định này như Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Singapore, Hàn Quốc… Những thông tin này do các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc thu thập trong quá trình xử lý vi phạm pháp luật và được chuyển cho cơ quan quản lý căn cước công dân để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho biết, thêm quy định thông tin về nhóm máu trong trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là quy định không bắt buộc, tuy nhiên khi có thông tin sẽ thuận lợi rất nhiều, nhất là đối với ngành y tế. Căn cước của nhiều nước trên thế giới cũng đã cập nhật cả nhóm máu của công dân.
Thực hiện : Dương Dung Vũ Hiếu