M&A kích hoạt nền kinh tế Việt Nam

Mua bán - sáp nhập (M&A) đang trở thành một trong những lựa chọn hấp dẫn nhất cho cả bên mua và bên bán và góp phần kích hoạt nền kinh tế chung của Việt Nam năm 2025.

Ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu dịch vụ M&A xuyên quốc gia của RECOF Corporation (Nhật Bản) phân tích về các xu hướng M&A trên thị trường hiện nay.

Ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu dịch vụ M&A xuyên quốc gia của RECOF Corporation (Nhật Bản)

Ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu dịch vụ M&A xuyên quốc gia của RECOF Corporation (Nhật Bản)

Yếu tố thúc đẩy doanh nghiệp Nhật Bản thực hiện M&A trên thị trường hiện nay là gì, thưa ông?

Tiềm năng tăng trưởng là động lực chính của các công ty Nhật Bản, đặc biệt là các công ty niêm yết, vốn luôn chịu áp lực từ các cổ đông để đạt được mức tăng trưởng cao hơn. Dân số Nhật Bản bắt đầu giảm trong những năm gần đây, trong khi tăng trưởng GDP thực tế trung bình chỉ 0-1% trong thập kỷ này. Điều này tạo ra sự khác biệt rõ rệt so với các quốc gia như Việt Nam, nơi dân số vẫn tiếp tục tăng và tăng trưởng kinh tế được duy trì ở khoảng 6%/năm.

Trong khi đó, vấn đề chuỗi cung ứng toàn cầu cùng với sự dịch chuyển trung tâm sản xuất cũng là một động lực. Tình hình địa - chính trị hiện tại cho thấy, xu hướng này sẽ tăng tốc trong những năm tới.

Các công ty Nhật Bản ưa chuộng hình thức M&A nào tại thị trường Việt Nam trong những năm qua? Thị hiếu này liệu có thay đổi trong thời gian tới?

Theo thống kê, khoảng 2/3 giao dịch được công bố công khai giữa Việt Nam và Nhật Bản là các khoản đầu tư không chi phối. Đây có thể là kết quả của "cách tiếp cận mềm mỏng" mà nhiều công ty Nhật Bản áp dụng, bắt đầu với các khoản đầu tư không chi phối để tìm hiểu thêm các đối tác của họ.

Chúng tôi cũng biết rằng, một số giao dịch không chi phối thực sự được cấu trúc như các giao dịch tăng dần tỷ lệ cổ phần sở hữu và các nhà đầu tư Nhật Bản có quyền sở hữu cổ phần chi phối sau khoảng thời gian đã thỏa thuận trước.

Trong tương lai, chúng tôi dự đoán, các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ lựa chọn nhiều thương vụ mua lại và thâu tóm hơn, xét theo quan điểm quản trị sau M&A cũng như do nhu cầu đạt được lợi ích cộng hưởng chiến lược trong khoảng thời gian ngắn hơn. Điều này đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn từ phía Nhật Bản để tìm hiểu cách quản lý công ty Việt Nam sau giao dịch, đồng thời cũng yêu cầu nỗ lực lớn hơn từ phía Việt Nam để theo kịp các tiêu chuẩn cao hơn về tuân thủ pháp luật và thực hành kế toán.

Xin ông cho biết hoạt động M&A của doanh nghiệp Nhật Bản tại thị trường Việt Nam trong năm nay?

Số liệu thống kê của RECOF đã ghi nhận 14 giao dịch trong 10 tháng của năm 2024 - gần bằng cả năm 2023. Việt Nam tiếp tục giữ vị trí thứ hai trong số các nước ASEAN, chỉ đứng sau Singapore.

Các giao dịch trong lĩnh vực tài chính, vốn đã đẩy cao giá trị giao dịch trong những năm gần đây, vẫn chưa lộ diện trong năm nay. Các công ty Nhật Bản đã đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau, từ bán lẻ và phân phối đến dịch vụ giáo dục, phần mềm và năng lượng tái tạo.

Động lực chính cho các hoạt động M&A tại thị trường Việt Nam năm 2025 là gì, thưa ông?

Hoạt động M&A toàn cầu có thể chậm lại trong năm 2024, một phần do những bất ổn phát sinh từ các chu kỳ bầu cử ở các nền kinh tế lớn. Tuy nhiên, dự báo sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2025 và Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để thu hút dòng vốn mới. Sự lạc quan này được củng cố bởi sự phục hồi kinh tế, cải cách pháp lý và động lực thị trường thuận lợi của đất nước. Mức tăng trưởng GDP dự kiến đạt 6,5 - 7,0%, dân số trẻ và tầng lớp trung lưu gia tăng của Việt Nam sẽ là những những nhân tố tiếp tục thúc đẩy nhu cầu.

Một yếu tố then chốt thúc đẩy hoạt động M&A là việc thực hiện Luật Đất đai năm 2024, đưa ra các cải cách mang tính chuyển đổi để tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong việc sử dụng đất. Bằng cách giải quyết các vấn đề tồn tại lâu dài trong việc phân bổ và định giá đất, luật mới dự kiến mở ra các cơ hội đầu tư bất động sản đáng kể. Kết hợp với những cải thiện về quy định chung, những cải cách này tạo ra một môi trường dễ dự đoán hơn và thân thiện với nhà đầu tư hơn, qua đó tăng cường sự tự tin của cả nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Các dự án kết cấu hạ tầng mang tính chuyển đổi như Sân bay quốc tế Long Thành, đường cao tốc Bắc - Nam và hệ thống tàu điện ngầm đô thị sắp hoàn thành hoặc đi vào hoạt động sẽ định hình lại mạng lưới logistics của Việt Nam, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam như một điểm đến đầu tư trong khu vực.

Việt Nam cần có chính sách gì để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn bên ngoài và nâng cao vị thế trong quá trình M&A?

Để giúp doanh nghiệp trong nước tiếp cận vốn nước ngoài hiệu quả hơn, Việt Nam có thể thực hiện các chính sách chuyển đổi, bắt đầu bằng việc nới lỏng giới hạn sở hữu nước ngoài trong một số lĩnh vực nhất định, nâng ngưỡng từ 49% lên 65% hoặc 70%. Điều này không chỉ mang lại cho các đối tác nước ngoài sự linh hoạt và động lực đầu tư lớn hơn, mà còn giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được nguồn vốn dồi dào hơn và chuyên môn chiến lược, giúp họ mở rộng quy mô hoạt động và cạnh tranh hiệu quả hơn.

Việc tăng cường hạ tầng tài chính của Việt Nam cũng quan trọng không kém. Nâng cao năng lực của các sàn giao dịch chứng khoán để đáp ứng các công cụ tài chính phức tạp hơn và phát triển hệ sinh thái vốn tư nhân và vốn đầu tư mạo hiểm mạnh mẽ sẽ cung cấp cho các công ty nhiều lựa chọn tài trợ hơn, phù hợp với nhu cầu tăng trưởng của họ.

Trong khi đó, việc tiếp cận các dịch vụ tư vấn M&A chuyên nghiệp có thể là bước ngoặt đối với các công ty trong nước. Các nhà tư vấn có thể giúp tinh chỉnh các chiến lược, cải thiện định giá và đàm phán các điều khoản thỏa thuận có lợi, giúp họ định vị tốt hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam nên thúc đẩy sự phát triển của các mạng lưới tư vấn và xem xét hỗ trợ các dịch vụ này cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bích Ngọc

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ma-kich-hoat-nen-kinh-te-viet-nam-d231244.html