'Ly nông' không 'ly hương'

PTĐT - Những năm gần đây, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Cẩm Khê đã và đang phát huy hiệu quả tích cực.

Xưởng mộc của gia đình anh Đỗ Văn Khiên - khu 4, Tạ Xá chuyên sản xuất đồ mỹ nghệ được khách hàng lựa chọn, đánh giá cao chất lượng và tính thẩm mỹ.

Xưởng mộc của gia đình anh Đỗ Văn Khiên - khu 4, Tạ Xá chuyên sản xuất đồ mỹ nghệ được khách hàng lựa chọn, đánh giá cao chất lượng và tính thẩm mỹ.

PTĐT - Những năm gần đây, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Cẩm Khê đã và đang phát huy hiệu quả tích cực. Bên cạnh việc đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện còn chú trọng mở các lớp dạy nghề phi nông nghiệp như: May mặc, điện, cơ khí… giúp người dân học nghề mới, tạo “cần câu” để họ gắn bó, “ly nông”, không “ly hương”, làm giàu trên đất quê hương.

Xã Thụy Liễu giờ giống như “công trường may mặc” thu nhỏ với 1 công ty may có quy mô hơn 100 công nhân, 5 xưởng may hoạt động ổn định với khoảng trên 30 lao động mỗi xưởng và 35 hộ nhận may gia công. Trong tiếng máy may rẹt rẹt đang hoạt động hết công suất dưới sự vận hành bởi những công nhân lành nghề của Công ty TNHH May và Thương mại Phương Nam 3 (khu xóm Trong ), chị Trần Thị Cúc, khu Phai Chi thoăn thoắt hoàn thành nốt công đoạn cuối cùng của chiếc áo. Được biết, chị Cúc là một trong số những công nhân nằm trong top đầu của công ty với tay nghề cao, sản phẩm làm ra đẹp, chuẩn kỹ thuật, tiến độ nhanh và có thể may được tất cả các công đoạn của sản phẩm. Trước khi được nhận vào làm tại Công ty TNHH May và Thương mại Phương Nam 3, như những người phụ nữ nông thôn khác, quanh năm lam lũ với ruộng đồng, không thuộc diện hộ nghèo nhưng cuộc sống của gia đình chị Cúc cũng chỉ dừng lại ở mức đủ ăn. Năm 2016, sau 3 tháng tham gia lớp may công nghiệp được tổ chức tại địa phương, chị xin làm công nhân tại Công ty TNHH May và Thương mại Phương Nam 3. Với hành trang là những kiến thức cơ bản được học cùng với bản tính ham học hỏi, chịu thương chịu khó đã mang lại cho chị mức thu nhập ổn định hàng tháng từ 5-10 triệu đồng.
Ông Nguyễn Khoa Tạo- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thụy Liễu cho biết: “Thụy Liễu trước đây là xã thuần nông, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp và đi làm ăn xa. Nhiều năm trở lại đây, nắm bắt được nhu cầu của thị trường lao động cũng như thúc đẩy thực hiện Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, được sự hỗ trợ của các cấp, ngành liên quan địa phương đã mở nhiều lớp đào tạo nghề cho người dân ở các lĩnh vực, đặc biệt là nghề may, mở ra cơ hội việc làm, giúp bà con tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu. Đến hiện tại, riêng nghề may, địa phương đã tổ chức 5 lớp đào tạo, thu hút hơn 150 học viên tham gia. Những học viên sau khi kết thúc khóa học đều có việc làm ổn định tại các công ty, xưởng may trên địa bàn cũng như ở Cụm công nghiệp Cẩm Khê với mức thu nhập khá từ 4-8 triệu đồng mỗi tháng. Đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Năm qua, các ngành nghề thuộc khu vực phi nông nghiệp thu hút 350 lao động, riêng may mặc tạo việc làm cho khoảng hơn 200 người. Điều quan trọng hơn cả là người dân không phải đi làm ăn xa, vừa gắn bó với gia đình, quê hương lại có thu nhập, ổn định cuộc sống cũng như đóng góp công sức phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…”.Anh Đỗ Văn Khiên, khu 4, xã Tạ Xá cũng là một trong những cá nhân mạnh dạn vay vốn mở rộng quy mô xưởng sản xuất đồ gỗ của gia đình sau khi tham gia lớp đào tạo nghề mộc do địa phương tổ chức. Hiện tại xưởng mộc của gia đình anh giải quyết việc làm cho 4-6 lao động địa phương với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Anh Khiên chia sẻ: “Tôi đã gắn bó với nghề đã nhiều năm nhưng chỉ dừng lại ở quy mô hộ, chủ yếu tự sản xuất, sau khi tham gia lớp đào tạo nghề, ngoài việc củng cố, nâng cao kỹ thuật, tay nghề còn mở ra cho tôi cơ hội phát triển xưởng mộc của gia đình. Tôi mạnh dạn đầu tư một số máy móc hiện đại, thuê thêm người làm, dần mở rộng quy mô xưởng mộc…”.Đó chỉ là 2 trong số nhiều minh chứng khẳng định hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong lĩnh vực phi nông nghiệp trên địa bàn huyện Cẩm Khê. Với những kết quả quan trọng đã đạt được ấy, tin tưởng rằng, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành huyện Cẩm Khê tiếp tục phát huy đồng thời gắn việc đào tạo nghề với giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập, tạo động lực để người dân gắn bó, đóng góp công sức phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.

Lệ Oanh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202005/ly-nong-khong-ly-huong-170648