Lý giải nguyên nhân Bỉ có tỉ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới
Tỉ lệ tử vong cao bất thường ở Bỉ, vượt qua cả các quốc gia châu Âu từng là 'điểm nóng' dịch COVID-19 như Italy, Tây Ban Nha, đang gây những băn khoăn về cách thức thống kê cũng như những yếu tố khác liên quan.
Bỉ hiện là quốc gia có tỉ lệ tử vong/ca lây nhiễm cao nhất thế giới do dịch COVID-19, lên tới 13,4%, theo phân tích của Trung tâm nghiên cứu virus Corona John Hopkins.
Tỷ lệ tử vong này cao hơn cả ở Italy với 13% và Anh với 12,8% tính đến ngày 14/4, ngay cả khi Anh được cảnh báo là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 tại châu Âu. Tại Mỹ, tỷ lệ tử vong là 4,3%, ở Trung Quốc là 4% và Đức là 2,5%, những con số tương đối thấp khiến nhiều người phải đặt câu hỏi về tỉ lệ tử vong cao tại một quốc gia phát triển và dân số thấp như Bỉ.
Vậy tỷ lệ tử vong dường như cao ở mức báo động nói trên đang phản ánh điều gì?
Tờ Newsweek dẫn lời ông Andrew Preston, nhà nghiên cứu về sinh bệnh học tại Đại học Bath (Bỉ) nhận định : “Bỉ chỉ nhỉnh hơn các nước khác về tỷ lệ tử vong được báo cáo”. Bình luận về cách thức tính toán tỉ lệ tử vong nói chung, ông Preston cho biết, có nhiều yếu tố khác nhau liên quan chẳng hạn như nhân khẩu học của một quốc gia, sự gắn kết giữa các thành phần dân số, thời gian bùng phát dịch bệnh và thời gian phong tỏa.
Theo chuyên gia Preston, những số liệu thống kê như tỷ lệ tử vong của các ca bệnh chỉ được tính dựa trên việc sử dụng dữ liệu có sẵn. Điều đó có nghĩa là các quốc gia xét nghiệm nhiều người hơn sẽ xác định được nhiều trường hợp mắc bệnh ở thể nhẹ hơn, do đó có thể tỷ lệ tử vong sẽ thấp hơn. Và tỷ lệ tử vong nhìn chung thường cao hơn ở những nơi có nhiều người già và những người mắc các bệnh lý nền, bao gồm tiểu đường và tim mạch - vốn có nguy cơ tử vong cao vì COVID-19.
Thậm chí, sự hình thành các gia đình cá thể cũng có thể tạo nên khác biệt bởi "các hộ gia đình đa thế hệ sẽ gia tăng nguy cơ mắc bệnh với những nhóm người dễ tổn thương", ông Preston nhận xét.
Ngoài ra, khả năng và nguồn lực của các bệnh viện trong điều trị bệnh nhân COVID-19 cũng đóng một phần quan trọng trong sự khác biệt về tỉ lệ tử vong giữa các quốc gia. Theo giải thích trên website của trường Đại học Johns Hopkins, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019, đến ngày 18/4, đã có trên 2,2 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2, trên 153.000 người tử vong và khoảng 570.000 người đã khỏi bệnh.
Tại Bỉ, quốc gia có 11,46 triệu dân, hơn 36.000 người đã được xác định mắc COVID-19, 5.163 ca tử vong tính đến sáng 18/4 (theo giờ VN). Trong khi đó, tại Đức, trong trên 140.000 người mắc bệnh, có 4.326 người tử vong, trên tổng dân số 83 triệu người.
Tiến sĩ Peter Drobac, một bác sĩ và chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm và sức khỏe cộng đồng tại Trường Kinh doanh Saïd thuộc Đại học Oxford (Anh) nói với Newsweek: "Chúng ta cần thận trọng khi so sánh tỷ lệ tử vong trên ca lây nhiễm quan sát được giữa các quốc gia. Những nước thực hiện nhiều xét nghiệm hơn, như Đức và Hàn Quốc, sẽ có tỷ lệ tử vong được báo cáo thấp hơn vì họ xác định được mẫu số cao hơn", ông nói.
Tính đến ngày 16/4, Đức đã xét nghiệm cho 1,7 triệu người; đến 14/4, Hàn Quốc xét nghiệm cho trên 500.000 người, trong khi tại Bỉ, đến 12/4, nước này mới xét nghiệm được trên 114.000 người. “Tỉ lệ xét nghiệm của Bỉ tương đối thấp, do đó có thể khiến tỉ lệ tử vong cao”, Tiến sĩ Drobac cho biết. “Rõ ràng dịch COVID-19 đang tấn công Bỉ đặc biệt dữ dội. Nhìn vào tỉ lệ tử vong trên dân số, với 337 ca tử vong/1 triệu dân, Bỉ là quốc gia có tỉ lệ cao nhất thế giới, so với Tây Ban Nha là 374 và Italy là 338”, ông Drobac dẫn số liệu từ báo cáo “Our World in Data” của Đại học Oxford.
“Một lý do cho tỉ lệ tử vong cao là do dịch dường như đã tấn công mạnh vào người già ở Bỉ, đặc biệt là tại các trại dưỡng lão”. Xu hướng tương tự cũng diễn ra tại Pháp và Anh.
Một yếu tố khác là sự khác nhau trong cách thức các quốc gia báo cáo về các ca tử vong do COVID-19 cũng gây khó khăn trong việc so sánh tỉ lệ tử vong.
“Không giống như Anh và một số bang ở Mỹ, Bỉ thống kê bao gồm cả ca tử vong ở cả các trại dưỡng lão và các cơ sở chăm sóc sức khỏe dài hạn khác. Với ước tính đến 50% ca tử vong do COVID-19 ở châu Âu xảy ra tại các nhà dưỡng lão, thì điều này là quan trọng”.
Chuyên gia Preston kết luận: “Thực sự rất khó để xác định bất kỳ yếu tố cụ thể nào có thể dẫn đến tỷ lệ [tử vong] quan sát được ở Bỉ. Khó có những nghiên cứu xác định được những yếu tố chính cho đến khi những số liệu cuối cùng đã rõ”.
Theo tờ Brussels Times, một chuyên gia khác là nhà virus học Bỉ Marc Van Ranst bày tỏ bất bình khi nhà chức trách thống kê cả số tử vong xảy ra tại các nhà dưỡng lão vào thống kê dịch COVID-19. “Hầu như mọi người chết tại trung tâm dưỡng lão, với hàng trăm người mỗi ngày, đều được đưa vào thống kê”, ông Van Ranst nói và bổ sung thêm rằng nhiều người chết vì đau tim cũng được tính. Ông cho rằng: “Nếu chúng ta chỉ nhìn vào những ca được xác nhận, hầu hết gồm những người tử vong tại bệnh viện, ta chỉ có 2.264 ca tử vong đến lúc này”.
Trong khi đó, nhà virus học người Bỉ Steven Van Gucht chưa đưa ra được lời giải thích cụ thể về tỷ lệ tử vong cao của Bỉ. Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý đến một thực tế rằng Bỉ là một quốc gia tập trung dân số đông. Mật độ dân số của Bỉ cao hơn Pháp khoảng 20 lần, đồng thời cho biết cần phải chờ đến khi dịch bệnh kết thúc để có một cái nhìn toàn cảnh về dịch bệnh.