Lý tình vụ 6 bác sĩ ở Bình Dương bị 'cấm cửa'

Việc vận động, tìm hiểu nguyên nhân và tìm cách hỗ trợ cho các bác sĩ nên là giải pháp ưu tiên, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn chung của ngành y tế.

Ngày 3-3, ông Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, cho biết vào sáng cùng ngày ban giám đốc sở đã chỉ đạo phòng chức năng liên hệ, mời sáu bác sĩ tự ý nghỉ việc quay về đơn vị cũ để giải quyết những cam kết theo hợp đồng.

Có thể khởi kiện yêu cầu bác sĩ hoàn trả

Trước đó, trong văn bản phát hành ngày 2-3, Sở Y tế tỉnh đề nghị các sở y tế, bệnh viện, phòng khám và các trường y trong và ngoài tỉnh không tiếp nhận, ký hợp đồng, tuyển dụng hay đào tạo đối với sáu bác sĩ tự ý bỏ việc, vi phạm cam kết với tỉnh Bình Dương.

Ông Huỳnh Minh Chín mong muốn các bác sĩ được hưởng chế độ phải có trách nhiệm với ngành, với người dân. Ảnh: LÊ ÁNH

Ông Huỳnh Minh Chín mong muốn các bác sĩ được hưởng chế độ phải có trách nhiệm với ngành, với người dân. Ảnh: LÊ ÁNH

Hai bên mong muốn giải quyết sự việc theo đúng pháp luật

Sáng 3-3, Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết sẽ hướng dẫn, định hướng cho các bác sĩ này về một số vấn đề có liên quan để họ có quyền lựa chọn đơn vị mới sau khi hoàn thành nghĩa vụ bồi thường các khoản mà tỉnh Bình Dương đã hỗ trợ trong suốt sáu năm học.

Giải thích về văn bản đã phát đi, lãnh đạo Sở Y tế cho rằng văn bản của sở chỉ có tính chất khuyến cáo những đơn vị trong ngành y tế cân nhắc khi tiếp nhận những bác sĩ này.

Trong khi đó một số bác sĩ bị nhắc tên cho biết họ không muốn chia sẻ lý do nghỉ việc. Họ muốn làm việc với Sở Y tế để giải quyết sự việc theo đúng pháp luật.

Nêu quan điểm về vụ việc, ThS Liên Đăng Phước Hải, giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng: Trước hết, cần xác minh các bác sĩ là viên chức đi học từ ngân sách theo diện thu hút hoặc được cử đi đào tạo có thực hiện đúng các cam kết làm việc phục vụ tỉnh, cũng như thực hiện các thủ tục chấm dứt hợp đồng làm việc theo luật hay chưa.

Trường hợp nếu xác định các bác sĩ không thực hiện đúng theo quy định, theo các thỏa thuận với tỉnh về thời gian cam kết làm việc thì việc tự ý nghỉ việc của các bác sĩ trong thời hạn cam kết là việc vi phạm thỏa thuận.

Khi đó căn cứ Luật Viên chức, Nghị định 101/2017 (về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức), để bảo vệ quyền lợi của mình, người đứng đầu cơ quan quản lý viên chức cần thành lập hội đồng xét bồi thường để xác định chi phí bồi thường mà viên chức phải chi trả khi chấm dứt hợp đồng trước cam kết, tuân theo các trình tự, thủ tục theo quy định; sau đó ban hành quyết định bồi thường gửi đến người phải bồi thường để thực hiện việc nộp trả đầy đủ các chi phí bồi thường.

Trường hợp người phải bồi thường, ở đây là các bác sĩ đã nhận tiền từ ngân sách tỉnh để đi đào tạo, không thực hiện việc bồi thường thì cơ quan, đơn vị đã bỏ tiền ra để chi trả cho việc đào tạo có quyền khởi kiện để yêu cầu hoàn trả.

Liệu có giải pháp tốt hơn?

ThS - luật sư Phùng Văn Hiệu, Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương, cho biết: Việc đưa công khai thông tin cá nhân của các bác sĩ theo như văn bản của sở có dấu hiệu xâm phạm đến quyền tự do làm việc, thậm chí là xâm phạm quyền nhân thân đã được pháp luật tôn trọng và bảo vệ.

“Quan hệ lao động mang bản chất là quan hệ dân sự. Việc phát sinh, thay đổi hay chấm dứt phải dựa trên cơ sở tự nguyện, thỏa thuận giữa các bên. Một khi các bên có hành vi vi phạm, các chế tài trách nhiệm cũng từ đó mà ra.

Việc phát đi thông báo của Sở Y tế tỉnh Bình Dương, trong đó có nội dung “đề nghị quý cơ quan, đơn vị phối hợp không tiếp nhận, hợp đồng, tuyển dụng, đào tạo các bác sĩ trên” là cách xử sự chưa khéo và cũng thiếu cơ sở pháp lý.

“Nghiêm trọng hơn, thông báo này có khả năng gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của các cá nhân được nêu tên, cũng như quyền làm việc của họ và có thể tạo tiền lệ không tốt” - ThS - luật sư Phùng Văn Hiệu nói.

Với quan điểm cần một giải pháp tốt hơn là khởi kiện, ThS Liên Đăng Phước Hải cho biết: “Việc vận động, tìm hiểu nguyên nhân và tìm cách hỗ trợ cho các bác sĩ nên là giải pháp ưu tiên; đặc biệt trong bối cảnh ngành y tế, cũng như các cán bộ, nhân viên y tế vẫn đang gặp nhiều khó khăn và thách thức.

Nếu các bác sĩ muốn chấm dứt làm việc tại các cơ sở y tế ở tỉnh Bình Dương, cả trong thời hạn cam kết thì vẫn có thể chấm dứt nếu rơi vào các trường hợp theo quy định tại Điều 29 Luật Viên chức. Trường hợp này tùy thuộc vào loại hợp đồng làm việc, các bác sĩ phải thực hiện thông báo cho các cơ sở y tế nơi mình làm việc ít nhất 30-45 ngày”.

Đi kiện đòi chi phí đã bỏ ra đào tạo nhân viên

Từng có nhiều vụ án mà các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đi kiện đòi chi phí đã bỏ ra đào tạo nhân viên.

Vào đầu năm 2022, TAND tỉnh Phú Yên xử phúc thẩm vụ án lao động giữa nguyên đơn là Công ty A và bị đơn là ông LCQ (người lao động). Tòa tuyên buộc ông Q hoàn trả chi phí đào tạo nghề, tiền thưởng và bồi thường thiệt hại do vi phạm cam kết với số tiền hơn 176 triệu đồng.

Vụ án khác, ngày 15-3-2016, TAND Cấp cao tại TP Đà Nẵng xử phúc thẩm, tuyên buộc bà HTA và cha của bà bồi thường gấp hai lần kinh phí đã nhận từ ngân sách TP Đà Nẵng đối với bậc đại học; buộc bà A bồi thường gấp hai lần kinh phí đào tạo ở bậc thạc sĩ vào ngân sách TP do vi phạm hợp đồng đào tạo đã ký kết.

MINH CHUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/ly-tinh-vu-6-bac-si-o-binh-duong-bi-cam-cua-post722374.html