Ly hôn tuổi già: Hệ quả từ những vết nứt không lên tiếng

Thời gian gần đây, xu hướng ly hôn ở tuổi trung niên và xế chiều có dấu hiệu gia tăng. Điều đáng nói là đa số các cặp vợ chồng này đã sống bên nhau hàng chục năm. Câu hỏi đặt ra là: Vì đâu mà khi đã đi qua phần lớn cuộc đời, họ lại không còn muốn tiếp tục gắn bó?

Trái tính và bệnh tật – “kẻ thứ ba” vô hình

Một buổi sáng đầu hè, tại văn phòng hòa giải khu dân cư, một cặp vợ chồng ngoài 60 tuổi, từng được khen là mẫu mực cả đời lo cho con bất ngờ xuất hiện với đơn xin ly hôn. Người vợ than phiền chồng khó tính, nói nhiều, khiến bà mất ngủ và căng thẳng. Người chồng thì cho rằng vợ không còn tôn trọng mình.

Câu chuyện ấy chỉ là một trong rất nhiều trường hợp đang dần phổ biến: những cuộc chia tay ở tuổi xế chiều, nơi không có người thứ ba, nhưng lại có những “kẻ thứ ba vô hình” nguy hiểm hơn - sự khác biệt tính cách kéo dài không được giải quyết, áp lực từ bệnh tật, tâm lý cô đơn và sự thiếu tôn trọng lẫn nhau.

Nhiều người cao tuổi mắc chứng mất ngủ, trầm cảm nhẹ hoặc rối loạn lo âu. Những tổn thương tâm lý này khiến họ dễ nhạy cảm, dễ cáu gắt. Trong khi đó, người bạn đời thay vì đồng hành, lại dễ trở thành nơi trút giận hoặc bị đổ lỗi. Cả hai sống cạnh nhau nhưng không còn nói chuyện như trước. Một ánh nhìn, một lời trách nhẹ cũng đủ làm không khí gia đình trở nên ngột ngạt.

Khi không gian sống chật chội, không có góc riêng, thiếu hoạt động xã hội, người cao tuổi càng thấy bức bối. Họ không còn xem gia đình là nơi nghỉ ngơi, mà là nơi sinh ra áp lực.

Không còn mục tiêu chung, không còn nhu cầu sống vì người kia, họ tồn tại như hai cá thể độc lập. Một tờ đơn ly hôn được viết ra, không phải để dứt khoát, mà để được "ở yên".

Có nên níu giữ mọi cuộc hôn nhân tuổi già?

Sống với nhau qua bao năm tháng, vượt qua gian khó, cùng nuôi con khôn lớn. Nhưng đến khi nghỉ hưu, tóc đã bạc, con cái đã yên bề, không ít cặp vợ chồng già lại chọn rẽ lối. Vì sao họ lại đòi chia tay khi chỉ còn vài chặng cuối cuộc đời?

Bức ảnh chụp cặp vợ chồng già trong sách ảnh "Việt Nam, những mảnh ghép tương phản" của nhà nhiếp ảnh Pháp Réhahn. Ảnh minh họa

Bức ảnh chụp cặp vợ chồng già trong sách ảnh "Việt Nam, những mảnh ghép tương phản" của nhà nhiếp ảnh Pháp Réhahn. Ảnh minh họa

Câu trả lời nằm ở chính bản chất đời sống hôn nhân sau tuổi 60: khi công việc không còn, con cái không còn ở bên, những khoảng trống mới bắt đầu xuất hiện. Những điều từng được bỏ qua vì “bận” hay vì “nhường con” giờ trỗi dậy thành mâu thuẫn. Và ở tuổi xế chiều, sức chịu đựng tâm lý cũng không còn như trước.

Ở một khía cạnh khác, cũng cần thừa nhận rằng: chia tay không luôn là tiêu cực. Đối với một số người, đó là sự lựa chọn để giữ lại những năm tháng cuối đời bình an hơn. Khi mâu thuẫn kéo dài mà không thể hóa giải, khi cảm xúc chỉ còn là sự chịu đựng, thì việc rời khỏi một mối quan hệ lâu năm đôi khi là quyết định đúng đắn.

Tuy vậy, việc ly hôn ở tuổi già không chỉ là chuyện riêng của hai người. Nó kéo theo nhiều hệ lụy về tâm lý và xã hội. Người cao tuổi sau ly hôn dễ rơi vào cô đơn, mặc cảm, suy sụp tinh thần. Con cái lo lắng, họ hàng dị nghị, gia đình mất cân bằng. Một số người không có lương hưu hoặc nơi nương tựa sẽ phải sống nhờ vào con cháu, làm tăng thêm áp lực cho thế hệ sau.

Bởi vậy, trước khi đi đến quyết định chia tay, người trong cuộc rất cần được tư vấn, hỗ trợ tâm lý, hòa giải. Cần có nhiều hơn nữa các chương trình cộng đồng dành cho người cao tuổi, từ câu lạc bộ sinh hoạt cho đến các nhóm hỗ trợ tinh thần, nơi họ có thể giãi bày, tìm tiếng nói chung, và học lại cách trò chuyện, đồng hành với người bạn đời.

Hôn nhân không phải là một cam kết “bảo hành trọn đời”, mà là một hành trình nhiều thử thách. Ở tuổi nào cũng có thể yêu, cũng có thể tổn thương, và cũng cần được chữa lành. Người cao tuổi cũng cần được sống trong một mối quan hệ lành mạnh, được thấu hiểu, thay vì chỉ cam chịu vì chữ “nhẫn” hay vì định kiến xã hội.

ĐÀO ANH

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/gia-dinh/ly-hon-tuoi-gia-he-qua-tu-nhung-vet-nut-khong-len-tieng-154761.html