Lý luận và thực tiễn qua 40 năm đổi mới, những vấn đề đặt ra trong giai đoạn mới
Sáng 24/11, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề 'Lý luận và thực tiễn qua 40 năm đổi mới và những vấn đề đặt ra trong giai đoạn mới', có sự tham dự đông đảo của các chuyên gia, nhà khoa học.
Tận dụng các cơ hội để bứt phá phát triển
Khai mạc Hội thảo, Tiến sỹ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh, sau gần 40 năm Đổi mới, nhất là trong 10 năm gần đây, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, được quốc tế đánh giá cao. Từ một nền kinh tế lạc hậu, đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Việt Nam đã vươn lên phát triển thành một quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức khá, chất lượng tăng trưởng, an sinh xã hội được cải thiện. Việt Nam đã duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn. Trong thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã tích cực tham gia tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất hơn; tiếp tục thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng các ngành, các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, chú trọng thực hiện ba đột phá chiến lược với nhiều kết quả cụ thể. Thể chế, chính sách đã có những bước chuyển biến căn bản, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng hơn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; thiết lập các điều kiện thuận lợi phục sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo Tiến sỹ Phan Chí Hiếu, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Một số lĩnh vực đạt kết quả chưa được như mong muốn như: Tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng. Tính tự chủ và khả năng chống chịu của nền kinh tế trong hội nhập chưa cao. Bảo đảm an ninh con người, trật tự, an toàn xã hội, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập; đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều thách thức. Hệ thống pháp luật còn đang trong quá trình hoàn hiện hơn để phù hợp với yêu cầu thực tiễn, biến động nhanh của sự phát triển kinh tế- xã hội, hội nhập quốc tế tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tiến sỹ Phan Chí Hiếu đề nghị, các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận, tổng kết những thành tựu, nhận diện một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân để tìm ra giải pháp hiệu quả góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng nghiên cứu lý luận, nghiên cứu thực tiễn để giúp Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chiến lược, chính sách phát triển trong giai đoạn mới.
Tại Hội thảo, nhấn mạnh bối cảnh quốc tế và trong nước tác động tới Việt Nam qua 40 năm Đổi mới và sự đổi mới tư duy, chính sách phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng, thế giới luôn biến động, chỉ có những quốc gia biết nắm bắt thời cơ, tận dụng các cơ hội, tự mình đổi mới tư duy, đổi mới cơ chế chính sách mới có thể bứt phá phát triển. Việt Nam đã từng làm như vậy trong thập kỷ 80 và 90 nên Việt Nam đã có bứt phá phát triển. Hiện nay đang có những thời cơ hiếm có, Việt Nam phải tận dụng triệt để phát triển.
Tăng cường thực hiện đồng bộ thể chế, chính sách xã hội
Đánh giá về sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã đem lại những kết quả tích cực cho Việt Nam trong gần 40 năm qua, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, năm 1986, khi mới bắt đầu đổi mới đất nước, GDP Việt Nam đạt khoảng 8 tỷ USD, xếp thứ 9/10 trong khối ASEAN. Nhờ đổi mới, nền kinh tế tăng trưởng tương đối cao trong suốt 37 năm qua. Quy mô GDP của Việt Nam không ngừng được mở rộng, năm 2022 đạt 410 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Việt Nam đã trở thành một nước xuất khẩu nông sản quan trọng trên thế giới. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, năm 2022 đạt trên 730 tỷ USD và sẽ đạt mốc 1000 tỷ USD trong vài ba năm tới. Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong khu vực và trên thế giới về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với FDI đăng ký và thực hiện lũy kế đến giữa năm 2023 tương ứng là 447 tỷ USD và 281,65 tỷ USD. Năng lực cạnh tranh và năng lực đổi mới của nền kinh tế liên tục được cải thiện. Phát triển trên các chiều cạnh xã hội cũng được nâng cấp và cải thiện. Đến nay, hơn 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 95% người lớn biết đọc, biết viết, tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2020. Đời sống văn hóa được cải thiện đáng kể. Việt Nam có hơn 72% dân số sử dụng Internet. Năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,704, thuộc nhóm cao so với các nước có cùng trình độ phát triển.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Quang Tuấn cho rằng, đưa ra quan niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận quan trọng và sáng tạo của Đảng ta, là một bước tiến về lý luận qua 37 năm thực hiện đường lối đổi mới. Đột phá lý luận này đã là cơ sở quan trọng cho việc vận dụng chính sách vào thực tiễn của nền kinh tế Việt Nam giai đoạn vừa qua. Qua đó, kinh tế Việt Nam đã có những bước tăng trưởng và phát triển khá tốt được thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, để sự đột phá lý luận đó phát huy hơn nữa được vai trò mở đường và tính lan tỏa của lý luận, cần phải tiếp tục nghiên cứu, làm rõ những nội dung còn chưa rõ của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để có cơ sở khoa học cho việc thiết lập và phát triển tốt hơn một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường, một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường vừa tuân theo những quy luật của nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của hài hòa xã hội.
Phân tích những vấn đề xã hội và quản lý phát triển xã hội trong tình hình mới, Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Nguyên Anh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh, quản lý phát triển xã hội bền vững có vị trí quan trọng trong tổng thể hệ thống quản lý phát triển quốc gia, là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và của cả xã hội.
Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045, Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Nguyên Anh cho rằng, cần tăng cường thực hiện đồng bộ thể chế, chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội bền vững dưới sự lãnh đạo của Đảng, bảo đảm vững chắc những thành quả của 40 năm Đổi mới, để mọi người dân được tham gia và thụ hưởng ngày một nhiều hơn trong quá trình xây dựng, kiến tạo, hội nhập và phát triển đất nước.
Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn dân, toàn diện, tiệm cận với thông lệ quốc tế với các chính sách phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro, bảo đảm trợ giúp kịp thời, hiệu quả cho các đối tượng yếu thế, người nghèo, người lao động khu vực phi chính thức, người dân ở vùng sâu, vùng xa. Các chính sách lao động, việc làm, nhà ở, y tế, giáo dục cần tăng cường chất lượng để cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, kỷ cương, nghiêm minh theo Hiến pháp và pháp luật, nhưng đồng thời phải bảo đảm an ninh con người, thu hẹp bất bình đẳng và phân hóa giàu nghèo, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, có cơ chế điều phối linh hoạt, thích ứng với các biến động lớn như dịch bệnh, thiên tai trên diện rộng. Nguồn lực của nhà nước và nguồn lực của xã hội cần kết hợp hiệu quả theo hướng đa dạng hóa để phát triển xã hội, quản lý phát triển xã hội, đáp ứng các nhu cầu cơ bản, thiết yếu của các tầng lớp dân cư, nhóm xã hội phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về phát triển con người qua 40 năm đổi mới-một số vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra và những đề xuất trong bối cảnh mới hiện nay...