Lý Sơn - cõi an trú triệu năm

Bà Nguyễn Thị Vĩnh đang thu hoạch hành tím trồng trên thửa ruộng cát của Lý Sơn ngẩng lên cười với tôi, nụ cười đẹp mà hiền. Gương mặt sạm đỏ của bà dường như đã phơi dưới nắng cháy cả cuộc đời dài. Có một cuộc sống khác, thơm lành ở Lý Sơn, yên ả hơn những sóng gió của đời ngư phủ. Đó là những nông dân chẳng rời xa hòn đảo nửa bước chân, bao năm an trú trên trầm tích tro tàn núi lửa phủ dày cát mặn.

Cánh đồng cát Lý Sơn ngày càng thu hẹp lại. Ảnh: Thụy Văn

Cánh đồng cát Lý Sơn ngày càng thu hẹp lại. Ảnh: Thụy Văn

Bà Vĩnh nói với tôi, ở Lý Sơn, đất và nước đều quý như châu ngọc. Những thửa ruộng cát chỉ trồng được một vụ tỏi đặc sản, còn lại thì thêm vài vụ hành tím, đậu và dưa hấu. Phụ nữ ở Lý Sơn không đi biển như đàn ông, gần như quanh năm lăn lê, bò toài trên cát mặn. Vào lúc xế chiều, hơi nóng từ cát nung nước mặn bốc lên, bám chặt vào làn da thâm sạm. Người nông dân ở đảo lúng túng thấy mỗi ngày hòn đảo bung nở dịch vụ du lịch, diện tích đất dành cho nông nghiệp thu hẹp lại như chiếc áo mặc mỗi ngày lại mỗi chật chội.

Những thửa ruộng cát ở Lý Sơn bay chất dinh dưỡng rất nhanh sau một mùa vụ. Muốn canh tác vụ sau, phải lấy thêm đất từ miệng Giếng Tiền - miệng núi lửa cũ trên đảo rải một lớp mỏng, sau đó rải cát lên để giữ ẩm cho đất. Canh tác trên hòn đảo không có nước tưới quả thật là câu chuyện rất hiếm có trên thế giới. Ngoài khơi, các hòn đảo không có mạch nước ngầm có người ở nhiều thế hệ đã là chuyện lạ, đằng này lại trồng trọt chỉ dựa vào khí trời, sương đọng như Lý Sơn lại càng hy hữu.

Dưới bóng những cây bàng vuông, nhiều phụ nữ tụ lại để sơ chế hành củ trước khi đóng bao và chuyển vào đất liền. Câu chuyện giữa tôi và họ cứ xoáy vào việc tỏi Lý Sơn được chở từ đất liền ra trà trộn vào tỏi ở đảo để “ăn ké” thương hiệu kiếm lời. Họ nói đó là việc của các tiểu thương. Còn nông dân thì đang thức khuya sơ chế hành tím cay xè mắt để mai đóng hàng chuyển vào đất liền là việc tôi đang nhìn thấy.

Trong số 12 huyện đảo của cả nước, Lý Sơn đặc biệt vì có nghề nông rất lâu đời. Chiếc giếng cổ Xó La trên đảo của người Chăm để lại cho thấy sự sống đã xuất hiện rất sớm ở đây. Đó cũng là câu trả lời vì sao hòn đảo khô cằn này đông đúc dân cư và tồn tại một cánh đồng cổ duy trì mùa vụ quanh năm. Hành, tỏi và dưa hấu trên các thửa ruộng cát đều có vị ngon đậm đà khác lạ. Các thửa ruộng cát vuông vắn bằng phẳng, xung quanh bờ thửa xếp đá đen trầm tích núi lửa trông như một kỳ quan địa đồ giữa biển.

Lý Sơn dự định trong năm 2021 sẽ phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, mặc dù mảng nông nghiệp trên đảo mờ nhạt nhất so với kinh tế biển, du lịch dịch vụ. Hiện nay, lao động nghề nông vẫn chiếm hơn 50% cơ cấu nhưng thu nhập ít hơn các ngành nghề khác. Du lịch phát triển tạo ra nguy cơ cánh đồng cát trầm tích cổ bị thu hẹp lại, chuyển đổi mục đích sử dụng làm dịch vụ để bắt kịp xu hướng. Các ngư phủ già yếu dần an hưởng tuổi già cũng chuyển qua làm du lịch chứ không làm nông.

Trước đây, trên đảo chỉ có vài nhà nghỉ nhỏ. Năm 2020, toàn đảo có 133 cơ sở lưu trú, gồm 14 khách sạn và 57 nhà nghỉ, 62 homestay, tổng số 1.069 phòng lưu trú. Cùng lúc, Lý Sơn có thể đón 3 ngàn khách. Sức hấp dẫn du lịch biển, đảo không hề ngưng lại, trong đó có đóng góp của nghề trồng tỏi, hành, dưa hấu trên cánh đồng cát cổ ở Lý Sơn.

Dù đại dương có hấp dẫn cỡ nào thì những con tàu cũng phải đi xa rồi về lại đảo. Đó là miền an trú triệu năm không thể cứ bung ra đến lúc trên đảo toàn nhà hàng, khách sạn. Tỉnh Quảng Ngãi đặt ra mục tiêu quan trọng là giải quyết sự thiếu hụt nguồn nước ngọt và giải tỏa áp lực bảo vệ môi trường cho Lý Sơn trong vài năm tới. Chưa có hòn đảo nào thiếu cây xanh và dòng nước ngọt căng thẳng như Lý Sơn.

Năm vừa qua, cơn bão lớn quét qua hòn đảo làm một cây phong ba trên đảo Bé bị gãy đổ cũng làm du khách xuýt xoa tiếc nuối. Bởi lẽ, cả một miền trầm tích núi lửa phơi trên cát bỏng rát, rất hiếm cây xanh. Nếu không kìm giữ lại, diện tích cánh đồng cát hẹp lại thì không phải người dân nào cũng có thể bỏ ruộng đi chạy xe ôm, bán nước dạo. Lý Sơn vẫn phải phát triển du lịch, dịch vụ theo chiều sâu và giữ kinh tế nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, sử dụng chỉ dẫn địa lý để bảo vệ giá trị và thương hiệu của mặt hàng tỏi Lý Sơn, có thể phát triển cả nhà máy chế biến tinh dầu tỏi trong nay mai.

Nông dân trồng hành tỏi, trên cánh đồng cát cổ ở Lý Sơn. Ảnh: Thụy Văn

Nông dân trồng hành tỏi, trên cánh đồng cát cổ ở Lý Sơn. Ảnh: Thụy Văn

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến cánh đồng cát, trong đó, có cả lý do biến đổi khí hậu khiến môi trường thay đổi thất thường. Vấn đề sống còn của Lý Sơn trong tương lai là các giếng nước. Cầu hiện lớn hơn cung, khai thác nguồn nước giếng ngầm hiện đang vượt qua con số khuyến nghị. Con người và cây trồng Lý Sơn đều khát và sử dụng quá nhiều làm mất cân bằng mạch nước ngầm. Chưa kể, hơn 1.000 giếng nước bị nhiễm mặn vào mùa khô do biến đổi khí hậu.

Tỏi trên đồng cát càng thiếu nước thì tỉ lệ tỏi cô đơn càng cao. Nhánh tỏi cằn cỗi, phình to ra và chỉ có một nhánh là đặc sản của Lý Sơn, số lượng rất ít, chứa nhiều tinh dầu và thường chỉ để dùng làm thuốc. Với nghề nông lâu năm và có kinh nghiệm, người dân Lý Sơn cũng nắm được bí quyết sao cho tưới nước tiết kiệm nhất, mà tỏi vẫn đạt tiêu chuẩn chất lượng hàng đầu.

Sẵn có phương thức canh tác truyền thống được đúc kết và cho đến nay trở thành tri thức nông nghiệp bản địa đặc thù, nông dân Lý Sơn an trú trên miền trầm tích triệu năm cát và nước, mùn đất núi lửa.

Phòng Kinh tế và Hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn cho hay, diện tích trồng hành, tỏi trên đảo khoảng trên 300ha. Năng suất và sản lượng bình quân hằng năm từ 1.500 đến 2.000 tấn. Riêng vụ tỏi Đông Xuân 2019-2020, nông dân huyện c trồng được 325ha, năng suất khoảng 93 tạ/ha, tổng sản lượng 3.015 tấn với giá trị sản xuất hơn 210 tỷ đồng.

Thụy Văn

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ly-son-coi-an-tru-trieu-nam-post436615.html