Mang sắc xanh sang nước bạn

Các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam đã không chỉ ghi dấu ấn trên quê hương mà còn ở cả nước bạn. Trên những mảnh đất xa xôi, họ mang theo trái tim ấm áp và tinh thần sẻ chia, lan tỏa tình yêu thương đến những nơi cần nhất.

Bác sĩ Trần Mỹ Hòa, nguyên Giám đốc Bệnh viện Dã chiến cấp 2 (thứ 3 từ trái qua) kể về những ngày tháng hoạt động tại Nam Sudan đầy gian khổ, khắc nghiệt

Bác sĩ Trần Mỹ Hòa, nguyên Giám đốc Bệnh viện Dã chiến cấp 2 (thứ 3 từ trái qua) kể về những ngày tháng hoạt động tại Nam Sudan đầy gian khổ, khắc nghiệt

Sáng 8/9, tại chương trình giao lưu “Sống như những đóa hoa” diễn ra tại Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM, những câu chuyện truyền cảm hứng trong quá trình tình nguyện đã được chia sẻ bởi những gương mặt tiêu biểu như bác sĩ Trịnh Mỹ Hòa và chị Phạm Thị Nguyệt. Họ đã không ngại khó khăn, mang theo sắc xanh của tuổi trẻ đến những nơi còn nhiều thiếu thốn như Nam Sudan và Lào, góp phần lan tỏa tinh thần nhân ái, gắn kết tình người giữa các quốc gia.

Điều kỳ diệu trên mảnh đất Nam Sudan cằn cỗi

Bác sĩ Trịnh Mỹ Hòa (Chủ nhiệm khoa Khám bệnh Bệnh viện Quân y 179, nguyên Giám đốc Bệnh viện Dã chiến cấp 2) nhớ lại năm 2021, khi cùng 63 thành viên của Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 3 bước vào hành trình đặc biệt, đến Nam Sudan. Đó là một vùng đất có khí hậu khắc nghiệt và điều kiện thiếu thốn, nhưng tinh thần dấn thân của các chiến sĩ không hề nao núng. Những con người trẻ trung, đầy nhiệt huyết ấy là những bác sĩ, y tá, đã mang theo nhiệt huyết của tuổi trẻ Việt Nam đến vùng đất xa xôi này.

“Ban đầu, chúng tôi không khỏi lo lắng vì điều kiện thiếu thốn đủ thứ. Nhưng chỉ cần nghĩ đến việc có thể dùng khả năng của mình để giúp đỡ người dân khó khăn nơi đây, chúng tôi không hề nao núng, đều tự nhủ phải cố gắng hết sức”, bác sĩ Hòa chia sẻ.

Một kỷ niệm khó quên của bác sỹ Hòa là ca mổ khẩn cấp cứu sống một thai nhi trong bụng người mẹ Nam Sudan bị lao nặng, suy dinh dưỡng và biến dạng cột sống. Với điều kiện trang thiết bị thiếu thốn, nhưng bằng sự tận tâm và nỗ lực hết mình, bác sĩ Hòa và đồng đội đã cứu sống hai mẹ con. “Khoảnh khắc đứa trẻ cất tiếng khóc đầu tiên, mọi mệt mỏi dường như tan biến. Trong điều kiện vô cùng thiếu thốn, ca mổ thành công tựa như một điều kỳ diệu trên mảnh đất khắc nghiệt này”, bác sĩ Hòa xúc động kể lại.

Trong suốt 14 tháng tại Nam Sudan, các chiến sĩ tình nguyện của Bệnh viện Dã chiến đã tổ chức được 12 chương trình thiện nguyện. Họ tận dụng những vật liệu đơn giản, tái chế những thứ sẵn có để làm bàn ghế tặng cho các trường học, giúp cải thiện điều kiện học tập của trẻ em.

Đặc biệt, các y bác sĩ trẻ đã tổ chức hoạt động thăm, khám bệnh cho những người bị giam giữ trong các nhà tù. “Sự nghèo khổ đã đẩy rất nhiều người lương thiện vào con đường trộm cắp, dẫn đến việc bị bắt giam. Thấu hiểu hoàn cảnh của họ, những chiến sĩ tình nguyện Việt Nam đã không ngần ngại mang tình cảm, nhiệt huyết của mình để thắp sáng những nơi tăm tối, động viên và giúp đỡ những mảnh đời phía sau song sắt”, bác sĩ Hòa chia sẻ.

Thời gian ở Nam Sudan, các chiến sĩ tình nguyện cũng gặp nhiều hiểm nguy từ dịch bệnh. Có nhiều phen, bác sĩ Hòa chứng kiến những người đồng đội của mình đổ gục ngay trước mắt. Giữa tình huống hiểm nghèo, cả đoàn phải tận dụng mọi thiết bị y tế sẵn có, nhanh chóng liên lạc với bệnh viện tại Việt Nam để tìm ra phương án cứu chữa kịp thời.

Nhìn lại 14 tháng tại Nam Sudan, bác sĩ Hòa cho rằng, dù thử thách luôn bủa vây, có những lúc tưởng chừng như không thể vượt qua, nhưng khi giữ vững tâm thế bình tĩnh, tập trung suy nghĩ giải pháp thì sẽ hóa giải từng khó khăn. Sau những chuyến tình nguyện, bản thân đã trưởng thành, trở nên kiên cường hơn rất nhiều. Cùng với đó là niềm tự hào về những điều đã làm được, và cả niềm tự hào khi góp phần làm đẹp thêm hình ảnh của đất nước, của con người Việt Nam.

Bạn Bảo Trâm (sinh viên năm 3 trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn), chăm chú lắng nghe những câu chuyện trong chương trình. “Ngọn lửa cống hiến vì cộng đồng đã được các cô chú, anh chị thế hệ trước truyền lại cho chúng em. Người trẻ chúng em sẽ tiếp tục duy trì và phát huy những giá trị nhân văn cao cả của hoạt động tình nguyện, nguyện cống hiến sức trẻ để làm những điều có ích cho đời”, Trâm nói.

Cầu nối tình đoàn kết

Vào tháng 7 vừa qua, các chiến sĩ tình nguyện của chiến dịch Kỳ nghỉ hồng đã có một hành trình đầy ý nghĩa tại nước bạn Lào. Trong chuyến đi kéo dài 14 ngày, chị Phạm Thị Nguyệt và 90 chiến sĩ thuộc đội tình nguyện Kỳ nghỉ hồng đã vận chuyển hơn 47 tấn hàng hóa từ TPHCM đến các tỉnh Champasak và Attapeu, nơi cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Các chiến sĩ, với tinh thần xông pha, đã không quản ngại bốc vác, trao tặng những món quà ý nghĩa và mang theo tình cảm của người dân Việt Nam đến với nước bạn.

“Dù chỉ là những món quà nhỏ như gấu bông, quần áo, đồ chơi cho trẻ em, nhưng khi trao tận tay các em, tôi mới thấy hết ý nghĩa của việc làm này. Nụ cười của các em là món quà quý giá nhất mà chúng tôi nhận được trong chuyến đi. Không chỉ có trẻ em, người dân các tỉnh Champasak và Attapeu đã đón chào đoàn tình nguyện với tất cả sự trân trọng. Họ tự tay làm những vòng hoa tươi thắm để chào đón và tiễn biệt đoàn, tạo nên những khoảnh khắc xúc động khó quên. Giây phút chia tay, rất nhiều giọt nước mắt đã rơi”, chị Nguyệt xúc động kể.

Những chiến sĩ tình nguyện Việt Nam đã mang theo trái tim ấm áp, lan tỏa tình yêu thương và sự sẻ chia đến những nơi xa xôi nhất. Họ không chỉ thực hiện sứ mệnh giúp đỡ cộng đồng, mà còn trở thành cầu nối của tình đoàn kết giữa các dân tộc. Từ những hành động nhỏ bé như làm bàn ghế cho trường học hay khám bệnh cho người nghèo, họ đã gieo trồng hy vọng và niềm tin vào tương lai tươi sáng hơn.

Phú Quang

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/mang-sac-xanh-sang-nuoc-ban-post1671082.tpo