Lý, tình trong vụ tiêu hủy 13 chú chó ở Cà Mau
Người chủ đã rất vất vả để đưa 13 con chó cưng về quê an toàn nhưng xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau đã đưa ra cách hành xử khiến không chỉ chủ của chúng mà rất nhiều người cảm thấy đau lòng.
Người chủ đã rất vất vả để đưa 13 con chó cưng từ vùng dịch vượt gần 300 km về quê an toàn. Nhưng rồi, số phận của những con chó cưng này lại khiến chủ chúng đau lòng. Cho dù vì lý do chống dịch chăng nữa thì xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau đã đưa ra cách hành xử chưa thật thấu lý đạt tình.
Xứ Tây có câu thành ngữ “Love me, love my dog” (tạm dịch: Yêu tôi thì phải yêu cả con chó của tôi). Câu này có nghĩa gần với câu nói của người Việt “Yêu nhau yêu cả đường đi lối về”. Người Tây đưa con chó vào thành ngữ vì con chó được xem như một thành viên, một người bạn trong gia đình.
Đối với nhiều gia đình người Việt, con chó và rộng ra là vật nuôi cũng được xem là thành viên của gia đình. Đây tuyệt nhiên không phải là thói học đòi hợm hĩnh mà xuất phát từ bản chất trọng tình của người Việt Nam.
Vì vậy, gia đình ông Phạm Minh Hùng mất đi 13 con chó tuyệt nhiên không phải là điều có thể dửng dưng, đặc biệt là 13 con chó này đã trải qua hành trình gian nan gần 300 km từ Long An về đến Cà Mau. Đó là nỗi đau không chỉ người chủ phải chịu đựng mà ai mắt thấy tai nghe cũng không thể cầm lòng.
Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 thì bệnh truyền nhiễm là bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm. Theo đó, tác nhân gây bệnh truyền nhiễm là virus, vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm có khả năng gây bệnh truyền nhiễm. Quyết định 173/2020 ngày 1-2-2020 và Quyết định 07/2020 ngày
26-2-2020 của Thủ tướng quy định COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A. Tuy nhiên, cho đến nay, trên thế giới lẫn Việt Nam vẫn chưa có kết luận đáng tin cậy nào khẳng định chó, mèo là động vật có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 sang người.
Công bằng mà nói, chó, mèo có thể là trung gian truyền bệnh COVID-19, tức là mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm và có khả năng truyền bệnh (như việc tiếp xúc qua lông, da). Tuy nhiên, trung gian truyền bệnh không đồng nghĩa với việc cho rằng chỉ có chó, mèo là động vật có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 sang người.
Tương tự như chó, mèo, mọi hàng hóa, vật phẩm, thực phẩm, môi trường, không khí đều có thể là trung gian truyền bệnh COVID-19. Do đó, nếu cho rằng tiêu hủy chó, mèo là biện pháp cần thiết thì cũng phải tiêu hủy luôn quần áo, xe cộ của người về từ vùng có dịch bởi những vật phẩm, hàng hóa này hoàn toàn có thể là trung gian truyền bệnh. Một khi không tiêu hủy mọi vật phẩm, hàng hóa của người về từ vùng có dịch thì cũng cần phải bình tâm xem xét lại việc tiêu hủy toàn bộ đàn chó có phải là quá vội vã hay không?
Hiện nay, điểm g khoản 2 Điều 54 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 quy định áp dụng biện pháp tiêu hủy động vật có nguy cơ làm lây bệnh sang người khi Chủ tịch nước công bố tình trạng khẩn cấp về dịch. Cho đến nay, Chủ tịch nước chưa công bố tình trạng khẩn cấp về dịch. Do đó, không thể áp dụng biện pháp này nhằm đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch.
Ngoài Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 thì điểm b khoản 4 Điều 12 Nghị định 117/2020 cũng quy định hành vi “đưa ra khỏi vùng có dịch thuộc nhóm A những vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm và hàng hóa khác có khả năng lây truyền bệnh dịch” sẽ bị phạt 20-30 triệu đồng, đồng thời hành vi này sẽ bị áp dụng biện pháp “buộc tiêu hủy”.
Vấn đề có tính pháp lý đặt ra là muốn áp dụng hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả này thì người có thẩm quyền phải chứng minh được các yếu tố cấu thành nên hành vi vi phạm.
Về mặt thực tiễn, ông Hùng đã được chứng minh là người dương tính với virus SARS-CoV-2. Long An là vùng có dịch, còn con chó là động vật. Đây là những thông tin đã được chứng minh cụ thể. Tuy nhiên, mấu chốt là chính quyền huyện Trần Văn Thời phải chứng minh đàn chó có khả năng lây truyền bệnh dịch hay không. Hiện nay, chính quyền huyện chỉ mới có thông tin một con chó có mang virus nhưng lại không hề nói rõ là virus gì. Chỉ chứng minh được một con chó mang virus không rõ là virus gì mà tiêu hủy luôn những con chó khác là không thật sự thỏa đáng.
Ngoài ra, là một biện pháp nằm trong nhóm cưỡng chế hành chính nên biện pháp “buộc tiêu hủy” chỉ có thể được áp dụng khi có quyết định thể hiện dưới dạng văn bản. Nếu không có quyết định thể hiện dưới dạng văn bản thì việc “buộc tiêu hủy” cho dù đúng về nội dung cũng không đúng về thủ tục.
Hiện nay, áp lực người dân về địa phương tránh dịch đang rất nặng nề. Bước đầu, các địa phương đã thực hiện tốt chính sách an dân, lo cho dân từng miếng ăn, giấc ngủ trong khu cách ly. Để tăng cường trách nhiệm của địa phương thì nhiều văn bản của trung ương đã xác định trách nhiệm của người đứng đầu nếu để dịch xâm nhập và lây lan trên diện rộng. Có lẽ vì sự quyết liệt đó mà cơ quan chức năng liên quan trong vụ này đã đưa ra cách hành xử chưa thật sự thấu tình đạt lý.