Lý Tiểu Long không xem mình là thiên tài võ thuật

Sinh thời, huyền thoại võ thuật họ Lý đam mê nghiên cứu võ học. Dù ở trên đỉnh cao của danh vọng, ông vẫn không ngừng luyện tập và không hề ngủ quên trên chiến thắng.

 Lý Tiểu Long không cho phép bản thân ngủ quên trên chiến thắng. Ảnh: C.F.

Lý Tiểu Long không cho phép bản thân ngủ quên trên chiến thắng. Ảnh: C.F.

Cha tôi không bao giờ muốn mọi người gọi mình là sư phụ, vì theo ông, “Một khi bạn tự cho mình đã lên đến đỉnh thì chẳng còn con đường nào khác ngoài đi xuống”. Thay vào đó, ông luôn tự coi mình là người học trò vĩnh cửu, luôn cởi mở đón nhận những ý tưởng, khả năng, đường hướng và bước tiến mới.

Ông xem đó như quá trình bóc tách bất tận củ hành nghìn lớp, luôn có những tầng mới của linh hồn cần khai mở, luôn có những lớp lang kiến thức mới cần khai phá. Lý Tiểu Long cho rằng:

" Đời tôi như thể một cuộc tự khám phá: tự bóc tách chính mình từng chút, từng ngày. Càng ngày, con người tôi sống càng đơn giản, càng ngày tôi càng nghiền ngẫm sâu hơn về mình, và càng ngày, những câu hỏi trong tôi càng nhiều.

Càng ngày tôi càng nhìn nhận tỏ tường hơn. Tôi hạnh phúc vì mình ngày một tiến bộ và thực lòng không biết đâu là giới hạn cuối cùng của bản thân. Chắc chắn mỗi ngày đều mang đến một khám phá, một phát hiện mà tôi có thể chạm đến".

Đó là lời của một người say mê học hỏi. Lòng ham hiểu biết và khao khát vươn lên đã soi sáng và giải phóng ông, cho phép ông khám phá và sáng tạo, đồng thời là dấu ấn trong tài năng kiệt xuất của ông. Nhờ tinh thần cởi mở và sẵn lòng thử nghiệm, ông đã nhìn ra mối liên hệ giữa các môn phái và các ý tưởng ở những khía cạnh mà mọi người còn chẳng buồn quan tâm.

Ví dụ, trong quá trình phát triển môn triệt quyền đạo, ông không chỉ đào sâu vào võ thuật cổ truyền để tìm cảm hứng và thông tin mà còn tìm hiểu cả đấm bốc phương Tây, đấu kiếm, cơ sinh học và triết học.

Ông ngưỡng mộ tính đơn giản của đấm bốc và đã kết hợp các ý tưởng của môn võ này vào các thế chân và các miếng võ thân trên trong môn võ của mình (đòn đấm thẳng trực diện, đấm thẳng tay sau, móc, tránh đòn bằng đưa người lên - xuống, sang trái - phải, v.v.).

Trong đấu kiếm, trước hết, ông tìm hiểu các thế chân, biên độ và thời điểm của các đòn stop hit [1] hoặc phản đòn (riposte), là hai kỹ thuật trong phòng ngự và phản công mà kiếm thủ đều phải di chuyển một cách có tính toán trước khi ra đòn.

Trong cơ sinh học, ông nghiên cứu toàn diện sự chuyển động nhằm tìm ra quy luật vật lý cũng như hiệu suất và cường độ sinh học của chuyển động. Còn trong triết học, ông đọc của nhiều tác giả, cả Đông lẫn Tây, như Lão Tử, Alan Watts và Krishnamurti, cộng thêm nhiều sách tự lực nổi tiếng thời đó.

Ông cởi mở tiếp nhận mọi nguồn cảm hứng và mọi khả năng, hạn chế duy nhất của ông là sức tưởng tượng và khả năng tiếp thu của chính ông mà thôi.

Còn riêng tôi, tôi đã dần dà nuôi dưỡng được cho mình một lòng ham thử nghiệm trong đời sống riêng. Tôi liên tục tạo ra những cuộc sát hạch, luôn vạch ra những kịch bản nhỏ để xem kết quả của chúng có thể giúp mình nhìn ra những gì.

Tôi đã thử đủ thứ, từ nhận mọi lời mời trong một giai đoạn nhất định, đến ngồi yên niệm chú trong một số ngày, cho đến uống nước chanh ấm mỗi sáng. Tôi cũng tham gia nhiều nghi thức, nhiều lớp học mà bản thân thấy hứng thú, đã có lúc say sưa nghe theo trực giác hoặc chủ tâm lao vào một cuộc tình để xem nó sẽ đi về đâu.

Và giờ đây, giữa tất cả những thử nghiệm này, tôi cố giữ cho mình một tâm thế rỗng, cởi mở và không phán xét, để có thể cố gắng thực sự nhìn, cảm và hiểu lối sống tối ưu cho bản thân.

Có nhiều khi tôi không đi hết được một cuộc thử nghiệm, và trong sự dở dang ấy cũng có đôi điều để tôi học hỏi. Tôi không theo đến tận cùng vì nó không hiệu quả với tôi? Hay vì nó quá khó hoặc tôi gặp phải một điểm mù, một vật cản nào đó? Tiềm năng học hỏi và tiến bộ là bất tận nếu bạn sẵn sàng đào sâu nghiền ngẫm.

Shannon Lee/ Thái Hà Books & NXB Thế giới

Nguồn Znews: https://znews.vn/ly-tieu-long-khong-xem-minh-la-thien-tai-vo-thuat-post1490933.html