Lý giải sa sút của bóng đá Việt Nam

Với liên tiếp những giải đấu không thành công ở mọi cấp độ đội tuyển, bóng đá Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại sau giai đoạn thành công. Một lần nữa, vấn đề thiếu lớp kế cận đủ tốt lại được nhắc tới.

Liên tiếp thất bại

Tại Giải U16 Đông Nam Á 2024 diễn ra hồi đầu tháng 7 vừa qua, đội tuyển U16 Việt Nam đứng hạng 4 chung cuộc. Đội bóng do HLV Trần Minh Chiến dẫn dắt có khởi đầu bằng chiến thắng 15-0 trước U16 Brunei. Tuy nhiên, ngay sau đó họ bị U16 Campuchia cầm hòa 1-1 và thua U16 Thái Lan 1-2 ở vòng bán kết.

Đội tuyển U19 Việt Nam do HLV Hứa Hiền Vinh dẫn dắt bị loại từ vòng bảng Giải U19 Đông Nam Á 2024. Ảnh: VFF.

Đội tuyển U19 Việt Nam do HLV Hứa Hiền Vinh dẫn dắt bị loại từ vòng bảng Giải U19 Đông Nam Á 2024. Ảnh: VFF.

Cũng trong tháng 7, đội tuyển U19 Việt Nam do HLV Hứa Hiền Vinh dẫn dắt bị loại ngay từ vòng bảng Giải U19 Đông Nam Á 2024 khi hòa Myanmar 1-1 và thua 2-5 trước Australia. Nhìn xa hơn, vài năm trở lại đây, bóng đá trẻ Việt Nam chưa đạt thành tựu nào đáng kể.

Không chỉ ở cấp độ đội trẻ, đội tuyển Việt Nam cũng thi đấu không tốt thời gian qua. Đoàn quân áo đỏ không thể vượt qua vòng loại thứ 2 World Cup 2026 dù vào bảng đấu không quá khó khăn. Hai kỳ AFF Cup gần nhất, tuyển Việt Nam đều trắng tay cùng lối chơi thiếu tính sáng tạo.

Có thể thấy, sau giai đoạn khá thành công kể từ Giải U23 châu Á 2018, bóng đá Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại.

Hụt hẫng về lực lượng

Đồng tình với quan điểm trên, bình luận viên Vũ Quang Huy cho rằng, việc đội tuyển Việt Nam không có thành tích tốt cũng dễ hiểu bởi lứa cầu thủ thành danh cùng HLV Park Hang-seo hiện đa phần đã xuống phong độ. Trong khi đó, lớp kế cận chưa đủ trình độ, bản lĩnh trận mạc. Đó là chưa kể tới yếu tố thay đổi lối chơi khi HLV Park Hang-seo rời ghế thuyền trưởng.

"Đội bóng nào cũng có chu kỳ thành công nhất định, ngay cả những đội tuyển mạnh trên thế giới. Chúng ta có 3-4 năm gần như đạt mọi thành tích tốt nhất thì cũng phải chấp nhận thoái trào", ông Huy nói.

Cũng theo vị bình luận viên kỳ cựu, việc thoát khỏi đà đi xuống phụ thuộc nhiều yếu tố. Trong đó, cốt lõi là khả năng đào tạo trẻ: "Nếu có những cầu thủ trẻ đủ sức gánh vác trọng trách, đội tuyển Việt Nam sẽ sớm trở lại. Tiếc là giai đoạn vừa qua chúng ta chưa chứng kiến lứa trẻ nào thực sự giàu tiềm năng. Bằng chứng là các đội tuyển trẻ không tạo được dấu ấn".

Chuyên gia Hoàng Văn Phúc cũng nhận định, bóng đá Việt Nam đang bị hẫng lực lượng và tìm kiếm hướng đi mới nên dễ hiểu khi không có thành tích tốt: "Thời điểm cuối HLV Park còn cầm quân, đội tuyển của chúng ta đã có dấu hiệu đi xuống vì nhiều lý do, trong đó gồm cả lực lượng. Bởi vậy tôi không bất ngờ trước những kết quả gần đây".

Cần thúc đẩy đào tạo trẻ

Từ những phân tích trên, vấn đề của bóng đá Việt Nam chính là đào tạo trẻ chưa đáp ứng được nhu cầu. Theo bình luận viên Vũ Quang Huy, 10 năm trước, lò đào tạo HAGL là điểm sáng với sự đầu tư lớn, phương pháp hiện đại. Việc cho ra lò lứa Công Phượng, Tuấn Anh cũng là cú hích cho bóng đá trẻ; nhiều trung tâm huấn luyện ra đời, các CLB cũng chú trọng đào tạo trẻ.

"Nhưng chúng ta giậm chân tại chỗ, không có thêm cách làm hay, những lứa cầu thủ tốt. Việc đầu tư cho đào tạo trẻ cũng dần mai một vì các ông bầu không đủ nguồn lực, chỉ tập trung cho đội một. Cứ như vậy, dẫn tới việc thiếu lực lượng bổ sung cho các đội tuyển quốc gia", ông Huy nói.

Chuyên gia Hoàng Văn Phúc cho rằng, làm bóng đá trẻ "có lúc nọ lúc kia", nay các cầu thủ chơi tốt nhưng mai không tốt hoặc ngược lại là bình thường. Tuy nhiên, đào tạo trẻ cần trên diện rộng, kiên trì và hướng tới mục tiêu xa.

"Có tới quá nửa đội bóng đang chơi ở V-League đào tạo trẻ hạn chế, thậm chí không đào tạo. Trong khi các đội hạng Nhất thì gần như trắng lứa trẻ. Chân đế như vậy, đội tuyển làm sao có nguồn cung cầu thủ tốt để phục vụ các kế hoạch tương lai.

Nói là vậy nhưng cái khó của các ông chủ ai cũng hiểu, đa phần họ đều không thu lại được gì trực tiếp từ việc đầu tư cho đội bóng nên chỉ tập trung vào thành tích đội một", ông Phúc bình luận.

Để giải bài toán trên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, theo bình luận viên Quang Huy, các địa phương, nhất là các địa phương có ngân sách dồi dào nên chung tay cùng ông bầu đầu tư cho bóng đá trẻ.

"Khi được cộng hưởng nguồn lực, công tác đào tạo trẻ sẽ khởi sắc hơn và đội tuyển sẽ có thêm hy vọng thành công bền vững", ông Huy kỳ vọng.

Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Dương Nghiệp Khôi cho biết, mục tiêu của VFF là đầu tư cho các đội tuyển trẻ hướng tới sân chơi châu Á. Nhằm giúp các cầu thủ trẻ nâng cao trình độ, VFF sẽ tạo điều kiện cho các đội tuyển trẻ đi tập huấn, thi đấu giao hữu quốc tế trong thời gian tới.

Để chuẩn bị tốt cho giải vòng loại U20 châu Á năm 2024 diễn ra vào tháng 9 tới, VFF sẽ cử đội tuyển U19 Việt Nam đi tập huấn tại Nhật Bản. Đội tuyển U16 Việt Nam hiện đang tập huấn ở Trung Quốc trước khi tham dự vòng loại U17 châu Á năm 2026. Bên cạnh đó, đội tuyển U23 cũng tiếp tục có những đợt tập trung và tập huấn, thi đấu giao hữu quốc tế nhằm tích lũy kinh nghiệm thi đấu.

An Khuê

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ly-giai-sa-sut-cua-bong-da-viet-nam-192240821032154035.htm