Mã code vùng trồng: Tạo điều kiện cho trái cây xuất khẩu

Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chuyện tại cuộc gặp gỡ cùng doanh nghiệp thu mua trái cây xuất khẩu. Vấn đề mà Chủ tịch UBND tỉnh luôn nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần đối với người dân sản xuất ra sản phẩm liên kết cùng doanh nghiệp là phải giữ chữ tín cũng như luôn tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật của phía đối tác yêu cầu cho mặt hàng trái cây xuất khẩu, bởi đây không chỉ là giữ chữ tín chung cho sản phẩm trái cây trong và ngoài tỉnh mà còn ảnh hưởng đến việc xuất khẩu trái cây của nước ta ra thế giới…

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Trinh Phú, xã Trinh Phú (Kế Sách) Hồ Văn Hội chia sẻ: “Qua 1 năm liên kết cùng doanh nghiệp đưa sản phẩm trái vú sữa tím của HTX xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, thành viên HTX đã thay đổi hoàn toàn tập quán sản xuất theo lối truyền thống và đã tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất trái vú sữa của doanh nghiệp yêu cầu và với mã code vùng trồng được ngành chuyên môn cấp. HTX ý thức rất cao trong việc phải luôn luôn giữ trái vú sữa ổn định cả hình thức lẫn chất lượng, nhằm giữ uy tín cho sản phẩm không những phục vụ thị trường xuất khẩu mà còn phục vụ thị trường trong nước…”.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp đi thực tế các vườn cây ăn trái đặc sản tại huyện Cù Lao Dung xem xét việc cấp mã code vùng trồng. Ảnh: Thúy Liễu

Lãnh đạo ngành nông nghiệp đi thực tế các vườn cây ăn trái đặc sản tại huyện Cù Lao Dung xem xét việc cấp mã code vùng trồng. Ảnh: Thúy Liễu

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nguyễn Thành Phước cho biết: “Thời gian qua, đơn vị đã xây dựng 9 vùng trồng tại 2 huyện Kế Sách, Cù Lao Dung cũng như cấp 36 mã code cho các loại cây ăn trái như: vú sữa, xoài, nhãn, bưởi với diện tích hơn 320ha/350 hộ, để liên kết xuất khẩu các loại trái cây trên sang thị trường châu Âu, Hoa Kỳ. Thông qua đó, đơn vị đã hỗ trợ các HTX cây ăn trái ký kết hợp đồng và liên kết tiêu thụ sản phẩm trái vú sữa với giá bán cao hơn giá thị trường 16.000 đồng - 18.000 đồng/kg, bưởi năm roi, giá bán cao hơn giá thị trường 2.000 đồng - 5.000 đồng/kg. Ngoài ra, liên kết cung cấp sản phẩm vú sữa tại các siêu thị trong nước có giá bán cao hơn giá thị trường 5.000 đồng - 15.000 đồng/kg.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chuyện cho rằng: “Việc xuất khẩu trước hết là đòi hỏi sự rõ ràng nguồn gốc của sản phẩm, vì vậy có mã code, người tiêu dùng trong, ngoài nước chỉ cần bấm là biết được sản phẩm như thế nào. Đối với tỉnh ta, ngoài con tôm, cây lúa còn có diện tích cây ăn trái gần 32.000ha và tập trung nhiều tại 2 huyện Cù Lao Dung và Kế Sách nên Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm đến việc phát triển các loại cây ăn trái. Chính vì vậy, để phát triển các loại cây ăn trái vững mạnh, tỉnh đã đồng ý cho ngành nông nghiệp triển khai Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh và rõ ràng rằng qua thời gian ngắn, diện tích cây ăn trái tăng lên đáng kể như con số đã nêu. Đồng thời, để bảo vệ diện tích cây ăn trái trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp triển khai các giải pháp không để ảnh hưởng đến diện tích vườn cây ăn trái, bởi thời gian trồng đến thu hoạch được sản phẩm trái khá dài, tầm 3 năm - 5 năm tùy loại cây, tốn rất nhiều công sức của người dân. Theo đó, qua thời gian thực hiện dự án đã hỗ trợ một số HTX cây ăn trái liên kết được doanh nghiệp thu mua trái cây đặc sản xuất khẩu. Để xuất khẩu được thì ngành chuyên môn đã xây dựng vùng trồng, cấp mã code, áp dụng quy trình sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Đồng chí Trần Văn Chuyện cho rằng, để trái cây phục vụ tốt thị trường xuất khẩu, thị trường cao cấp, ngành nông nghiệp phải tiếp tục hỗ trợ nông dân, HTX trong quy trình sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt các quy định kỹ thuật phía doanh nghiệp đưa ra để sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu, tập hợp nông dân tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn hơn cùng chung chất lượng. Đối với người dân, thành viên tham gia HTX cần tuân thủ các hướng dẫn của ngành chuyên môn về thực hiện quy trình sản xuất “sạch”, nhận thức rõ sự khác biệt và lợi nhuận chênh lệch lớn từ sản phẩm xuất khẩu mà làm đúng quy trình, không chỉ sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm bán nội địa cũng cần sản xuất “sạch” để cung cấp thị trường, tạo niềm tin cho người tiêu dùng khi đã có mã code dán trên bao bì sản phẩm…

Thúy Liễu

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/ma-code-vung-trong-tao-dieu-kien-cho-trai-cay-xuat-khau-36463.html