Lý luận, phê bình điện ảnh: Anh ở đâu?

Điện ảnh Việt đã không hiếm chuyện khi một bộ phim mới ra mắt hoặc sau mỗi liên hoan phim, dư luận lại xôn xao với những ý kiến bình luận, đánh giá, tranh luận khác nhau. Nhưng điểm lại thì có bao nhiêu trong số đó mang tính chuyên nghiệp, chuyên sâu, thực sự hữu ích cho người làm phim và điện ảnh nói chung?

Giữa những tranh cãi đó, các nhà lý luận, phê bình điện ảnh đang ở đâu? Điều đó đặt ra những câu hỏi cho lý luận, phê bình điện ảnh ở nước ta hiện nay, trong việc góp phần đưa nền điện ảnh Việt phát triển, thực sự trở thành ngành mũi nhọn của công nghiệp văn hóa.

Những rào cản vô hình

Giống như các bộ môn nghệ thuật, lý luận, phê bình điện ảnh là cầu nối giữa nghệ thuật điện ảnh với công chúng khán giả và xã hội, đồng thời định hướng cho sáng tác, cảm thụ cũng như đánh giá tác phẩm và làm rõ bản chất những vấn đề của điện ảnh. Nhưng thực tế công tác lý luận, phê bình điện ảnh ở nước ta đang thiếu và yếu, không thể hiện được vai trò, vị trí vốn có; đã nhường chỗ, thậm chí trở nên lép vế trước truyền thông và mạng xã hội. Giống như có người từng ví von rằng, khi một bộ phim đứng giữa bão dư luận và trông chờ sự vào cuộc của các nhà lý luận, phê bình điện ảnh thì trước hàng nghìn, hàng triệu người tham gia mạng xã hội, nhà phê bình điện ảnh trở nên quá đơn độc, một bài viết khó mà xoay chuyển được tình thế.

Đạo diễn Lương Đình Dũng.

Đạo diễn Lương Đình Dũng.

Nhà lý luận, phê bình là những công chúng đặc biệt, công chúng tinh hoa, bởi họ có kiến thức chuyên môn sâu, đặc thù của lĩnh vực và chỉ chiếm số lượng rất ít so với công chúng. Nói về đội ngũ lý luận, phê bình điện ảnh ở nước ta hiện nay, người chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhiều người đã ở tuổi cao sức yếu, hoặc làm công tác quản lý khiến thời gian dành cho nghiên cứu, viết lách hạn hẹp. Lứa trẻ hơn thường tập trung ở các nhà trường đào tạo điện ảnh và chú trọng vào công tác giảng dạy. Nhưng không chỉ có thế. Lý luận, phê bình điện ảnh thiếu vắng còn bởi những lý do khác…

Điện ảnh vốn là bộ môn tổng hợp, gần gũi công chúng, có tác động trực tiếp đến người xem nên việc quan tâm cũng như đưa ra ý kiến của công chúng trở nên dễ dàng và mạnh mẽ hơn. Nhất là ý kiến của giới nghiên cứu, lý luận, phê bình ngoài quan điểm cá nhân còn tác động đến việc xây dựng, định hướng tư tưởng, thị hiếu thẩm mỹ cho công chúng. Vì thế mà nếu một bài phê bình được đưa ra dễ làm dậy sóng dư luận hơn nhiều loại hình nghệ thuật khác, điều đó khiến người ta dễ yêu hoặc ghét nhà phê bình nhất là khi tác phẩm, bản thân bị chê. Ở đâu, lĩnh vực nào cũng vậy khen thì dễ, chê lại rất khó, chê người quen còn khó hơn muôn phần, khi mà người được khen chê cũng chưa mấy ai sẵn lòng đón nhận. Mà trong “giới”, đụng đâu chẳng ít nhiều quen thân, ý kiến lại chẳng bõ mất lòng nhau. Với nhà lý luận, phê bình chân chính thì viết mà không công tâm thì thà không viết còn hơn... Những điều như vậy cũng khiến cho người làm phê bình “ngại” đụng chạm mà ít lên tiếng.

Trong khi đó, “phê bình” điện ảnh thường thấy hiện nay lại chủ yếu là từ phê bình báo chí và phê bình trên mạng xã hội. Trên báo chí chủ yếu là do các nhà báo viết về mảng điện ảnh, thường nặng về thông tin và giới thiệu nội dung phim. Cũng không hiếm bài viết thiếu sự khách quan bởi người viết cảm tính hoặc việc tiếp cận thông tin chưa đầy đủ. Sôi động nhất có lẽ là những bài bình luận, đánh giá trên mạng xã hội. Những năm gần đây, cùng sự phát triển của mạng xã hội, KOL (những người có sức ảnh hưởng) có khả năng dẫn dắt cộng đồng với hàng trăm nghìn người theo dõi đang ngày càng nhiều. Nhiều KOL trên mạng xã hội cũng là những người theo dõi và chuyên viết về điện ảnh song cũng chưa phải là phê bình chuyên nghiệp, và cũng không ít trong số đó phụ thuộc vào sự định hướng từ ê-kíp truyền thông của phim khi đây cũng là một kênh được các nhà sản xuất tìm đến để quảng bá bộ phim.

Bộ phim “Cha cõng con” của đạo diễn Lương Đình Dũng được chọn đại diện Việt Nam dự tranh giải Oscar 2018 và giành nhiều giải thưởng quốc tế dù khi mới ra mắt từng nhận nhiều ý kiến tranh luận

Bộ phim “Cha cõng con” của đạo diễn Lương Đình Dũng được chọn đại diện Việt Nam dự tranh giải Oscar 2018 và giành nhiều giải thưởng quốc tế dù khi mới ra mắt từng nhận nhiều ý kiến tranh luận

Đánh giá về một bộ phim hiện nay có thể nói là trăm hoa đua nở khi ai cũng có thể đưa ra ý kiến một cách dễ dàng qua mạng xã hội. Điều ấy đôi khi khiến công chúng khán giả hoang mang, mất phương hướng, dễ dàng bị dẫn dắt; còn người làm phim nếu không bản lĩnh sẽ dễ bởi những lời khen quá mức mà tự cao, bởi những lời chê vùi dập mà mất bình tĩnh, trở nên tự ti, chán nản... Sâu xa hơn, như đạo diễn Lương Đình Dũng từng chia sẻ: “Môi trường phê bình điện ảnh ở Việt Nam rất thiếu bài bản và chuyên nghiệp, đó là sự thật và nó là một phần tác nhân gây ra sự lộn xộn, cạnh tranh thiếu lành mạnh của điện ảnh Việt. Xét về nhiều khía cạnh, điều đó khiến điện ảnh đang rơi vào thế nguy hiểm, ảnh hưởng đến thương hiệu điện ảnh Việt Nam về lâu dài”.

Bản lĩnh của người làm lý luận, phê bình và hơn thế

Tiến sĩ Hà Thanh Vân (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), đã không ít lần bị chỉ trích, thậm chí tác động từ nhiều phía khi đưa ra một bài phê bình phim chuyên sâu, với những khen chê cùng các luận điểm, dẫn chứng cụ thể. Khi được hỏi rằng điều đó có khiến chị nản hoặc áp lực, chị trả lời: “Tôi không thấy ngại hay nản, vì tôi quan niệm rằng đã làm lý luận, phê bình thì phải biết lắng nghe và chấp nhận những ý kiến trái chiều”. Đó là bài học đầu tiên khi theo con đường lý luận, phê bình mà chị nhận được từ người thầy của mình là GS, TS Nguyễn Văn Hạnh, nguyên Hiệu trưởng Đại học Huế, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục, nguyên Phó ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương rằng: Làm lý luận, phê bình thì ý kiến trái chiều nhau là bình thường, vấn đề là phải có bản lĩnh để viết và chấp nhận sự tranh cãi. Nếu ngại tranh cãi thì không nên làm lý luận, phê bình.

Tiến sĩ Hà Thanh Vân.

Tiến sĩ Hà Thanh Vân.

Tất nhiên, không phải ai làm lý luận, phê bình cũng đủ bản lĩnh như vậy, và cũng không phải người làm phim nào cũng đủ dũng cảm để lắng nghe, đón nhận, tiếp thu những ý kiến trái chiều. “Norman Vincent Peale, một mục sư và cũng là một tác giả Mỹ viết: “Vấn đề của hầu hết chúng ta là chúng ta thà bị hủy hoại bởi những lời khen ngợi hơn là được cứu bởi những lời chỉ trích”. Vậy nên thường thì người ta lại hay nổi giận vì những bài phê bình có hàm lượng chê nhiều hơn khen”, TS Hà Thanh Vân lý giải.

Trong lúc này, nếu những nhà lý luận, phê bình cần dũng cảm, lên tiếng một cách công tâm thì những người làm phim cũng cần biết cách tiếp nhận những đánh giá, nhận xét, phê bình một cách thông minh hơn. Nghĩa là, lắng nghe để biết những thiếu sót, điều chưa phù hợp mà hoàn thiện bản thân và tác phẩm của mình hơn, nhưng không phải ý kiến nào cũng làm theo mà đánh mất bản sắc, phong cách, ý tưởng của mình. Đạo diễn Lương Đình Dũng có lần đứng trước bão dư luận đã từng nói rằng: “Đôi khi người ta cứ tranh cãi trong khi sự công nhận hay không công nhận của một số người theo kiểu ngồi chè chén với nhau chẳng giá trị gì đối với nghề điện ảnh”. Tất nhiên, để biết đâu là điều cần tiếp thu, có giá trị với mình, đâu là điều không cần bận tâm, thì bản thân người làm điện ảnh phải tự trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp vững vàng và tâm thế học hỏi cởi mở, cầu tiến bộ.

Giai đoạn hiện nay điện ảnh có sự tham gia sôi động và chiếm phần lớn thị trường từ tư nhân. Và nói đến kinh doanh thì câu chuyện lợi nhuận là yếu tố được các nhà sản xuất chú trọng, trong đó, đầu tư cho công tác truyền thông quảng bá bộ phim có thể chiếm một phần kinh phí lớn. Việc đầu tư cho truyền thông nhằm hút khách, tăng lợi nhuận khiến cho đôi khi chính khán giả bị “dắt mũi” bởi những bài bình luận, phê bình thiếu khách quan theo hướng có lợi cho nhà đầu tư và bộ phim. Điều đó làm suy giảm uy tín, vai trò của phê bình điện ảnh chân chính.

Thực tế, lý luận, phê bình chuyên nghiệp chỉ tiếp cận được số ít người, và đó cũng chỉ là một trong những thành tố giúp định hướng, dẫn dắt thị hiếu công chúng. Theo PGS, TS Hoàng Cẩm Giang, Trưởng bộ môn Nghệ thuật học, Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, thì “rộng hơn câu chuyện lý luận, phê bình chính là lan truyền tri thức văn hóa trong cuộc sống. Chỉ khi bản thân mỗi khán giả trong nhà trường đã được tiếp cận những câu chuyện về điện ảnh, nghệ thuật như là kiến thức cơ bản, nền tảng thì chúng ta sẽ có lớp khán giả mới có thị hiếu thẩm mỹ cao và điện ảnh mới có thể tiếp cận được khán giả đại chúng từ gốc”.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Cẩm Giang trong một buổi chiếu phim và thảo luận của Câu lạc bộ Điện Ảnh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Cẩm Giang trong một buổi chiếu phim và thảo luận của Câu lạc bộ Điện Ảnh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.

Thị trường điện ảnh đang phụ thuộc vào khán giả tới rạp để quyết định cho sự phát triển. Suy cho cùng, việc chạy theo khán giả để có những bộ phim doanh thu tới trăm tỷ cũng chỉ là vấn đề nhất thời, giải quyết phần ngọn.

Như PGS, TS Hoàng Cẩm Giang trong khuôn khổ Liên hoan phim châu Á-Đà Nẵng mới đây đã nói, vấn đề hiện nay là chúng ta cần đào tạo khán giả chứ không phải cứ giao trách nhiệm cho khán giả quyết định điện ảnh Việt Nam đi về đâu. Nước ta có nhiều trường đào tạo về điện ảnh, nghệ thuật, suy cho cùng đều có một mục tiêu là nâng cao năng lực cảm thụ cho công chúng điện ảnh.

Chị dẫn chứng về Câu lạc bộ Điện ảnh của Bộ môn Nghệ thuật học liên tục tổ chức những buổi chiếu phim miễn phí mời các chuyên gia, nhà làm phim đến phân tích, bình luận. Có những bộ phim mà nhiều khán giả lúc xem chưa hiểu lắm, nhưng khi được nghe phân tích, bình luận lại có thêm kiến thức mới, hòa mình vào đời sống điện ảnh, biết cách xem, thưởng thức một tác phẩm điện ảnh. Khi ấy, việc chọn bộ phim để xem, cách xem phim, cảm nhận sẽ khác, không dễ bị dẫn dắt, tác động bởi những chiêu trò câu khách đơn thuần. Lúc đó, cũng chính lớp khán giả chất lượng sẽ là yếu tố tiềm năng cho người làm phim, tạo nên một hệ sinh thái mới cho điện ảnh chứ không nằm ở vấn đề của riêng kịch bản, đạo diễn hay diễn viên... Và, trong một môi trường như thế, lý luận, phê bình điện ảnh chuyên nghiệp cũng có điều kiện để bung nở một cách tự nhiên, đúng vị trí, vai trò vốn có.

Tất nhiên, để có được những điều nêu trên, điện ảnh Việt cần có những chủ trương, chính sách từ vĩ mô đến cụ thể cho giáo dục, đào tạo liên quan đến nghệ thuật nói chung, điện ảnh nói riêng; không chỉ đào tạo chuyên nghiệp mà cần phải chú trọng ngay từ giáo dục phổ thông. Giống như nhiều lĩnh vực, bộ môn khác, điện ảnh Việt chỉ có thể phát triển tốt trên hệ sinh thái hoàn thiện.

Hòa Dương

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/ly-luan-phe-binh-dien-anh-anh-o-dau--i739547/