Lý lẽ trong vụ tự bắt cát tặc rồi vướng lao lý
Nguyễn Văn Cường, ở xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội khi thấy nhóm người khai thác cát gần khu vực đất nông nghiệp nhà mình đã rủ một số người đánh, trói và lấy 2 chiếc điện thoại. Vụ án này được đánh giá là 'có tính chất phức tạp'.
Tự ý bắt “cát tặc”
Trong các ngày từ 23-28/6, Tòa án nhân dân huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử Nguyễn Văn Cường (40 tuổi) và 3 người khác gồm: Nguyễn Tuấn Anh (21 tuổi), Dương Văn Quý (27 tuổi) và Dương Văn Cương (28 tuổi) về các tội “bắt giữ người trái pháp luật” và “cướp tài sản”.
Theo cáo trạng, khoảng 0h20 ngày 11/7/2018, ông Đào Công Thành (52 tuổi, ở xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) cùng một số người đi 2 thuyền đến Sông Cầu (thuộc địa phận thôn An Lạc, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) để khai thác cát.
Quá trình khai thác cát, 2 thuyền đậu song song sát cạnh nhau và cách bờ về phía địa phận huyện Sóc Sơn khoảng 30m. Do biết có thuyền hút cát tiếp giáp với khu đất nông nghiệp nhà mình, Cường bảo Tuấn Anh, Cương, Quý và một số người khác đi đuổi đánh, bắt giữ những người trên thuyền.
Sau đó, Cường đi ô tô đưa cả nhóm đến hiện trường, lên 1 chiếc thuyền đang đậu. Cáo buộc thể hiện, khi lên thuyền, Cường chỉ đạo nhóm người tìm và lấy hung khí (tuýp sắt).
Lúc này, thấy thuyền của ông Thành, Cường hô “Sao chúng mày hút cát ở đây” đồng thời cầm tuýp sắt cùng đồng bọn nhảy lên 2 chiếc thuyền khai thác cát. Thấy vậy, ông Thành sợ hãi liền chạy trốn vào khoang máy song bị nhóm Cường phát hiện.
Tuấn Anh đã dùng tuýp sắt vụt vào tay ông Thành, yêu cầu ra mạn thuyền gặp Cường. Tại đây, nhóm Cường tiếp tục đánh ông Thành. Lúc đó, có chuông điện thoại, ông Thành cầm nghe, song bị Cường giật chiếc điện thoại này và hô: “Trói ông này lại”.
Đồng bọn của Cường dùng dây thừng trói quanh người ông Thành. Quá trình bị trói, ông Thành còn bị nhóm đàn em của Cường lục soát, lấy tiếp 1 chiếc điện thoại di động hiệu Samsung Galaxy J2 Prime.
Cường còn tiếp tục đánh, đạp ông Thành. Sau đó, bị cáo chỉ đạo đàn em đánh thuyền vào bờ để đưa người vào nhà mình giải quyết. Quá trình giữ người trái pháp luật của Cường sau đó bị phát hiện. Công an huyện Sóc Sơn đã đến nhà Cường, giải thoát cho ông Thành và một phụ nữ.
Cơ quan công tố cho rằng, quá trình điều tra, Tuấn Anh, Quý và Cương thành khẩn khai nhận. Riêng Cường ban đầu có thừa nhận hành vi phạm tội, song sau đó thay đổi lời khai, “quanh co chối tội và cố tình che giấu đồng phạm”.
Cơ quan chức năng xác định, trong vụ án trên còn một số đồng phạm, song họ không có mặt tại địa phương nên đã tách hồ sơ, xử lý sau.
Ngoài ra, cáo trạng cũng nêu, Cường bị một người trong nhóm hút cát chém vào cánh tay, thương tích 8%, song cơ quan điều tra chưa làm rõ được ai gây thương tích nên tách thành vụ án khác, xử lý sau.
Lý lẽ trong phiên tòa
Tại phiên tòa ngày 23/6, trả lời xét hỏi, 4 bị cáo đều phản đối cáo trạng. Bị cáo Cường cho biết, trước khi đi ngăn "cát tặc" đã gọi điện thoại báo cho công an địa phương. "Bằng chứng ghi âm nhiều cuộc gọi điện thoại qua lại trước và sau khi xảy ra vụ việc giữa tôi và cán bộ công an, đã được các bút lục đề cập" - bị cáo nói.
"Tôi không có ý định bắt trói ai, chỉ đến nhắc nhở nhưng lên tàu liền bị người của họ cầm dao lao đến chém" - Cường khai và cho hay việc giữ 2 điện thoại của ông Thành nhằm ngăn cản gọi thêm người đến can thiệp, tránh "đánh nhau to" chứ "không có mục đích cướp, chiếm đoạt".
Cường khai không ép buộc nhóm ông Thành về nhà mình. Sau khi được cởi trói và lên bờ, nhóm ông Thành chủ động đề nghị cùng về nhà Cường để "giải quyết tình cảm". 2 bên ngồi uống nước và viết bản tường trình, không có việc khóa cửa hay đánh đập.
Trước tòa, 4 người làm chứng được triệu tập, xác nhận khi ông Thành và người phụ nữ về nhà Cường không ai bị đánh, trói và đều đi lại tự do, viết cam kết.
Bào chữa cho Cường, luật sư Phan Minh Thanh cho rằng cần xác định ai gây thương tích 8% đối với bị cáo vì "đây là nguồn cơn phát sinh chuỗi hành vi trong vụ án".
"Nếu không bị chém, Cường và các bị cáo sẽ không bắt giữ người. Việc dùng dao gây thương tích là phạm tội quả tang, bất cứ ai, bao gồm các bị cáo, cũng có quyền bắt giữ để giao nộp cho cơ quan chức năng" - luật sư Thanh nêu quan điểm.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện Sóc Sơn giữ quyền công tố tại tòa đã bác hầu hết các quan điểm và lời khai, cho rằng khi xảy ra vụ việc chưa đủ căn cứ xác định ai là người gây thương tích nên Cường không thể viện cớ bắt giữ. Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định nhóm Cường có hành vi dùng vũ lực với nhóm ông Thành.
Hơn nữa, theo nguyên tắc, khi bắt giữ phải áp giải ngay đến cơ quan công an, nhưng các bị cáo không làm mà lại đưa về nhà. "Do vậy, hành vi này là trái luật" - công tố viên nêu quan điểm buộc tội.
Về việc các bị cáo thu giữ chiếc điện thoại, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng đã cấu thành hành vi cướp tài sản bởi "đã dùng vũ lực tấn công hòng chiếm đoạt chứ không quan trọng cướp điện thoại để làm gì".
Ông Thành không có mặt tại phiên tòa, song theo cáo trạng công bố, ông này bị nhà chức trách xác định hành vi khai thác cát không có giấy phép, sử dụng thuyền không có đăng ký phương tiện, đã phạt tổng cộng 22,5 triệu đồng vào ngày 10/8/2018.
Sau thời gian nghị án kéo dài “do vụ án có tính chất phức tạp”, ngày 28/6, trong phần công bố bản án, Hội đồng xét xử cho rằng các bị cáo dù không có thẩm quyền nhưng dùng vũ lực bắt trói, đưa người khác về nhà là trái pháp luật.
Việc này vi phạm quyền bất khả xâm phạm về thân thể, tài sản của công dân, đe dọa mạng sống người khác. Mặt khác, hành vi lấy 2 chiếc điện thoại của bị hại đã đủ yếu tố cấu thành tội “cướp tài sản”.
Đánh giá hành vi của các bị cáo "gây hoang mang, nguy hiểm cho xã hội và trị an", tòa thông báo cần có hình phạt tù nghiêm khắc tương xứng.
Do đó, tòa sơ thẩm đã tuyên phạt Nguyễn Văn Cường 10 năm tù tổng cộng 2 tội danh trên với vai trò chủ mưu, cầm đầu. 3 đồng phạm Nguyễn Tuấn Anh, bị phạt 7 năm tù; Dương Văn Quý và Dương Văn Cương cùng bị phạt 9 năm tù.
Qua vụ án trên, luật sư Nguyễn Văn Tiến (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho hay, cát tặc là vấn đề nhức nhối trong dư luận xã hội. Mặc dù, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng khai thác cát trái phép, song tình trạng cát tặc vẫn thường lộng hành.
Luật sư khuyến cáo, không chỉ ở vụ án trên, các vụ việc khác, khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng, người dân cần áp giải, đưa ngay lên trụ sở công an, bàn giao để lực lượng chức năng giải quyết. Điều này sẽ giúp cho người tham gia bắt giữ đối tượng tránh được cảnh vướng lao lý.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ly-le-trong-vu-tu-bat-cat-tac-roi-vuong-lao-ly-5690545.html