Lý giải về quyền lực ngàn năm của biểu tượng 'mắt quỷ'
Khi nhắc đến các cách tránh khỏi thế lực hắc ám thần bí trên thế giới, 'mắt quỷ' được cho là nổi tiếng và dễ nhận thấy nhất. Hình ảnh con mắt màu xanh da trời cobalt ấn tượng này có mặt ở mọi nơi, từ hình trang trí trên thân máy bay cho đến những cảnh minh họa trong truyện tranh.
Lời nguyền mắt quỷ
Mắt quỷ là quan niệm đã xuất hiện từ thời xa xưa và được tin là có sức mạnh ảnh hưởng tầm vũ trụ. Những ghi nhận cổ nhất về mắt quỷ xuất hiện trên các văn bản chữ nêm (chữ trên đá) của người Sumer, Babylon, Assyria từ khoảng 3.000 năm trước Công nguyên.
Biểu tượng mắt quỷ ăn sâu vào văn hóa đến mức bất chấp việc nó có thể mang ý nghĩa tà giáo, con mắt vẫn luôn có chỗ đứng trong văn bản tôn giáo. Kinh thánh cũng nhắc tới sức mạnh này trong cả Cựu ước và Tân ước. Kinh Koran cũng tương tự. Trong đức tin dân gian của người Hindu cổ cũng có hình tượng mắt quỷ.
Cho tới nay, một trong những ghi chép đầy đủ nhất về huyền thoại mắt quỷ là tác phẩm của Frederick Thomas Elworthy có tên “Mắt Quỷ: Biểu tượng kinh điển của Mê tín thời Cổ đại”. Trong cuốn sách này, Elworthy đã tìm hiểu về biểu tượng mắt quỷ trong một số nền văn hóa, từ ánh mắt khiến vạn vật hóa đá trong thần thoại Hy Lạp đến truyện cổ Ireland về những người bỏ bùa đàn ngựa chỉ bằng ánh nhìn lướt qua... Kết quả cho thấy, gần như mỗi nền văn hóa đều có truyền thuyết liên quan đến mắt quỷ.
Ví dụ, người Thổ Nhĩ Kỳ có truyền thuyết rằng, xưa kia xuất hiện một hòn đá kỳ lạ, bất khả xâm phạm đến từ đại dương. Hàng trăm chàng trai lực lưỡng không thể di chuyển được hòn đá, thậm chí thuốc nổ cũng không khiến vật thể bí ẩn nứt vỡ.
Lúc đó, trong thị trấn ven biển có một chàng trai mang con mắt của quỹ dữ (gọi là Nazar). Dân làng đưa chàng tới trước hòn đá. Kỳ lạ thay, khi chàng trai nhìn hòn đá, thốt lên “Lạy Chúa!Quả là một hòn đá vĩ đại”, ngay lập tức, nó phát ra tiếng gầm vang vọng và nứt làm hai mảnh.
Mắt quỷ được cho là ánh mắt gây hại cho người khác, xuất phát từ sự ganh ghét và đố kỵ với người đó. Nhiều người tin rằng mắt quỷ có thể gây xui xẻo, đau ốm, thậm chí là cái chết.
Các triệu chứng của căn bệnh do mắt quỷ gây ra gồm mất cảm giác thèm ăn, ngáp nhiều, nấc, nôn ọe và sốt.Một số người thậm chí còn cho rằng mắt quỷ có thể gây ảnh hưởng đến cây cối, động vật và đồ đạc. Họ cho rằng, một con bò khi bị mắt quỷ tấn công sẽ cạn sữa, cây cối có thể đột nhiên khô héo và chết. Mắt quỷ ám vào xe cộ sẽ khiến chúng hỏng vĩnh viễn, nhà cửa thì bị dột hoặc côn trùng phá hoại...
Người ta tin rằng lời nguyền mắt quỷ bắt nguồn từ việc những ai đạt được thành công rực rỡ hoặc được kính trọng sẽ thường bị người khác ganh tị. Sự ghen tức biến thành lời nguyền nhằm hủy hoại sự may mắn, thành đạt của người đó.Điều này được tác giả Heliodorus vùng Emesa miêu tả rất rõ trong truyện cổ lãng mạn Hy Lạp Aethiopica.
Ông viết: “Bất cứ ai nhìn vào sự xuất chúng với ánh mắt tị hiềm, hắn sẽ bao phủ không gian xung quanh bằng sự độc hại, và lan truyền hơi thở độc địa vào bất cứ thứ gì gần kẻ ấy nhất”.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Alan Dundes trong một tác phẩm viết về mắt quỷ cũng cho rằng, vận may, sức khỏe tốt, vẻ ngoài đẹp, hoặc được người khác vô ý khen ngợi sẽ khiến nạn nhân bị người mang mắt quỷ tấn công.
Một số nhà triết học nổi tiếng cũng nói về niềm tin vào sức mạnh của mắt quỷ. Điển hình có thể kể đến nhà triết học Hy Lạp Plutarch. Trong tác phẩm Symposiacs, Plutarch cho rằng, mắt người có sức mạnh tỏa ra tia năng lượng vô hình mà trong một số trường hợp, ánh nhìn đó mạnh đến mức có thể giết chết trẻ em hoặc những con thú nhỏ.
Plutarch cũng cho rằng một số người có khả năng thôi miên, dẫn dụ từng nhóm người đến khu vực phía nam Biển Đen. TheoPlutarch, đó là những kẻ cực kỳ thành thạo trong việc áp lời nguyền.
Biểu tượng vượt thời gian
Cùng với niềm tin mãnh liệt rằng ánh nhìn có quyền năng gây ra tai họa thảm khốc, con người từ thời văn minh cổ đại cũng đã luôn tìm cách chống lại nó.Điều này dẫn đến sự xuất hiện của bùa chống mắt quỷ, được dùng nhằm hóa giải lời nguyền được truyền qua ánh nhìn thù địch.Loại bùa này được gọi là nazar đã tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau trong hàng ngàn năm qua.
Tiến sĩ Nese Yildiran tại Đại học Bahcesehir (Thổ Nhĩ Kỳ) cho rằng, bùa chú hình con mắt lâu đời nhất xuất hiện từ năm 3.300 trước Công nguyên: “Những lá bùa đó đã được khai quật ở vùng Tell Brak, một trong những thành phố cổ nhất của Mesopotamia, nơi hiện nay là Syria. Chúng được làm bằng đá vôi với đôi mắt được chạm nổi”.
Ông cho hay, rất nhiều mặt dây chuyền hình Con mắt Horus màu xanh biếc đã được khai quật từ Ai Cập. Vẫn theo Tiến sĩ Yildiran, những hạt cườm mắt quỷ màu xanh đã được người Phoenician, người Assyrian, người Hy Lạp, người La Mã và có lẽ nổi tiếng nhất là Đế chế Ottoman sử dụng.
Dù được dùng chủ yếu ở vùng Địa Trung Hải và Tây Á nhưng qua hoạt động giao thương và bành trướng lãnh thổ của các đế chế, hạt cườm hình mắt xanh bắt đầu được đem đến khắp các nơi.
Thời Ai Cập cổ đại, Con mắt Horus, còn nổi tiếng với tên mặt dây chuyền Thần Wadjet, được chôn theo các Pharaoh để bảo vệ họ trong kiếp sau. Bùa Hasam có hình dạng bàn tay với con mắt ở giữa được người Do Thái, người Thiên Chúa giáo và Hồi giáo ở Bắc Phi và Trung Đông sử dụng. Người Phoenician cổ đại xâu chuỗi biểu tượng con mắt lại thành dây chuyền đeo cổ.
Ngày nay, những chiếc bùa mắt quỷ là đồ lưu niệm đặc trưng, dễ dàng tìm được ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước ở khu vực Địa Trung Hải. Ở đây, du khách có thể dễ dàng thấy biểu tượng mắt quỷ trên những chiếc vòng tay, hoa tai, vòng cổ của phụ nữ; trong những ngôi nhà của người dân địa phương, văn phòng và cả xe ô tô; quần áo của trẻ em. Mắt quỷ thường có màu xanh đại dương với nhiều kích cỡ khác nhau, chủ yếu là hình tròn.
Một khảo sát đa văn hóa do nhà nghiên cứu văn hóa dân gian John Roberts được tiến hành vào năm 1976 cho thấy 36% các nền văn hóa tin vào sự tồn tại của mắt quỷ.Một số người cho rằng, điều thú vị nhất về mắt quỷ không chỉ nằm ở sự tồn tại của nó, mà còn nằm ở thực tế hầu như con người ta không thay đổi cách sử dụng biểu tượng này trong suốt cả ngàn năm qua.
Ví dụ, ngày nay, cùng cách mà người Ai Cập gắn biểu tượng mắt quỷ trên thân máy bay cũng tương tự như việc người Etruscan thời xưa sơn hình con mắt lên mũi thuyền để mong đem lại an toàn cho chuyến đi. Người Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay cũng vẫn giữ truyền thống đem biểu tượng mắt quỷ đến cho em bé mới sinh, với niềm tin rằng trẻ em luôn cực kỳ nhạy cảm với lời nguyền và mắt quỷ sẽ bảo vệ cho em bé khỏi mọi thế lực xấu.
Còn dưới góc nhìn khoa học, chuyên gia tâm lý Armando De Vincentiis chỉ ra rằng, việc tin vào mắt quỷ thường xảy ra ở những người có xu hướng tự hủy hoại mình. Họ tìm kiếm những điều tiêu cực để giải thích cho sự xui xẻo của mình, cho rằng nghĩ mọi thứ xảy ra với họ đều do những sức mạnh siêu nhiên gây ra.
Còn một nghiên cứu của nhà khoa học Niels van de Ven cùng các đồng nghiệp tại Đại học Tilburg, Hà Lan cho rằng, có thể chìa khóa để loại bỏ mắt quỷ, hay loại bỏ sự ganh ghét của người khác, đơn giản chỉ bằng cách cư xử tử tế.