Lý giải nguyên nhân số ca tử vong khi hành hương về Mecca năm 2024 tăng đột biến

Với nhiều người Hồi giáo, có được suất chính thức để hành hương về thánh địa Mecca không phải là chuyện dễ. Bởi vậy, nhiều công ty dù không được cấp phép coi đây là cơ hội kinh doanh béo bở, dù đẩy người hành hương vào hành trình nguy hiểm.

Sơ sót trong công tác tổ chức và nạn du lịch trái phép là một phần nguyên nhân khiến số người tử vong khi hành hương về Mecca năm nay tăng đột biến

Sơ sót trong công tác tổ chức và nạn du lịch trái phép là một phần nguyên nhân khiến số người tử vong khi hành hương về Mecca năm nay tăng đột biến

Cụ ông Abdelzaher Abdo Salem, 81 tuổi, quyết định hành hương từ Ai Cập đến Mecca, Saudi Arabia sau khi tổ chức đám cưới cho con trai út Mahmoud 2 năm trước. “Đây là mong muốn cuối cùng của ông ấy. Trước đó, ông không thể thực hiện chuyến đi vì thiếu tiền, vì con cái sắp kết hôn và còn rất nhiều chi phí”, con trai cụ Salem nói. Do chi phí của cuộc hành hương qua các kênh chính thức khá cao (khoảng 3.000 USD, chưa kể vé máy bay), ông Salem tìm đến một công ty tổ chức “chui”, với chi phí chỉ bằng 2/3. Nhưng, tín đồ cao tuổi này đã nằm trong số hơn 1.300 người hành hương thiệt mạng trong lễ Hajj năm nay khi nhiệt độ ở Ảrập Saudi đạt mức kỷ lục.

Vợ chồng ông Salem tới Mecca theo thị thực thăm thân nên buộc phải đi theo đường sa mạc để đến thành phố linh thiêng. Theo tài liệu, ông Salem cùng vợ đã được đại diện của công ty du lịch Ai Cập hứa sẽ cung cấp một chiếc xe buýt để chở cả nhóm. Tuy nhiên, đến nơi, họ không thấy phương tiện nào đến đón tới núi Arafat, nên cả hai phải đi bộ về phía Mina, cách đó khoảng 10km, để hoàn thành nghi lễ “ném đá quỷ”. Trên đường đi, vợ ông Salem kiệt sức và dừng lại để nghỉ ngơi. Quyết tâm hoàn thành tâm nguyện trong đời, ông vẫn tiếp tục đi. Nhưng sau đó, gia đình không liên lạc được với ông Salem. Bà vợ đã tìm kiếm suốt 5 ngày cho đến khi tìm thấy tên ông trong danh sách những người đã tử vong tại Bệnh viện Al-Ma'aisam ở Mecca. Ông Salem đã được chôn cất tại nghĩa trang Al-Baqi ở Medina, theo truyền thống Hồi giáo rằng một người hành hương sẽ được chôn cất tại thánh địa nếu người đó tử nạn trên đường hành hương.

Hajj là nghĩa vụ tôn giáo nên làm ít nhất một lần trong đời đối với mọi tín đồ Hồi giáo. Nhiều người dành dụm cả đời để có đủ tiền thực hiện cuộc hành trình. Hàng năm, người hành hương được cấp phép vào thánh địa Mecca bao gồm cả quyền sử dụng phương tiện vận chuyển và chỗ ở có máy lạnh. Tuy nhiên, số lượng giấy phép có hạn, năm nay 1,8 triệu giấy phép được phát hành với mức phí vài nghìn USD. Trong đó, mỗi quốc gia được cấp một số lượng giấy phép tương ứng với dân số Hồi giáo của quốc gia đó. Theo giới truyền thông, Ai Cập, quốc gia có 110 triệu dân theo đạo Hồi, đã được cấp 50.000 giấy phép Hajj trong năm nay, tỷ lệ chỉ xấp xỉ 0,05%.

Hiện tượng người hành hương tử vong trên hành trình đến thánh địa Mecca không phải là hiếm (năm ngoái có hơn 200 người), nhưng con số năm nay tăng đột biến một phần vì thời tiết quá khắc nghiệt. Một phần lý do là mùa Hajj thay đổi hàng năm theo lịch Hồi giáo và năm nay rơi vào tháng 6, một trong những tháng nóng nhất ở vương quốc Saudi Arabia. Chính quyền sở tại cho biết, nhiều người thiệt mạng do “đã đi bộ một quãng đường dài dưới ánh nắng trực tiếp mà không có nơi trú ẩn hoặc tiện nghi thích hợp” khi nhiệt độ ngoài trời lên tới 51,7 độ C. Tuy nhiên, thảm kịch về số người tử vong kỷ lục trong lễ Hajj năm nay khiến dư luận đặc biệt chú ý đến các đại lý tổ chức hành hương trái phép. Ông Atef Aglan, một thành viên của Hiệp hội Đại lý Du lịch Ai Cập cho biết, do nhiều người Ai Cập không hiểu rõ về các thủ tục của lễ hành hương nên một số công ty lữ hành “lùa khách” mà không có các dịch vụ phù hợp. “Đây là vụ giết người có chủ ý vì người môi giới biết nhiệt độ trên 50 độ C và khách hàng cũng không có chỗ ở tử tế”, ông Atef Aglan nói.

Thảm kịch cũng cho thấy chính quyền Saudi Arabia không có khả năng hạn chế những cuộc hành hương trái phép hoặc chăm sóc đầy đủ cho khách hành hương dù đây là nguồn thu đáng kể của họ. Saudi Arabia có kế hoạch tiếp nhận 5 triệu người hành hương Hajj vào năm 2030. Tuy nhiên, một số tín đồ đã than thở về cơ sở hạ tầng và công tác tổ chức kém cỏi của lễ Hajj. Ngay cả những người có giấy phép hành hương chính thức cũng phải đi bộ ngoài trời cả ngày dưới cái nóng oi bức.

Sau thảm kịch, chính quyền Ai Cập đang tăng cường kiểm soát các đại lý du lịch trái phép. Họ đã ra lệnh thu hồi giấy phép của 16 công ty du lịch Hajj liên quan và chuyển hồ sơ của những người quản lý công ty cho công tố viên.

Theo CNN

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ly-giai-nguyen-nhan-so-ca-tu-vong-khi-hanh-huong-ve-mecca-nam-2024-tang-dot-bien-post581106.antd