Lý giải thành công của thương hiệu 'Inside Out'
Đến nay, 'Inside Out' đã trở thành thương hiệu tỷ đô sau khi phần 2 ra mắt được hơn một tuần. Lý do gì đã khiến tác phẩm này trở nên 'ăn khách' như vậy?
Khởi nguồn của “Inside Out” bắt đầu từ “Up” - bộ phim hoạt hình kinh điển của Pixar về ngôi nhà bóng bay từng lấy nước mắt của hàng triệu khán giả vào năm 2009. Đó cũng là tác phẩm tạo nên tên tuổi và đem về cho Pete Docter tượng vàng Oscar đầu tiên.
Năm 2009, họa sĩ Ronnie del Carmen làm giám sát câu chuyện và nghệ sĩ vẽ storyboard cho phim Up cùng đạo diễn Pete Docter. Sau khi hợp tác, cả hai đã ấp ủ tạo nên một câu chuyện mà trong đó, các nhân vật chính là những cảm xúc bên trong tâm trí mỗi con người.
Ý tưởng về Inside Out đã nhen nhóm trong Pete Docter sau khi chứng kiến những thay đổi về tâm lý của con gái út khi cô bé lên 11 tuổi. Inside Out ra đời từ đó và được triển khai thực hiện trong vòng năm năm.
Ronnie del Carmen đã cùng Pete Docter chọn lọc ra năm cảm xúc chính và đặt tên thành những nhân vật gồm Joy (Vui Vẻ), Sadness (Buồn Bã), Disgusting (Chảnh Chọe), Fear (Sợ Hãi) và Anger (Giận Dữ).
Nhà làm phim gốc Philippines tiết lộ dù Joy (Vui Vẻ) là nhân vật quan trọng xuyên suốt nhưng Sadness (Buồn Bã) mới là nhân vật ông thấy tâm đắc hơn cả bởi sự độc đáo cũng như những cảm xúc có chiều sâu của nhân vật này.
Đạo diễn Pete Docter chia sẻ: "Khi lũ trẻ lớn lên, các bậc cha mẹ như chúng ta thường có xu hướng hồi tưởng về những ngày tháng đã qua - khi chúng còn nhỏ, ngồi trong lòng và ôm chầm lấy mình. Tuy là mong muốn con mình sẽ được thỏa sức trải nghiệm thế giới bên ngoài, chúng ta sẽ không thể tránh được cảm giác buồn vui lẫn lộn khi nhìn thấy thời thơ ấu của các con mình trôi qua".
Đến nay, “Inside Out” đã trở thành thương hiệu tỷ đô sau khi phần 2 ra mắt được hơn một tuần. Thành công của “Inside Out 2” đến từ việc câu chuyện phim gần gũi, mang nhiều cảm xúc và đặc biệt là cân bằng giữa yếu tố hài hước và xúc động.
Hành trình trưởng thành của mỗi con người, bao giờ cũng có nụ cười và nước mắt. Tận dụng điều này, Pixar đã biến giai đoạn tuổi dậy thì ẩm ương của cô bé Riley trở thành câu chuyện chạm tới số đông khán giả, đặc biệt là sự xuất hiện của bốn cảm xúc mới là Lo Âu, Xấu Hổ, Chán Nản, Ganh Tị và thêm cả một cảm xúc hứa hẹn xuất hiện ở phần sau là Hoài Niệm.
Việc nhóm cảm xúc mới xung khắc với nhóm cảm xúc cũ tạo thành điểm nhấn thu hút và cuốn người xem vào câu chuyện, bên cạnh phần đồ họa bắt mắt vốn đã là “đặc sản” của Pixar qua hàng thập kỷ.
Ai rồi cũng phải lớn lên, trải nghiệm cuộc sống, tiếp nhận những ký ức mới để đến một ngày, những kỷ niệm cũ tràn về đem theo sự bồi hồi. Hành trình trưởng thành luôn là khó khăn. Chỉ khi ta biết chấp nhận mọi thứ thì mới có thể bước tiếp và tìm thấy niềm vui.
Chính vì “điểm chạm” cảm xúc người xem, “Inside Out 2” trở thành cuốn phim có thể tạo nên tiếng cười nhưng ngay sau đó là sự xúc động. Pixar cho thấy mình vẫn là một đại gia của thế giới phim hoạt hình.
Với kinh phí sản xuất 200 triệu USD, “Inside Out 2” giữ vững phong độ khi hội đủ các yếu tố làm nên thương hiệu riêng ở phần trước và vẫn tạo ra được nét mới mẻ trong câu chuyện để khiến người xem phải tò mò.