M&A là cùng chìa tay để giữ được doanh nghiệp, giữ được tài sản
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch HĐQT CTCP - Tổng công ty Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) về việc Công ty được nhiều công ty cấp nước chọn làm đối tác chiến lược.
Biwase cùng doanh nghiệp trong ngành cấp nước phát triển
Nói về M&A tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2023, ông Nguyễn Văn Thiền bày tỏ không đồng quan điểm với góc nhìn M&A là thâu tóm, "cá lớn nuốt cá bé".
“Họ không sụp đổ, lợi cho tất cả, đây là cùng chia sẻ, họ thiếu kiến thức quản trị, thiếu vốn… thì chúng ta có thể chia sẻ. Hiện tại, tôi đã tham gia hội đồng quản trị ở các doanh nghiệp cùng ngành để hỗ trợ họ về kinh nghiệm quản trị, phát triển dịch vụ, hệ thống cấp nước hoàn chỉnh, giảm thất thoát nước”, ông Nguyễn Văn Thiền nhấn mạnh khi coi M&A là cùng chìa tay, hỗ trợ kéo doanh nghiệp đang khó khăn cùng vượt qua khó khăn, để họ giữ được doanh nghiệp, giữ được tài sản.
Ông Thiền cho biết thêm: “Khi Biwase đầu tư vốn vào, Công ty sẽ tham gia vào Hội đồng quản trị doanh nghiệp được góp vốn, Công ty sẽ giúp đơn vị được góp vốn cải thiện dịch vụ, đồng hành cùng họ phát triển và không phải thâu tóm”.
Trên thực tế, Biwase đã gặp nhiều trường hợp doanh nghiệp đam mê ngành nước, những doanh nghiệp này đã đầu tư vốn vào để xây dựng nhà máy khi được biết ngành cấp nước tương đối ổn định. Tuy nhiên, mới chỉ có đam mê đầu tư mà không phát triển mạng lưới cấp nước, dịch vụ cấp nước hoàn chỉnh, vì vậy gặp khó khăn, thua lỗ. Khi đó, Biwase vào cùng đầu tư, phát triển mạng lưới, hệ thống, cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, từ đó giúp doanh nghiệp cùng phát triển.
“Cung cấp nước và hạ tầng nước giúp giảm đói nghèo. Trong đó, cung cấp nước sạch giúp người dân có sức khỏe tốt hơn, từ đó giảm bệnh tật và đồng thời giảm đói nghèo”, ông Thiền chia sẻ ý nghĩa thúc đẩy giảm đói nghèo khi cung cấp nước sạch tới người dân.
“Nhờ dịch vụ và chiến lược đầu tư bài bản và hiệu quả, Biwase đã được nhiều anh em trong lĩnh vực cấp nước chọn làm đối tác chiến lược và Công ty sẽ tiếp tục chiến lược đầu tư mở rộng hoạt động cấp nước ở nhiều tỉnh thành khác”, ông Nguyễn Văn Thiền tự hào chia sẻ về việc Công ty được nhiều công ty cấp nước chọn làm đối tác chiến lược.
Biwase từng là công ty 100% vốn nhà nước, sau khi được cổ phần hóa, đã luôn luôn lấy phục vụ khách hàng là chính, đồng thời liên tục cải thiện công nghệ. Biwase đã cải thiện rất nhiều so với định mức quy định như tỷ lệ thất thoát nước rất thấp, tiến gần mức thất thoát nước tại Singapore. Trong đó, nhờ việc cải thiện nhiều so với định mức quy định, Công ty đã tích lũy được một số vốn, số vốn tích lũy hàng năm giúp Công ty đầu tư hệ thống cấp nước tới cả vùng nông thôn tại địa bàn mà Công ty hoạt động.
Thực tế, theo ông Thiền chia sẻ, nhiều Công ty có năng lực sản xuất nước, xây dựng những nhà máy sản xuất nước nhưng chưa có khả năng cung cấp dịch vụ, phân phối vì vậy vẫn có thể thua lỗ. Tuy nhiên, khi Biwase vào, Công ty sẽ hỗ trợ khả năng cung cấp dịch vụ, phân phối nước.
“Chúng ta phải làm tốt công tác dịch vụ, khách hàng sẵn sàng chi trả”, ông Nguyễn Văn Thiền nhấn mạnh tầm quan trọng phát triển dịch vụ cấp nước.
Nói về công tác sau góp vốn, ông Thiền cho biết: “Sau khi tiếp nhận sẽ đổi công tác quản trị. Trong đó, trước khi chuyển giao cho mình đã có những vấn đề không vui cho công nhân, khi vào tiếp quản, giữ được công việc làm cho công nhân, họ sẽ cống hiến hết mình. Khi vào, nếu lương quá thấp thì có thể sẽ điều chỉnh và xem lại đời sống của công nhân, bỏ thêm tiền để cải thiện đời sống và từ đó giúp cải thiện năng suất của Công ty”.
Biwase trở thành “ông lớn” trong lĩnh vực cấp nước
Được biết, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Nguyễn Văn Thiền, Biwase liên tục lớn mạnh.
Công ty cổ phần - Tổng công ty Nước - Môi trường Bình Dương tiền thân là Trung tâm cấp thủy Bình Dương, được thành lập từ những năm 1975 và sau đó cổ phần hóa vào năm 2016, niêm yết sàn HoSE năm 2017, tới năm 2023 chính thức đổi tên thành Công ty cổ phần - Tổng công ty Nước - Môi trường Bình Dương.
Việc Biwase đã liên tục cải thiện tỷ lệ thất thoát nước theo thời gian là minh chứng rõ nhất cho chiến lược đầu tư bài bản và tận dụng nguồn vốn ODA để phát triển hạ tầng đường ống nước. Nếu như tỷ lệ thất thoát nước năm 1994 đã lên tới 60% thì từ năm 2021 tới nay, tỷ lệ thoát nước đã giảm xuống và duy trì chỉ 5%, thuộc nhóm Công ty cấp nước có tỷ lệ thất thoát nước thấp nhất tại Việt Nam và khu vực.
Sau khi thành công giảm tỷ lệ thất thoát nước xuống dưới 5%, Biwase đang đẩy mạnh chia sẻ kinh nghiệm thành công sang các đơn vị khác. Trong đó, kể từ năm 2022 tới nay, Biwase đang có động thái đẩy mạnh mở rộng địa bàn hoạt động kinh doanh ra bên ngoài tỉnh Bình Dương thông qua hoạt động góp vốn, mua cổ phần và cùng hợp tác để có thể phát triển lĩnh vực cốt lõi mà Công ty theo đuổi.
Được biết, chiến lược phát triển dài hạn của Biwase, Công ty cho biết nếu có cơ hội tốt ở các lĩnh vực cấp nước và rác thải tại những nơi có tiềm năng hiệu quả, trong phạm vi nguồn vốn Công ty có được, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư vào ngành cốt lõi.
Quay trở lại hoạt động góp vốn, mua cổ phần trong những năm gần đây, tháng 4/2022, Biwase đã hoàn tất mua cổ phần nâng sở hữu lên 48,86% vốn tại CTCP Cấp nước Cần Thơ 2 và sở hữu 24,64% vốn điều lệ tại CTCP Cấp thoát nước Cần Thơ, 2 đơn vị này trở thành Công ty liên kết của Biwase; tháng 11/2022, Biwase hoàn tất giao dịch mua lại hệ thống nước Minh Hưng, huyện Chơn Thành với công suất 5.000 m3/ngày đêm từ CTCP Cấp thoát Nước Bình Phước, nâng công suất cấp nước lên 40.000 m3/ngày đêm cho KCN Minh Hưng.
Bước sang năm 2023, hoạt động mua cổ phần có dấu hiệu sôi động hơn nữa, ngày 30/5/2023, Biwase nâng sở hữu lên 90,09% vốn tại CTCP Nước Biwase – Long An (tên trước đây là CTCP Đầu tư Hạ tầng nước DNP Long An) và sở hữu 99,8% vốn tại CTCP Nước và Môi trường Cần Đước; ngày 1/7/2023, Công ty nâng sở hữu lên 76,96% vốn tại CTCP Nước và Môi trường Bằng Tâm, sở hữu 97,27% vốn điều lệ tại CTCP Công trình Đô thị Cần Giuộc, và sở hữu 96,06% vốn điều lệ tại CTCP Công trình Đô thị Châu Thành.
Được biết, tổng giá trị của khoản đầu tư vào 5 công ty con mới trong năm 2023 của Biwase lên tới 612,2 tỷ đồng, và lợi thế thương mại phát sinh từ hợp nhất là 277,86 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong 9 tháng đầu năm 2023, Biwase cũng đã ghi nhận thêm 3 khoản đầu tư vào Công ty liên kết với giá trị đầu tư là 408,23 tỷ đồng theo phương pháp vốn chủ sở hữu. Trong đó, nắm giữ 38,06% vốn tại CTCP Cấp thoát nước Long An, tương ứng đầu tư 106,15 tỷ đồng; nắm giữ 41% vốn tại CTCP Cấp nước Quảng Bình, tương ứng giá trị đầu tư là 97,61 tỷ đồng; và nắm giữ 17,5% vốn tại CTCP Cấp nước Vĩnh Long, tương ứng giá trị đầu tư là 204,47 tỷ đồng.
Có thể thấy, sau cổ phần hóa, với kinh nghiệm và sự am hiểu trong hai lĩnh vực mũi nhọn là cấp nước và xử lý rác thải, Biwase đã thống lĩnh thị trường cấp nước tại tỉnh Bình Dương và đang vươn mình sang các thị trường tiềm năng khác để mở rộng hệ thống cấp nước ra khu vực phía Nam và trong tương lai không xa sẽ có thể trở thành một công ty lớn trong cả nước hoạt động trong lĩnh vực cấp nước và xử lý rác thải.