Lý giải nguyên nhân mưa lớn gây lụt kỷ lục ở Hà Nội

Cơn mưa lớn vào chiều 29/5 ở Hà Nội kéo dài 2 giờ với vũ lượng ở trạm Láng vượt mức kỷ lục từng ghi nhận vào năm 1986.

Chiều 29/5, Hà Nội mưa lớn kéo dài từ 14h đến 16h, gây ngập lụt sâu nhiều tuyến phố. Theo kết quả quan trắc, khu vực mưa lớn nhất là Cầu Giấy với vũ lượng lên tới 180 mm. Một số quận nội thành khác mưa phổ biến 90-110 mm.

Trận mưa chiều tối 29/5 đã khiến phố Hoa Bằng, quận Cầu Giấy ngập như sông

Trận mưa chiều tối 29/5 đã khiến phố Hoa Bằng, quận Cầu Giấy ngập như sông

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết do ảnh hưởng của rãnh thấp có trục ở khoảng 22-25 độ bị nén nên ngày 29/5, nhiệt độ ở Bắc bộ và Trung bộ có xu hướng tăng lên 1-2 độ C. Chiều cùng ngày, hiện tượng mưa giông nhiệt xuất hiện sớm ở các tỉnh Sơn La, Hòa Bình và Nam đồng bằng Bắc bộ sau đó dịch chuyển đến khu vực Hà Nội gây mưa lớn trong khoảng 2 giờ.

Với lượng mưa 140 mm, trạm Láng ghi nhận kỷ lục về lượng mưa tích lũy theo ngày trong vòng 36 năm qua. Lần gần nhất, khu vực ghi nhận mưa 132 mm trong vòng 2 giờ là ngày 18/6/1986. Như vậy, trận mưa chiều 29/5 là một trong những kỷ lục mưa giông được thiết lập ở Hà Nội trong vòng 36 năm qua.

Đáng chú ý, trạm Láng chưa phải là nơi có mưa lớn nhất trong chiều 29/5 trên địa bàn Hà Nội. Theo số liệu của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, lượng mưa lớn nhất ghi nhận chiều 29/5 ở Cầu Giấy với cường độ 182,5 mm. Hàng loạt các điểm đo khác cũng ghi nhận lượng mưa rất lớn như Tây Hồ (160,5 mm), Nam Từ Liêm (130 mm), Hoàng Mai (139,6 mm), Thanh Xuân (111 mm), Thanh Trì (123,8 mm), Ba Đình (114,8 mm), Hai Bà Trưng (105,1 mm)…

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời bên hành lang Quốc hội.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời bên hành lang Quốc hội.

Nhận định về trận mưa gây ngập lụt ở Hà Nội chiều tối qua (29/5), Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà sáng nay (30/5) bên hành lang Quốc hội cho biết, thời tiết hiện nay có những biến đổi bất thường, nhiệt độ nóng lên, không chỉ ảnh hưởng với Việt Nam mà ngay cả với các nước có cơ sở hạ tầng phát triển như Mỹ, Châu Âu.

Theo Bộ trưởng, nếu lượng mưa lớn tập trung vào một thời điểm thì không có hạ tầng nào có thể chống chịu, đáp ứng được.

"Chúng ta cũng phải phân biệt vấn đề dị thường thời tiết như mưa lớn cực đoan với các vấn đề đầu tư hạ tầng thiếu đồng bộ, thiếu tầm, thiếu dự báo. Đây là 2 vấn đề có nguy cơ như nhau", Bộ trưởng Hà nhấn mạnh.

Trước tình trạng cứ mưa là ngập ở các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, theo Bộ trưởng TN&MT phải nhìn lại toàn bộ hạ tầng ở các đô thị. "Khi thiết kế thì mỗi đô thị mang đặc trưng về địa hình khác nhau, phải dự báo được tính cực đoan của thời tiết và tính được số lượng dân cư sử dụng để có một hệ thống đáp ứng được nhu cầu", ông Hà nói.

Hệ thống dự báo thời tiết và hệ thống cơ sở hạ tầng giống như huyết mạch của cơ thể con người.

Với những loại hình thời tiết cực đoan phải có những dự báo dài hạn, không chỉ dự báo hàng năm mà có thể dự báo cho 20-30-50 năm sau. Từ phương án dài hạn sẽ làm cơ sở cho khâu thiết kế hạ tầng như công trình ngầm, đường giao thông ngầm, đường giao thông bề mặt, bố trí sắp xếp khu dân cư....

Cảnh báo một năm mưa lũ bất thường

K.N (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/ly-giai-nguyen-nhan-mua-lon-gay-lut-ky-luc-o-ha-noi-172220530143535096.htm