Ly nông bất ly hương Kỳ 2: Đìu hiu những mái nhà

'Không ai muốn rời đi nếu có việc làm, thu nhập ổn định'-ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh nói về tâm trạng của những nông dân ly hương. Bởi khi quyết định ra đi, ai nấy đều trăn trở, thậm chí nghẹn lòng khi nghĩ đến cha già, mẹ yếu, rồi những đứa con phải gửi nhờ người thân chăm sóc. Chưa kể, vì mưu sinh mà có người phải bỏ mạng nơi xứ người.

Nỗi đau không gì bù đắp

Nếu không có cán bộ Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Phú Thiện dẫn đường, chúng tôi không chắc sẽ tìm được ngôi nhà của chị Lê Thị Mỹ Hạnh (thôn Nam Hà, xã Ia Ake) bởi đường đi lối lại ngoằn ngoèo. Nhà xây từ nhiều năm trước mà đến giờ vẫn chưa thể tô trát.

5 tháng đã trôi qua kể từ ngày tiễn chồng về với đất, nỗi buồn đau vẫn đọng thật sâu trên gương mặt chị Hạnh. Chị không thể quên khoảnh khắc bàng hoàng tìm thấy thi thể anh Nguyễn Văn Thụ trong đống đổ nát vụ sập công trình xây dựng tại tỉnh Đồng Nai. Khi ấy, anh được nhận vào làm công nhân mới 10 ngày.

Lúc chúng tôi đến thăm, cô con gái đầu 12 tuổi của anh chị ngồi cười ngơ ngẩn nơi góc nhà. Cháu bị thiểu năng trí tuệ, 2 cháu sau (học lớp 1 và lớp 4) đang vô tư chơi đùa ngoài sân. Chị Hạnh cho hay, chị dự tính vài ngày tới sẽ lại vào Đồng Nai tìm việc. “Đứa lớn tôi gửi ngoại, 2 đứa nhỏ gửi nội. Mức lương công nhân 8-9 triệu đồng mỗi tháng cũng đủ lo cho con cái”-chị Hạnh nhẩm tính. Nói vậy nhưng lòng chị ngổn ngang nỗi niềm. Là bởi, ông bà nội, ngoại hai bên đều đã già yếu; 3 đứa trẻ vừa thiệt thòi vì mất cha thì nay lại thiếu vắng bàn tay chăm sóc của mẹ.

Chị Hạnh cho biết thêm, sau khi anh Thụ qua đời, công ty của anh và chính quyền địa phương kêu gọi hỗ trợ được gần 200 triệu đồng. Vậy nhưng, lo phí mai táng và trả nợ ngân hàng xong, gia đình lại trắng tay. Hiện chị không còn đồng vốn nào, nhà có 7 sào đất rẫy nhưng trồng đậu đen không thành, trồng mì cho thu nhập bấp bênh. Ở huyện có nhà máy gạch nhưng nộp hồ sơ mà không thấy gọi. Nhiều nơi người dân mất mùa, tìm việc làm thuê cũng khó. Chúng tôi hiểu rằng, với chị, quay trở lại nơi đã lưu dấu nỗi đau là lựa chọn cuối cùng.

Cơn mưa chiều đổ xuống giữa lúc chạng vạng càng khiến ngôi nhà của gia đình bé Siu H’Nư (23 tháng tuổi, làng Phung, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh) đượm vẻ hắt hiu. Cô bé đứng nơi bậc cửa, rụt rè đưa mắt nhìn người lạ. Có lẽ, H’Nư không còn nhớ hơi ấm của mẹ, bởi mẹ đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) khi em mới 8 tháng tuổi. Và mãi mãi không trở về.

Bé Siu H'Nư và ông ngoại Kpă Nhem (làng Phung, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh) vẫn còn bần thần, ngơ ngác sau khi mất đi 2 người thân chỉ trong 1 tháng. Ảnh: Phương Duyên

Bé Siu H'Nư và ông ngoại Kpă Nhem (làng Phung, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh) vẫn còn bần thần, ngơ ngác sau khi mất đi 2 người thân chỉ trong 1 tháng. Ảnh: Phương Duyên

Mẹ H’Nư là chị S.H. (SN 1998). Làm mẹ đơn thân trong cảnh khó khăn, để có tiền nuôi con, đầu năm 2019, chị H. quyết định đi XKLĐ ở Ả Rập Xê Út với mức lương 9,5 triệu đồng/tháng. Đầu tháng 8-2020, chị đau đớn nhận tin mẹ mất nhưng không thể về chịu tang. Ngày 27-8-2020, sau nhiều ngày đau bệnh, chị H. cũng không qua khỏi do sốc nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính. Công ty cổ phần Hợp tác Lao động Quốc tế Vinaco phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Ả Rập Xê Út làm các thủ tục chôn cất ngay ở nước sở tại.

Ngoài chế độ lương bổng, Công ty hỗ trợ gia đình 30 triệu đồng. Cộng đồng người Việt tại Ả Rập Xê Út cũng kêu gọi hỗ trợ 100 triệu đồng, UBND xã Ia Phang vận động các nhà hảo tâm đóng góp thêm gần 140 triệu đồng. Cùng với việc nhận đỡ đầu H’Nư, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã còn giúp làm sổ tiết kiệm cho cháu đến năm 18 tuổi.

Vậy nhưng, chừng như tất cả đều không thể làm nguôi ngoai nỗi buồn đau trong lòng ông Kpă Nhem, ông ngoại H’Nư. Trò chuyện cùng chúng tôi, gương mặt ông lúc nào cũng bần thần. Bé H’Nư ngồi gọn trong lòng ông tròn xoe đôi mắt ngơ ngác. Chỉ trong vòng 1 tháng mà gia đình ông mất đi 2 người thân, trong đó, 1 người mãi nằm lại nơi đất lạ.

Những đứa trẻ “khát” hơi ấm mẹ cha

85 tuổi, tay chân chậm chạp, bước đi nặng nhọc nhưng đều đặn mỗi sáng, khi 2 cháu ngoại đã đến trường, bà Phạm Thị Nảy lại sang nhà dọn dẹp, sắp xếp lại đồ đạc cho gọn gàng.

Hàng ngày, bà Phạm Thị Nảy (tổ 3, thị trấn Chư Prông) đều tranh thủ qua dọn dẹp nhà cửa cho 2 đứa cháu ngoại vì mẹ chúng đi XKLĐ. Ảnh: Phương Dung

Hàng ngày, bà Phạm Thị Nảy (tổ 3, thị trấn Chư Prông) đều tranh thủ qua dọn dẹp nhà cửa cho 2 đứa cháu ngoại vì mẹ chúng đi XKLĐ. Ảnh: Phương Dung

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh:“Khi lao động nông thôn đổ dồn vào các thành phố lớn sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội mà chúng ta không lường hết được (chỗ ở, môi trường, trật tự an toàn xã hội…). Trong khi đó, họ bỏ lại phía sau gia đình, con cái thiếu vắng người chăm sóc, không được giáo dục kỹ lưỡng, đó cũng là gánh nặng cho xã hội. Vì vậy, ổn định dân sinh là vấn đề phải tính đến trong quá trình phát triển”.

Bà Nảy có tới 7 người con đều sống gần nhau tại tổ 3, thị trấn Chư Prông. Chị Nguyễn Thị Bích Đào là con gái út được bà chia cho 5 m đất và được hội từ thiện hỗ trợ xây căn nhà cấp 4 ngay cạnh bên. Chị Đào đa đoan, người chồng đầu mất sớm, người chồng thứ 2 cũng bỏ đi.

Không có việc làm ổn định, đất sản xuất cũng không, do đó cuộc sống của 3 mẹ con chị rất khó khăn. 2 đứa con gái lại đang tuổi ăn tuổi lớn nên chi phí sinh hoạt khá nhiều. Vậy nên năm 2019, chị quyết định đi XKLĐ sang Ả Rập Xê Út với mức lương 9 triệu đồng/tháng. Anh Nguyễn Văn Phúc-anh trai chị Đào-cho biết: “Khi nó làm xong hết các thủ tục thì gia đình mới biết, chứ nếu biết trước tôi đã can ngăn. Ở nhà làm thuê, thu nhập có thể ít hơn nhưng gần nhà, gần con, có việc gì còn chạy về được, đằng này…”.

Chuyện đã rồi nên cả gia đình chỉ mong ở xứ người công việc sẽ thuận lợi giúp chị Đào có thu nhập để trang trải cuộc sống và tích lũy chút vốn liếng sau này. “Vậy nhưng cách đây vài ngày, nó gọi điện về bảo lương tháng có 9 triệu đồng mà có khi phải làm việc tới 18 giờ mỗi ngày, khổ lắm! Nó bảo muốn về Việt Nam rồi, về kiếm việc làm gần nhà nhưng ngặt nỗi chưa hết hợp đồng”-bà Nảy chia sẻ.

Chuyện 2 cô cháu gái chưa thể tự chăm sóc lẫn nhau cũng khiến bà không thể yên lòng. Ban ngày, bà và họ hàng thường xuyên chạy sang phụ giúp dọn dẹp, nhắc nhở các cháu chuyện ăn uống, sinh hoạt, học tập... “Cả 2 đứa còn dại lắm, cứ chí chóe cãi nhau cả ngày nên từ lúc mẹ chúng đi đến giờ chả đêm nào tôi ngon giấc”-bà Nảy tâm sự.

Song, điều khiến bà lo lắng hơn cả là 2 đứa cháu ngoại vốn đã thiếu vắng tình cha, giờ lại không được sự quan tâm, dạy dỗ, chăm sóc của mẹ. Bên cạnh đó còn là những nỗi lo mơ hồ khác khi đứa cháu đầu đang vào tuổi dậy thì... Không dám nghĩ tiếp, bà lại lúi húi đem chén bát đi rửa, gom quần áo bẩn đi giặt, sắp xếp lại sách vở trên bàn.

Từ ngày vợ chồng cậu con trai đi làm thuê ở TP. Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Phương (tổ 2, thị trấn Chư Prông) vừa phải chăm chồng đau ốm, vừa chăm sóc 2 đứa cháu nội. Ảnh: Phương Dung

Từ ngày vợ chồng cậu con trai đi làm thuê ở TP. Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Phương (tổ 2, thị trấn Chư Prông) vừa phải chăm chồng đau ốm, vừa chăm sóc 2 đứa cháu nội. Ảnh: Phương Dung

Bóng chiều đổ xuống khi chúng tôi ghé nhà bà Nguyễn Thị Phương (tổ 2, thị trấn Chư Prông). Mâm cơm giữa nhà với vài món đơn giản và chỉ có 2 ông cháu ăn, còn bà Phương ngồi bên cạnh đút cơm cho đứa cháu nội 4 tuổi, thỉnh thoảng lại quay sang giúp chồng đỡ chén cơm.

Bà Phương kể: “Ông ấy bị tai biến mạch máu não 9 năm nay rồi. Tập luyện, uống thuốc đều nhưng chỉ đi vài bước, phải ngồi xuống chứ không là ngã quỵ. Đôi tay cũng run rẩy, không duỗi thẳng được nên việc ăn uống, tắm giặt đều phải có người giúp”.

Chăm chồng đau ốm, bệnh tật đã là gánh nặng đối với người phụ nữ tuổi gần lục tuần. Vậy mà hơn 1 năm qua, bà Phương còn phải cáng đáng luôn việc chăm sóc, dạy dỗ 2 đứa cháu nội (lớp 4 và mẫu giáo) vì cha mẹ chúng đi làm công nhân ở TP. Hồ Chí Minh.

Bà Phương buồn rầu cho hay, gia đình cũng có vài trăm cây cà phê, nếu chịu khó canh tác hoặc làm thuê quanh vùng cũng có việc nhưng vợ chồng cậu con trai không thích làm rẫy. Mỗi tháng, họ gửi về 3 triệu đồng để ông bà đóng tiền học, mua sữa cho các cháu, phần còn lại bà Phương phải tự xoay xở. Số tiền ấy chẳng thấm tháp gì so với chi phí hàng ngày. Vì vậy, tranh thủ những ngày chồng khỏe, các cháu đến trường, bà Phương đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập. Chiều về, bà chạy vội đi đón các cháu rồi lại quay cuồng với đủ thứ việc không tên.

Quay sang 2 đứa cháu nội, bà Phương thở dài: “Sợ nhất là những lúc ông cháu đều đau, tôi thấy mình như kiệt sức. Cả năm nay, tôi không dám ốm vì cứ có triệu chứng là mua đủ loại thuốc về để uống, chứ ốm rồi ai lo cho 3 ông cháu. Cũng may là 2 đứa cháu đều ngoan, ở với ông bà quen nên ít đòi cha mẹ”.

Ông Đinh Văn Dũng-Bí thư Huyện ủy Chư Prông: “Nhân lực rời địa phương đi XKLĐ hoặc tìm kiếm việc làm ngoài tỉnh sẽ dẫn đến mất cân đối lực lượng lao động trong khai thác các tiềm năng, thế mạnh tại địa phương, một số nơi đất đai bị bỏ hoang. Đặc biệt, nếu thiếu nguồn nhân lực tại chỗ thì sẽ rất khó thu hút doanh nghiệp đầu tư. Chưa kể, không phải ai đi lao động ngoài tỉnh cũng thành công, có người sau nhiều năm trở về vẫn tay trắng, điều này vô hình trung khiến tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tại địa phương tăng cao”.

PHƯƠNG DUYÊN-PHƯƠNG DUNG

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/8301/202010/ly-nong-bat-ly-huong-ky-2-diu-hiu-nhung-mai-nha-5705655/