Ly hôn - 'sóng ngầm' trong gia đình trẻ (Bài 1)
Số vụ ly hôn tăng nhanh qua từng năm, thời gian từ khi kết hôn đến ly hôn ngắn, độ tuổi ly hôn ngày một trẻ..., cho thấy tính bền vững trong hôn nhân của các gia đình trẻ đang ngày càng thấp. Việc ly hôn đã kéo theo nhiều hệ lụy, không chỉ với người trong cuộc…
Theo Cục Thống kê điều tra giữa kỳ dân số và nhà ở năm 2024 (công bố đầu năm 2025), tỷ lệ người Việt Nam ly hôn chiếm 2,6% dân số. Còn theo thống kê của Viện Nghiên cứu gia đình và giới năm 2023 (công bố đầu năm 2024), Việt Nam có trên 60 ngàn vụ ly hôn mỗi năm, chiếm khoảng 30% tổng số cặp đôi kết hôn. Trong số các vụ ly hôn, 70% số vụ thuộc về các gia đình trẻ, trong độ tuổi từ 18-30 và 60% vụ ly hôn sau 1-5 năm chung sống, thậm chí nhiều trường hợp chỉ kết hôn được vài tháng hoặc vài tuần đã… chia tay.
Bài 1: Yêu nhanh, cưới vội, ly hôn sớm
Trong thời kinh tế thị trường, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, mạng xã hội đã giúp con người kết nối, liên lạc rất nhanh và dễ dàng. Tuy nhiên, cuộc sống của không ít người trẻ diễn biến theo chiều hướng: cái gì đến nhanh thường rất dễ tàn. Hôn nhân cũng không nằm ngoài quy luật này khi thực trạng yêu nhanh, cưới vội, ly hôn sớm đang dần trở nên phổ biến hơn.

Tòa án nhân dân huyện Trảng Bom đang giải quyết ly hôn cho một đôi vợ chồng trẻ trên địa bàn. Ảnh minh họa
Sống không thuận, sẵn sàng… buông tay
Câu chuyện của chị P.L. (25 tuổi, ngụ phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa) là một ví dụ. Ngày 4-3, chị L. đến Tòa án nhân dân thành phố Biên Hòa nộp đơn xin ly hôn với những giọt nước mắt tiếc nuối.
Chị L. kể lại, chị có công việc ổn định trong một công ty lớn nhưng vì bận rộn, môi trường làm việc không có nhiều cơ hội tiếp xúc với bạn khác giới. Thế rồi, một tình yêu chớp nhoáng và đám cưới nhanh chóng diễn ra chỉ sau 3 tháng làm quen và qua vài lần gặp gỡ với một người đàn ông được người quen giới thiệu. Chị luôn mộng tưởng về cuộc hôn nhân hạnh phúc và bền lâu, nhưng hôn nhân chẳng màu hồng khi cả hai về chung sống. Sự khác biệt trong lối sống, suy nghĩ và nhất là đổ vỡ khi chị L. phát hiện chồng mình nghiện game nặng, không quan tâm chăm lo gia đình. Sau nhiều lần trao đổi nhưng chồng vẫn chứng nào tật nấy, chị quyết định… “buông tay” cuộc hôn nhân chỉ sau 8 tháng kết hôn.
Thường thì tình yêu đủ độ chín, 2 người sẽ đi đến kết hôn. Song, có những cuộc hôn nhân “chín ép” mà người trong cuộc chưa thực sự yêu nhau, chưa hiểu rõ đối phương, việc tổ chức đám cưới chỉ để… “chạy bầu” thì sự đổ vỡ đã chực chờ trước cửa.
Anh T.T. (ngụ phường Bình Đa, thành phố Biên Hòa) năm nay mới 27 tuổi nhưng đã có con trai 6 tuổi và “thâm niên” ly hôn gần 5 năm.
Anh T. cho biết, trong một bữa tiệc sinh nhật, anh và một bạn gái thích nhau nên sau khi tan tiệc, 2 người đưa nhau vào khách sạn. Sau lần ấy, bạn gái có thai và đám cưới diễn ra nhanh chóng.
Tuổi đời còn quá trẻ, kinh tế đang phụ thuộc cha mẹ, việc học hành dang dở, hôn nhân không tình yêu và nhất là sớm phải gánh vác một “núi” trách nhiệm làm chồng - làm vợ, làm cha - làm mẹ, thiếu kỹ năng chăm sóc trẻ nhỏ, ứng xử với nhau và với cha mẹ hai bên… đã khiến cuộc sống hôn nhân ngột ngạt. Do đó, anh T. và vợ liên tục mâu thuẫn, cãi vã suốt ngày. Quá mệt mỏi nên khi con trai đầy năm, 2 người đã thuận tình ly hôn, để cháu bé cho mẹ anh T. nuôi.
Một số cặp vợ chồng trước khi cưới thiếu thời gian tìm hiểu về người bạn đời, quá trình chung sống thiếu sự tôn trọng, yêu thương nhau, khi vợ chồng mâu thuẫn cũng không nỗ lực hòa giải, không cố gắng vun đắp…, khiến hôn nhân “chết yểu”.
Đã ngoài tuổi 30, chị T.O. (ngụ phường Bình Đa, thành phố Biên Hòa) vẫn chưa chọn được người như ý. Trong một lần ngồi quán cà phê với bạn bè, chị đã gặp và yêu một người đàn ông mà theo chị là đúng “gu” tìm kiếm. “Tình yêu sét đánh” khiến chị nghĩ rằng người ấy sinh ra là để dành cho mình. Và yêu chưa đầy nửa năm, 2 người đi đến kết hôn. Song, hạnh phúc chẳng tày gang khi họ đã nhanh chóng ly hôn chỉ sau 8 tháng chung sống. Chị O. cho biết, thời yêu thì đẹp nhưng về ở với nhau chị mới thấy 2 người có rất nhiều khác biệt về lối sống, nhất là chị phát hiện ra chồng mình là người đàn ông “bắt cá nhiều tay”. Những cuộc cãi vã xảy ra khi chồng vẫn tiếp tục kết nối với những người phụ nữ khác, thường xuyên đi qua đêm - dù là mới cưới vợ. Không chịu được sự khác biệt và cảnh “chung chồng”, chị O. đã đơn phương ly hôn.
Tính từ tháng 4-2024 đến tháng 4-2025, tòa án nhân dân 2 cấp tại Đồng Nai đã giải quyết đồng ý cho ly hôn gần 7 ngàn vụ/ hơn 11 ngàn vụ ly hôn thụ lý. Trong đó, lý do ly hôn chủ yếu là do: mâu thuẫn gia đình, bạo lực gia đình, một trong 2 ngoại tình, một bên đi nước ngoài, mâu thuẫn về mặt kinh tế…
Gia đình trẻ: “sức đề kháng” kém
Về vấn đề ly hôn trẻ, thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh Phan Thị Thu Hương cho hay, tình trạng ly hôn trẻ đang có xu hướng gia tăng rất đáng lo ngại. Qua nhiều năm phụ trách thụ lý và giải quyết các vụ ly hôn, bà chứng kiến nhiều người trẻ yêu nhau nhanh chóng, thiếu tìm hiểu và vội vàng tiến tới hôn nhân khi chưa chuẩn bị về tâm lý, tài chính, kỹ năng chung sống đã khiến cho hôn nhân sớm đổ vỡ.
Theo bà Hương, lý do ly hôn được các cặp đôi đưa ra nhiều nhất vẫn là… không hợp nhau do chưa tìm hiểu kỹ về người mình sẽ kết hôn, chưa chuẩn bị kiến thức, kỹ năng chung sống và cách thức tổ chức cuộc sống gia đình. Do còn quá trẻ nên nhiều cặp đôi thiên về hình thức của hôn nhân, chứ không chú trọng sự thiêng liêng khi 2 con người gắn kết với nhau để trở thành một gia đình mới. Trong quá trình sống chung, các cặp vợ chồng trẻ thường đặt “cái tôi” của bản thân lên trên sự thông cảm, thấu hiểu, chia sẻ và hy sinh cho nhau. Đặc biệt, “sức đề kháng” của các cặp vợ chồng trẻ ngày càng kém, khi xảy ra mâu thuẫn, thay vì chọn cách ngồi lại cùng nhau giải quyết thì họ lại chọn ly hôn như một cách giải thoát nhau khỏi sự phiền toái, ràng buộc.
“Đó là chưa kể đến tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn tồn tại nhiều trong xã hội mà nạn nhân thường là phụ nữ. Bên cạnh đó, với cuộc sống thực dụng, một bộ phận giới trẻ đã có gia đình bị lôi kéo vào tệ nạn như cờ bạc, nghiện hút, rồi ngoại tình…, khiến gia đình dễ bị phá hủy” - thẩm phán Phan Thị Thu Hương nhấn mạnh.
Cũng nhiều năm nghiên cứu về vấn đề gia đình trẻ và có nhiều buổi chia sẻ, nói chuyện chuyên đề về hôn nhân gia đình trẻ tại Đồng Nai, thạc sĩ tâm lý Lê Thị Hường, Tổng giám đốc Công ty CP Đào tạo và tư vấn tâm lý Hạnh Phúc Việt (ở tỉnh Thanh Hóa), cho hay trong các buổi tư vấn về tình yêu, hôn nhân - gia đình, nhiều người đặt vấn đề rằng: tại sao trước đây, thời kinh tế khó khăn nhưng nhiều gia đình vẫn hạnh phúc, ly hôn có chăng là việc chẳng đặng đừng. Còn bây giờ, chỉ cần không thích nhau nữa là dễ dàng ly hôn?
Theo phân tích của bà Hường, mỗi thời có những hình thái, quan niệm hôn nhân khác nhau, lối sống, suy nghĩ của người trẻ cũng khác nhau. Trước đây, người phụ nữ được dạy phải biết nhường nhịn, hy sinh, sống vì chồng, vì con… Còn ngày nay, người phụ nữ ra ngoài làm việc, việc tự chủ về tài chính và tự do trong các mối quan hệ khiến họ không bị quá ràng buộc với nhau. Chưa kể, nhiều người trẻ hiện nay sống trong gia đình ít con, được cha mẹ chăm sóc, nuông chiều nên có xu hướng đề cao tự do cá nhân, xem hôn nhân là lựa chọn chứ không phải là trách nhiệm lâu dài. Thêm vào đó, cuộc sống người trẻ có nhiều mối quan tâm khác như: lệ thuộc vào công nghệ, giảm tương tác và giảm thời gian chăm sóc nhau khiến tình cảm vợ chồng phai nhạt dần theo thời gian.
“Thời nay, mạng xã hội bùng nổ với nhiều ứng dụng hẹn hò, kết nối, nhắn tin riêng tư…, những cám dỗ từ thế giới ảo khiến cho các mối quan hệ ngoài luồng “nảy mầm” dẫn đến sự phản bội trong hôn nhân. Đặc biệt, áp lực về công việc và kinh tế cũng khiến cho hôn nhân chịu nhiều tác động dẫn đến suy giảm “sức đề kháng”, chỉ cần mâu thuẫn nhỏ là có thể tan vỡ” - thạc sĩ tâm lý Lê Thị Hường cho bay.