Lý lịch khoa học của thành viên hội đồng giáo sư quá 'hẻo'?
Quyết định 37 của Thủ tướng Chính phủ lần đầu tiên quy định cụ thể tiêu chuẩn đối với các thành viên Hội đồng giáo sư (GS) ngành và liên ngành. Đây được coi là 'thước đo' pháp lý để dư luận cũng như chính các ứng viên 'soi' xem những người cầm cân nảy mực, quyết định 'số phận' của mình đạt trình độ thế nào.
Theo nhiều nhà khoa học, trong khi Quyết định 37 (QĐ) yêu cầu các ứng viên GS, PGS phải công khai lý lịch khoa học, từ cơ sở, đến cấp ngành và trên cả trang web của Hội đồng Giáo sư Nhà nước (HĐGS NN) để không chỉ các đồng nghiệp mà cả xã hội phản biện thì lại không thể tìm thấy một nguồn chính thống nào cung cấp chi tiết lí lịch khoa học của các thành viên HĐGSNN.
QĐ 37 yêu cầu ứng viên GS, PGS phải là tác giả chính của 2-5 bài báo hoặc/và bằng độc quyền sáng chế. Để có thể đánh giá được phẩm chất khoa học của ứng viên buộc thành viên hội đồng phải là tác giả chính của nhiều hơn 3 công trình quốc tế/hoặc/và bằng độc quyền sáng chế áp dụng cho năm 2019 và 5 công trình quốc tế/hoặc/và bằng độc quyền sáng chế áp dụng từ năm 2020.
Nếu những người “cầm cân nảy mực” xét tiêu chuẩn cho các ứng viên GS, PGS lại có thành tích nghiên cứu khoa học không cao hơn, thậm chí thấp hơn các ứng viên thì thật khó thuyết phục dư luận cũng như ứng viên.
Băn khoăn thành tích khoa học của các GS
Tiền Phong đã tìm hiểu các thành tích khoa học của chủ tịch hội đồng một số ngành khoa học tự nhiên tại 4 kênh quan trọng.
Cụ thể, với Chủ tịch Hội đồng ngành Y học, khi tìm trên google với từ khóa “Đăng Vạn Phước”, “Van Phuoc D” hoặc “lý lịch khoa học GS Đặng Vạn Phước” không cho ra kết quảTrên google scholar và researchgate, vào đường dẫn của tác giả “D Van Phuoc” thì đó là một bằng sáng chế đăng ký năm 1998, mô tả phát minh pin thông minh, và không liên quan đến lĩnh vực tim mạch của GS- TS Đặng Vạn Phước. Có 3 bài báo có tên tác giả “Dang Van Phuoc” từ ĐH Y Dược TP.HCM.
Công trình thứ nhất đăng trên tạp chí Current Medical Reseach and Opinion, tác giả Van Phuoc D, là đồng tác giả (không phải tác giả chính) và đây là một bài review, theo chuẩn của QĐ 37 thì những bài review sẽ không cho điểm.. Bài thứ 2 là một công trình khoa học, tác giả Van Phuoc D” ở vị trí áp chót. Bài thứ 3, tác giả Van Phuoc Dang ở ví trí thứ 6 và đây không phải là bài báo khoa học mà là một đồng thuận (consensus) đăng trên tạp trí Heart Asian. Như vậy với 3 bài viết nêu trên “Van Phuoc D” không phải tác giả chính.
Với Chủ tịch Hội đồng ngành Giáo dục học, tìm trên google scholar tên tác giả “Nguyễn Thị Mỹ Lộc” hoặc Nguyen Thi My Loc” hoặc NTM Loc, có duy nhất một bài đăng trên tạp chí nhưng chưa rõ xếp hạng và tác giả “Nguyễn Thị Mỹ Lộc” ở vị trí thứ 2.
Với Chủ tịch Hội đồng ngành Dược, tìm kiếm trên google scholar, researchgate với nhiều biến thể của từ khóa “Lê Quang Nghiệm”, “Le Quang Nghiem” không hề thấy một công trình khoa học nào tác giả này đứng tên chính.
Phó Chủ tịch HĐGSNN, GS.TS Lê Quang Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, khi tìm kiếm trên kênh researchgate.net thì thấy là tác giả/đồng tác giả của 10 công trình khoa học. Trong 5 năm gần nhất GS. Cường có tên trong 3 bài báo quốc tế (tất cả đều trong năm 2019), tuy nhiên chỉ có duy nhất 1 công trình được coi là tác giả chính và công trình này có hệ số trích dẫn (impact factor) quá thấp 1,016. Trong khi đó hội đồng ngành Y có nhiều ứng viên bị loại có lý lịch khoa học sáng hơn rất nhiều lần GS.Cường và chắc chắn hơn rất nhiều lần Chủ tịch Hội đồng ngành Y học.
Các GS phải chịu trách nhiệm với bản khai lý lịch khoa học
Tại khoản 2, điều 7 của QĐ 37 yêu cầu chuẩn thành viên HĐGSNN, Hội đồng GS ngành, liên ngành và Hội đồng GS cơ sở có kết quả công bố trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín hoặc xuất bản ở NXB có uy tín trong 5 năm liền kề với thời điểm được bổ nhiệm thành viên Hội đồng.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Anh Tuấn, Chánh Văn phòng HĐGSNN cho biết, chưa thống kê được số lượng GS các hội đồng ngành, liên ngành không có bài báo khoa học. Nhưng trong Thông tư 04 quy định, nếu không có bài báo khoa học thì thay bằng sách được xuất bản ở NXB có uy tín. Trước câu hỏi HĐGSNN có rà soát xem NXB nào, tạp chí nào uy tín hay không, ông Tuấn cho hay, khi hồ sơ chuyển lên HĐGSNN, văn phòng chỉ kiểm đếm xem có đủ số lượng theo yêu cầu không). “Còn NXB uy tín hay không thì phải tôn trọng, tin tưởng các GS. Và khi các GS khai thì có xác nhận của đơn vị nơi GS công tác” – ông Tuấn nói.