Ly hôn vì gần 600 nghìn tiền mua sữa bột cho con và sự thật tàn khốc trong hôn nhân phụ nữ nên biết

Đừng bao giờ mang tư tưởng hôn nhân chỉ đơn thuần là tình cảm. Sự ngây thơ ấy có thể hủy đi hạnh phúc gia đình bất cứ lúc nào.

01

Kết hôn đã 3 năm, tuần trước Lam quyết định ly hôn Hùng. Họ yêu nhau từ đại học và kết hôn sau 2 năm yêu đương.

Gia đình hai bên kinh tế cũng không tệ nên sau khi kết hôn, bố mẹ cả hai cùng góp tiền, mua cho vợ chồng một căn nhà. Bởi vậy, sau khi cưới họ không có nhiều gánh nặng. Hùng là người rất giỏi tiêu tiền. Từ hồi yêu nhau, Lam đã thấy anh hoang phí nhưng cô chưa tiện nói. Để bây giờ kết hôn, anh tiếp tục lối sống như xưa

Anh làm ra tiền nhưng không đưa tiền lương để vợ chi tiêu. Thay vào đó, anh sa đà vào những khoản chi khác. Khi thì đôi giày bóng rổ 4-5 triệu, khi thì máy chơi game, khi thì mô hình nọ, mô hình kia về trưng bày.

Vài tháng sau khi cưới, Lam thấy không ổn về chuyện tiền bạc và muốn trao đổi với chồng song anh gạt đi bởi nghĩ rằng cuộc sống hiện tại quá ổn, quá vui, ai cũng hài lòng. Tiền ai người đó tiêu, không đụng chạm thì không có xích mích. Cả hai đã xảy ra vài vụ cãi cọ về vấn đề này. Lam muốn có quỹ chung nhưng Hùng phản đối. Không muốn gia đình căng thẳng thêm nên Lam bỏ qua, Hùng thích làm gì thì làm.

02

Kết hôn được 1 năm thì Lam mang thai. Vì sức khỏe kém nên cô buộc phải nghỉ làm ở nhà dưỡng thai. Nếu như chi tiêu bình thường, thu nhập của Hùng đủ để chi cho cả nhà. Thế nhưng sở thích của Hùng vẫn như xưa, vẫn là giày hàng hiệu, đồ chơi độc đáo hay vài ba mô hình đắt đỏ...

Nhưng hoàn cảnh hiện tại khi phải cáng đáng vợ con trên vai, anh không thoải mái cho sở thích riêng nữa. Hùng bắt đầu phàn nàn về vợ, anh cho rằng cô đã chi tiêu quá hoang phí với khoản tiền hàng tháng mình đưa. Tình trạng này kéo dài từ lúc Lam mang thai cho đến lúc cô sinh con.

Sau khi sinh em bé, chi tiêu nhiều thêm. Mỗi lần Lam bảo chồng đưa tiền sinh hoạt thực sự là một cuộc đấu trí trong nhà. Hùng chỉ thiếu nước "đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành", chi li tính toán đến cực điểm.

Cũng bởi vì stress về cuộc sống mà Lam mất sữa, bé con phải dùng sữa bột. Cô muốn con dùng loại sữa tốt một chút cho sức khỏe thì Hùng vặc lại, anh cho rằng Lam bày vẽ, sữa nào mà chẳng giống nhau. Sữa đắt tiền chưa chắc đã tốt.

Bởi vậy mỗi lần bảo chồng đưa tiền mua sữa là Hùng lại trách móc vợ. Thậm chí có lần anh đã lớn tiếng, trách cô để mất sữa nên tốn kém thêm. Mối quan hệ vợ chồng giữa cả hai ngày càng rạn nứt.

Khi con được hơn 1 tuổi, Lam cũng đã đi làm trở lại. Cô chủ động viết đơn ly hôn, chấm dứt mối quan hệ hôn nhân ngày càng trở nên mệt mỏi khi Hùng vẫn đang càm ràm: "Sữa gì mà gần 600 nghìn một lon...".

03

Có nhiều người tin vào câu nói: "Một nửa của hôn nhân là tình cảm, nữa còn lại là vật chất. Hai điều này cần song hành với nhau, thiếu cái gì cũng không được".

Thẳng thắn mà nói, điều này không hề sai. Hôn nhân mà không có tình cảm, chỉ tồn tại dựa trên vật chất thì chẳng khác nào một cuộc giao dịch. Nhưng hôn nhân mà chỉ có tình cảm thì rất mong manh và thật sự quá viển vông.

Đã xưa rồi cái thời "một túp lều tranh hai trái tim vàng" bởi hôn nhân bây giờ là thực tế cuộc sống. Nó là củi, dầu, mắm, muối... là những hóa đơn đến đều đặn hàng tháng mà nếu không thể chi trả thì không ổn. Thẳng thắn mà nói rằng, hôn nhân mà không có tiền thì rất dễ dàng "chết yểu".

Trong câu chuyện trên, Lam đã sai khi không quyết liệt với chuyện tiền bạc và không đi đến được thống nhất cho những khoản quỹ chung trong nhà.

Trong hôn nhân, kinh tế cũng là một vấn đề tạo nên sự gắn kết giữa hai vợ chồng. Sau khi kết hôn mà vẫn tôi tiêu tiền tôi, anh tiêu tiền anh thì nên xem xét lại bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần trách nhiệm của cả hai.

Như Lam, khi cô không thể đi làm, người chồng vẫn chưa hiểu được trách nhiệm của mình. Anh ta có một quãng thời gian bắt đầu hôn nhân quá thảnh thơi, vẫn thoải mái tiêu tiền nên đến khi phải gánh trách nhiệm trên vai, lo toan cho cả gia đình thì bị bối rối, bị bực bội bởi tất cả không còn được hoàn hảo như xưa.

Cuộc sống hôn nhân thì làm gì cũng cần đến tiền. Người phụ nữ không làm ra tiền cũng gần như đánh mất đi tiếng nói. Sự phụ thuộc sẽ khiến vị thế của họ trong mối quan hệ đi xuống.

Câu hỏi ai nên là người giữ tiền trong nhà đã gây tranh cãi trong nhiều năm. Ở ngoài đời, đa số phụ nữ vẫn đảm đang và giỏi chi tiêu hơn chồng mình. Nếu chồng sẵn sàng giao cho bạn toàn quyền quyết định về kinh tế, chi tiêu thì cũng chứng tỏ được anh ấy tin tưởng và coi trọng vợ.

Đừng bao giờ mang tư tưởng hôn nhân chỉ đơn thuần là tình cảm. Sự ngây thơ ấy có thể hủy đi hạnh phúc gia đình bất cứ lúc nào.

An Thanh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/ly-hon-vi-gan-600-nghin-tien-mua-sua-bot-cho-con-va-su-that-tan-khoc-trong-hon-nhan-phu-nu-nen-biet-20231118170353272.htm