Lý Sơn đoàn kết vươn lên
Là con cháu của đội Hùng binh Hoàng Sa, nhân dân huyện Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) luôn phát huy truyền thống quý báu cha ông cùng cán bộ, chiến sỹ (CBCS) đang công tác nơi đây ra sức phấn đấu để xây dựng huyện đảo ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh. Đoàn kết, đồng lòng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Sau chuyến công tác thăm, chúc tết CBCS và nhân dân huyện đảo Lý Sơn nhân dịp xuân Giáp Thìn 2024 nhưng chúng tôi vẫn còn nhớ như in những câu chuyện xúc động về tinh thần đoàn kết vươn lên, ý chí tự lực tự cường, sáng tạo của người dân nơi đây luôn hăng say phát triển kinh tế giữa muôn vàn khó khăn ngoài đảo xa. Sự nỗ lực của thầy, cô giáo, học sinh trong nâng cao chất lượng giáo dục. Và những hy sinh thầm lặng của CBCS hải quân, bộ đội biên phòng, công an, quân sự, cảnh sát biển… luôn vững vàng tay súng nơi đầu sóng ngọn gió bảo vệ vững chắc đảo tiền tiêu.
Lý Sơn được thành lập vào ngày 1/1/1993 theo Quyết định số 337 của Thủ tướng Chính phủ; là huyện đảo duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền khoảng 15 hải lý (tính từ cảng Sa Kỳ ra); gồm một đảo lớn (gọi là Cù Lao Ré), một đảo bé (gọi Cù Lao Bờ Bãi) và hòn Mù Cu ở phía Nam. Trên đảo Lý Sơn có 5 ngọn núi: Thới Lới, Hòn Vung, Hòn Sỏi, Hòn Tai và Giếng Tiền; 4 bến cảng và 2 âu neo đậu tàu thuyền. Với vị thế đắc địa, nằm trên con đường biển từ Bắc vào Nam, ngay cửa ngõ Khu kinh tế Dung Quất và khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung đã đưa huyện đảo trở thành đơn vị hành chính tiền tiêu của đất nước. Thực hiện Nghị quyết số 867/NQ-UBTVQH14 ngày 10/1/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, huyện Lý Sơn thực hiện giải thể chính quyền cấp xã (3 xã: An Vĩnh, An Hải và An Bình), từ đó chính quyền cấp huyện trực tiếp quản lý về mọi mặt và được chia thành 6 thôn, gồm: Đông An Hải, Tây An Hải, Đông An Vĩnh, Tây An Vĩnh, Đồng Hộ An Hải và Bắc An Bình. Toàn huyện có 6.170 hộ, trên 23.000 người.
Bà Phạm Thị Hương - Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn phấn khởi cho biết: Là huyện đảo tiền tiêu, Lý Sơn còn nhiều khó khăn như: khan hiếm nước ngọt; hàng hóa, lương thực đều phải chuyển từ đất liền ra; điều kiện thời tiết khắc nghiệt, hằng năm thường chịu ảnh hưởng của nhiều cơn bão, áp thấp nhiệt đới; chất lượng dịch vụ y tế còn hạn chế… Tuy vậy, những năm gần đây, huyện được Nhà nước, tỉnh thường xuyên quan tâm đầu tư xây dựng cơ bản; nhân dân phấn khởi cùng đồng lòng, chung sức nhằm thực hiện khát vọng xây dựng Lý Sơn ngày càng giàu đẹp. Nhờ đó, kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện ngày càng phát triển hơn. 6 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế đạt 1.120,1 tỷ đồng, tăng 8,41% so với cùng kỳ năm trước; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 201,542 tỷ đồng; toàn huyện đón hơn 100.000 lượt khách du lịch. Thu nhập bình quân đến thời điểm hiện tại đạt 45 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo giảm còn 6,5%. 8/9 trường học đạt chuẩn quốc gia. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững, ổn định…
Có được thành quả ấy, Huyện ủy, UBND huyện bám sát vào chủ trương của tỉnh, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành huyện phối hợp với lực lượng chức năng đóng quân trên đảo tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân khai thác tiềm năng, thế mạnh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế; ưu tiên nguồn lực cho ngành Du lịch. Chú trọng xây dựng thương hiệu đặc sản địa phương: tỏi, hành, chả cá… Phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước, khơi dậy tinh thần sáng tạo, đổi mới của người dân trong cách làm du lịch; vươn khơi bám biển để nâng cao thu nhập và góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Chị Huỳnh Thị Thùy Trang ở thôn Đông An Vĩnh hồ hởi nói: Cũng như các hộ dân khác, được sự quan tâm, động viên của các cấp chính quyền, gia đình tôi luôn tích cực phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Hiện nay, ngoài trồng tỏi, gia đình tôi bán thêm hàng tạp hóa, hàng ăn phục vụ nhu cầu khách du lịch; làm lưới, đi biển đánh bắt hải sản. Thu nhập mỗi năm hơn 100 triệu đồng; đời sống gia đình ngày càng khá hơn.
Hiện nay, huyện đảo Lý Sơn có 325ha đất trồng tỏi, hành, rau màu; 544 tàu thuyền. Sản lượng bình quân hàng năm đạt trên 2.000 tấn tỏi, hơn 6.000 tấn hành, gần 29.000 tấn thủy sản. Năm 2009, hành, tỏi Lý Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận nhãn hiệu, thương hiệu “Tỏi Lý Sơn” được nhiều khách hàng trong nước, quốc tế biết đến và ưa dùng. Từ đó, Lý Sơn được biết đến với mệnh danh là “Vương quốc tỏi”. Đặc biệt, trong mấy năm gần đây, du lịch huyện Lý Sơn thu hút nhiều du khách trong nước, quốc tế. Bởi lẽ, nơi đây mang vẻ đẹp hoang sơ và hùng vĩ, tựa như “viên ngọc quý giữa biển xanh” với nhiều địa danh hấp dẫn như: Cổng Tò Vò, Hang Câu, Chùa Hang, miệng núi lửa Thới Lới, Giếng Tiền, cánh đồng tỏi, đảo bé, hòn Mù Cu…
Chị Trần Thị Thanh Hà - phóng viên Báo Vĩnh Phúc chia sẻ: Lần đầu tiên đặt chân lên đảo tiền tiêu, tôi thấy rất vinh dự và tự hào. Nơi đây thật đẹp, tình cảm của CBCS và người dân dành cho đoàn chúng tôi thật nồng hậu, quý giá. Qua những câu chuyện được nghe kể, chúng tôi khâm phục ý chí, tinh thần đoàn kết của cán bộ, quân và dân trên huyện đảo luôn khắc phục mọi gian khổ về điều kiện thời tiết, những thiếu thốn hàng hóa, lương thực để bám trụ, xây dựng đảo ngày càng đẹp, phát triển. Nhất định, một ngày gần nhất, tôi sẽ đưa cả gia đình đến đây để du lịch.
Rời đảo Lý Sơn khi trời vẫn mưa nặng hạt, chúng tôi mang theo bao ân tình của CBCS, nhân dân. Chúng tôi biết, dù có bao khó khăn, vất vả nơi đảo tiền tiêu, thế nhưng, mỗi con người ở nơi đây họ vẫn luôn nở nụ cười tươi, giữ tinh thần thép, tình đoàn kết dân tộc để giữ chắc và tô đẹp cho vùng biển trời quê hương của Tổ quốc thêm xanh tươi, rạng ngời sức sống.