Lý Nhân quan tâm cải tạo, nâng cấp hệ thống kênh mương nội đồng
Những năm gần đây, huyện Lý Nhân tích cực đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng. Cùng với đó, yêu cầu tưới, tiêu cho mùa vụ, nhất là khi cây lúa được gieo cấy bằng những giống chất lượng ngắn ngày ít chịu ngập úng và các loại cây trồng hàng hóa đòi hỏi khắt khe hơn. Do vậy, các địa phương trong huyện luôn chú trọng nâng cao năng lực tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của hệ thống kênh mương nội đồng.
Những năm gần đây, huyện Lý Nhân tích cực đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng. Cùng với đó, yêu cầu tưới, tiêu cho mùa vụ, nhất là khi cây lúa được gieo cấy bằng những giống chất lượng ngắn ngày ít chịu ngập úng và các loại cây trồng hàng hóa đòi hỏi khắt khe hơn. Do vậy, các địa phương trong huyện luôn chú trọng nâng cao năng lực tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của hệ thống kênh mương nội đồng.
HTX Nông nghiệp Nhân Thắng, xã Tiến Thắng (Lý Nhân), nằm trong vùng đất trũng, phần lớn là diện tích tạo nguồn. Để phát triển sản xuất, Hội đồng quản trị HTX đã chú trọng nâng cấp hệ thống kênh mương. Cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới, quy hoạch lại đồng ruộng, bố trí lại sản xuất, toàn bộ hệ thống kênh mương được đào đắp, xây dựng giúp đáp ứng yêu cầu tưới, tiêu cho mùa vụ.
Theo đó, các tuyến kênh được bố trí chạy dọc trên từng cánh đồng theo hình thức kẹp với bờ vùng, đường giao thông nội đồng. Đồng thời, HTX Nông nghiệp Nhân Thắng huy động nguồn vốn đầu tư nâng cấp các trạm bơm và kiên cố hóa hệ thống kênh tưới chính. Đến nay, HTX có trên 50% kênh mương chục chính, kênh dẫn trạm bơm được kiên cố hóa. Hệ thống cống đầu kênh hay đầu vào các tuyến kênh nhánh mặt ruộng được thay thế, xây dựng mới. Hằng năm, các tuyến kênh tưới, tiêu trên địa bàn được đầu tư nạo vét, khơi thông dòng chảy…
Ông Lê Hùng Thắng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Nhân Thắng cho biết: Hệ thống kênh mương được đầu tư, nâng cấp đã góp phần xóa bỏ tình trạng ruộng xấu như trước đây. Nhiều năm nay, không có tình trạng cây lúa bị khô hạn, hay ngập úng. Điều kiện phục vụ sản xuất bảo đảm tốt hơn, người dân gắn bó hơn với đồng ruộng, cơ bản không có tình trạng bỏ ruộng trong các vụ sản xuất.
Không chỉ có HTX Nông nghiệp Nhân Thắng, những năm qua, việc nâng cao năng lực tưới, tiêu nước của hệ thống kênh mương nội đồng được các địa phương, HTX Nông nghiệp trên địa bàn huyện Lý Nhân quan tâm đầu tư. Tại xã Hợp Lý, đồng ruộng của địa phương thuộc vùng cao, thường xuyên gặp khó khăn trong việc lấy nước tưới cho mùa vụ đang đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương. Trong đợt làm thủy lợi đông xuân 2022 – 2023 xã đã xây dựng kiên cố gần 2,5 km của 3 tuyến kênh chính nội đồng.
Còn tại xã Nhân Nghĩa, nơi người dân phát triển mạnh sản xuất cây trồng hàng hóa ở tất cả các vụ trong năm, nhất là vụ xuân và vụ đông, nên HTX Nông nghiệp Nhân Nghĩa coi công tác thủy lợi nội đồng là việc làm thường xuyên. Vào đầu các vụ sản xuất, Hội đồng quản trị HTX đều kiểm tra, rà soát lại toàn bộ kênh tưới, tiêu trên địa bàn, xác định những đoạn, tuyến bị bồi lắng, ách tắc để tiến hành nạo vét, giải tỏa vật cản. Do vậy, kênh mương trên địa bàn luôn đáp ứng tốt năng lực phục vụ. Đặc biệt, trong các đợt tiêu úng khi gặp mưa lớn trên các cánh đồng cả nghìn máy bơm điện, bơm dầu của các thôn, đội sản xuất và người dân cùng hoạt động. Nhờ vậy, trong các đợt mưa lớn bất thường gây ngập úng, phần lớn diện tích cây trồng hàng hóa của người dân đều được bảo vệ và địa phương luôn duy trì được diện tích trồng cây hàng hóa lớn ở các vụ sản xuất trong năm, như: Dưa chuột, bí xanh, bí đỏ, ngô nếp…
Theo ông Đinh Viết Cương, Giám đốc HTX Nông nghiệp Nhân Nghĩa: Trong điều hành hoạt động, Hội đồng quản trị HTX luôn coi trọng nâng cao năng lực tưới, tiêu nước của hệ thống kênh mương nội đồng. Việc nạo vét kênh mương được duy trì trở thành nhiệm vụ thường xuyên cả năm. Kể cả trong mùa vụ, khi kiểm tra phát hiện kênh bị bồi lắng, ách tắc đều được triển khai thực hiện kịp thời.
Qua tìm hiểu được biết, hệ thống kênh mương nội đồng của huyện Lý Nhân được chia thành 2 vùng rõ rệt. Trong đó, vùng phía Nam huyện chiếm trên 60% diện tích sản xuất được phục vụ tưới, tiêu nước bởi hệ thống trạm bơm chính Như Trác; vùng 6 xã phía Bắc có cốt đất cao phụ thuộc nhiều vào các trạm bơm tưới dọc sông Châu. Đây là nơi luôn gặp khó khăn trong lấy nước tưới, nhất là tưới đổ ải đầu vụ lúa xuân.
Để nâng cao năng lực tưới, tiêu nước của hệ thống kênh mương nội đồng, các địa phương đều tích cực triển khai nạo vét, đào đắp khơi thông dòng chảy, đầu tư kiên cố hóa hệ thống kênh mương nội đồng. Như đợt làm thủy lợi đông xuân 2022 – 2023 toàn huyện đã đào đắp, nạo vét được tổng số 123.080m3 đất, đạt 108,9% kế hoạch. Trong đó, hệ hống kênh chính đào đắp được 65.660m3 đất, đạt 107,9% kế hoạch; kênh nhánh 57.420 m3, đạt 110,2% kế hoạch. Riêng kiên cố hóa kênh mương, toàn huyện đã thực hiện được 100,2km (chủ yếu kênh tưới), bằng hơn 22% tổng chiều dài các kênh do địa phương quản lý. Năm 2022, toàn huyện đã kiên cố hóa được 15,3km nội đồng. Đây đều là những tuyến kênh chính, kênh dẫn trạm bơm đảm nhiệm việc tưới, tiêu cho mùa vụ.
Bà Nguyễn Thị Minh, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lý Nhân cho biết: Hàng năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều tham mưu với UBND huyện chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt việc đầu tư nâng cấp, tu sửa, nạo vét hệ thống kênh mương. Nhất là chú ý đến những tuyến kênh chính nội đồng giúp bảo đảm năng lực tưới, tiêu nước phục vụ cho quá trình chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng.
Từ việc nâng cao năng lực tưới, tiêu của hệ thống kênh mương, sản xuất trên đồng ruộng của huyện Lý Nhân phát huy tốt hiệu quả. Nhiều địa phương đã hình thành vùng sản xuất lúa, cây hàng hóa tập trung. Giá trị sản xuất bình quân trên diện tích canh tác tại địa phương đạt hơn 100 triệu đồng/ha/năm; những vùng chuyển đổi trồng cây hàng hóa đạt trên 200 triệu đồng/ha/năm. Đây là điều kiện, động lực để các địa phương trong huyện tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng tạo ra vùng sản xuất quy mô lớn, tập trung và giải quyết tốt việc làm cho lao động khu vực nông thôn.