M&A ngân hàng chờ thương vụ 'bom tấn'
Ngay từ đầu năm 2025, ngoài hai thương vụ chuyển giao bắt buộc ngân hàng, việc chuyển nhượng các công ty tài chính tiêu dùng cũng diễn ra tấp nập. Tuy nhiên, được trông chờ nhất là các thương vụ bán vốn tỷ USD của các 'ông lớn' Vietcombank, BIDV.
Kích hoạt các thương vụ M&A công ty tài chính
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành văn bản chấp thuận việc Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) chuyển nhượng toàn bộ 100% vốn Công ty Tài chính bưu điện (PTF) cho AEON Financial Service Co., Ltd. (AEON Financial), đánh dấu bước tiến mới trong hiện thực hóa thương vụ.
Trước khi được NHNN chấp thuận, ngày 20/10/2023, hai bên đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng trị giá 4.300 tỷ đồng. Theo SeABank, việc chuyển nhượng PTF cho công ty thành viên thuộc mảng tài chính của AEON Group giúp SeABank tăng cường năng lực tài chính, nâng cao vị thế ngân hàng bán lẻ của nhà băng này.
Cuối năm 2024, Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) - thành viên Tập đoàn MUFG (Nhật Bản) đã đề nghị với Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) về việc muốn mua trước hạn 50% vốn điều lệ còn lại của SHBFinance để sở hữu 100% vốn công ty này.
Trong khi đó, Tập đoàn công nghệ tài chính SCB X của Thái Lan cũng cho biết, dự kiến hoàn tất thương vụ mua lại Home Credit Việt Nam trong nửa đầu năm 2025, tùy vào sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền. Giá trị thương vụ ước tính gần 900 triệu USD. Hiện, Home Credit chiếm khoảng 14% thị phần tín dụng tiêu dùng của Việt Nam, chỉ đứng sau FE Credit.
Với dư nợ cho vay khoảng 3 triệu tỷ đồng, lĩnh vực cho vay tiêu dùng tại Việt Nam được đánh giá còn nhiều tiềm năng hấp dẫn. Đây cũng là lĩnh vực chứng kiến các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) nhộn nhịp thời gian gần đây. Trước AEON Group, SCB X, Krungsri, nhiều nhà đầu tư ngoại khác đã rót tiền vào lĩnh vực tài chính tiêu dùng Việt Nam như Tập đoàn Credit Saison, Tập đoàn Shinsei, Lotte, Shinhan Card…
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) nhận định, cho vay tiêu dùng tại Việt Nam vẫn là thị trường hết sức tiềm năng. Mặc dù thị trường này đang gặp khó khăn, song vẫn còn rất nhiều dư địa phát triển, do đó tín dụng tiêu dùng luôn hút vốn ngoại.
M&A ngân hàng tiếp tục nóng lên
Ngoài M&A công ty tài chính tiêu dùng, thị trường M&A ngân hàng năm 2025 được dự báo sẽ tiếp tục nóng lên bởi các thương vụ chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém.
Tháng 10/2024, NHNN ban hành quyết định chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng 0 đồng. Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, sẽ tiếp tục thực hiện chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng yếu kém. Theo đó, Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt là Ngân hàng Đông Á (DongABank) sẽ bị chuyển giao bắt buộc cho hai ngân hàng “khỏe” khác (khả năng là VPBank và HDBank).
Hoạt động ngân hàng luôn gắn với sự phát triển của nền kinh tế. Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Với nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định và đà tăng trưởng tốt như hiện nay, chắc chắn Việt Nam sẽ là một địa chỉ thu hút FDI hấp dẫn trong khu vực, kéo theo sự quan tâm của các tập đoàn tài chính - ngân hàng nước ngoài.
Trong tương lai, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực ngân hàng. Tới đây, khi hai trung tâm tài chính quốc tế (đặt tại TP.HCM và Đà Nẵng) ra đời, sự tham gia của nhà đầu tư ngoại với thị trường tài chính Việt Nam sẽ càng sôi động hơn.
PGS-TS. Trần Hoàng Ngân, chuyên gia kinh tế
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính cho rằng, sở dĩ việc chuyển giao các ngân hàng yếu kém trước đây chưa thực hiện được là do chưa có hành lang pháp lý. Từ ngày 1/7/2024, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực, quy định rõ ràng về hình thức chuyển giao bắt buộc thì mới có hành lang pháp lý để thực hiện. Hành lang pháp lý này không chỉ bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, mà còn giúp ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc yên tâm, không ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông cũng như khách hàng.
Tuy vậy, các thương vụ M&A được mong đợi nhất trên thị trường năm nay là thương vụ bán vốn tỷ USD của Vietcombank và BIDV. Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của BIDV và Vietcombank đã đề ra kế hoạch này, nhưng sau đó phải hoãn lại vì tình hình thị trường chưa phù hợp.
Báo cáo ngành ngân hàng của Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho biết, cả hai “ông lớn” Vietcombank và BIDV đều hoãn kế hoạch phát hành cổ phiếu sang năm 2025. Trước đó, lãnh đạo Vietcombank cho biết, đang phối hợp chặt chẽ với các nhà tư vấn quốc tế để triển khai kế hoạch này, kỳ vọng thương vụ sẽ hoàn tất trong nửa đầu năm 2025.
Ngoài Vietcombank và BIDV, một số ngân hàng cũng đang để ngỏ kế hoạch bán vốn cho nước ngoài. Ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Ngân hàng Techcombank chia sẻ, ngân hàng này đang cân nhắc bán 15% vốn cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài phù hợp.
Tuy vậy, không phải ngân hàng nào cũng mặn mà với việc bán vốn. Chủ tịch HĐQT LPBank, ông Nguyễn Đức Thụy cho hay, LPBank chưa có kế hoạch bán vốn cho cổ đông nước ngoài.
Ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam nhận xét, tài chính vẫn là một trong những lĩnh vực M&A sôi động nhất trong thời gian tới. Tuy nhiên, các thương vụ đàm phán chuyển nhượng trong lĩnh vực ngân hàng không còn nhanh như trước. Nguyên nhân là các ngân hàng ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn về đối tác và bản thân nhà đầu tư ngoại cũng phải cơ cấu lại danh mục đầu tư trong bối cảnh dòng vốn toàn cầu dịch chuyển.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ma-ngan-hang-cho-thuong-vu-bom-tan-d240316.html