Ma coong - Mùa trăng thiêng
Ngày 16 tháng Giêng...Đó là khi mùa trăng đầu tiên của năm vào độ chín. Lễ hội đập trống của người Ma Coong, dân tộc Bru Vân Kiều ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình bắt đầu.
Có lẽ đây là lễ hội cổ xưa nhất, độc đáo nhất đồng bào Ma Coong còn lưu giữ được cho đến ngày nay nên rất hút khách. Tôi đã tham gia lễ hội nhiều lần nhưng không năm nào là không chộn rộn hóng hớt để trở lại, cứ như là tôi cũng có... một người tình cũ đang đợi sau những dãy núi mờ xa.
Bản nhỏ của người Ma Coong nằm giữa vùng lõi của Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng. Bản vào hội trống thiêng. Từ nhiều ngày trước, du khách khắp nơi đổ về đây khá đông. Bản chỉ có hơn 40 nóc nhà vốn lặng lẽ giữa rừng sâu bỗng trở nên nhộn nhịp khác thường.
Trong ngôi nhà sàn củ kỹ dung chứa nhiều bí ẩn của người Ma Coong, Đinh Xon nhỏ thó nhưng chân tay bền chắc như dây rừng rất tự nhiên thay xống áo đón khách. Ông được giao nhiệm vụ làm chủ lễ trong đêm nay. Rượu hiêng cay nồng. Thịt rừng muối. Và cả một típ xôi nếp nương… Tất cả được Y Hôn vợ Đinh Xon bưng ra trên chiếc chõ mây bóng màu năm tháng. Căn nhà dậy lên mùi hương của những rẫy nếp chín, mùi nguyên sơ của núi rừng biên viễn.
Đinh Xon không ngại ngần bốc thịt, nhón xôi bằng đôi tay đen đúa mời mọi người. Tôi vô tư đón lấy không chút ngại ngần bởi chắc chắn tất cả những gì ông ta vừa đưa cho tôi không có chất hủy diệt. Văn minh hiện đại tuyệt nhiên không lảng vảng, những mặt người màu mè son phấn trở nên kệch cỡm, con người và cỏ cây nơi đây cứ thế mà ngạo nghễ sống, không đề phòng sợ hãi, không bon chen luồn cúi.
Đinh Xon ngồi xếp bằng trên chiếc chiếu con, hút rượu cần. Trong chếnh choáng hơi men, ông kể về cội nguồn lễ hội đập trống có 1 không 2 của người Ma Coong:
“Ngày xưa, bản mình nghèo lắm. Đồng bào sống dựa vào rừng và nương rẫy. Vậy mà không biết từ đâu xuất hiện một con khỉ vàng độc ác. Hàng đêm hắn mò vào rẫy cướp lúa ngô và phá hoại mùa màng. Người Ma Coong đã nghèo đói lại càng nghèo đói thêm. Lại còn ốm đau liên miên nữa. Đồng bào tìm mọi cách đánh đuổi con khỉ ác nhưng vẫn cứ thua hắn.
Rằm tháng Giêng năm nọ, già bản nằm mơ thấy Giàng hiện về bày cách đuổi khỉ. Nghe lời Giàng, dân bản vào rừng kiếm một cây to về đục trống. Lại cử trai tráng săn một con thú lớn lấy da bịt mặt trống. Đêm 16 tháng Giêng, đúng độ trăng sáng nhất trong năm, dân bản tổ chức lễ cúng và mang trống ra đánh. Tiếng trống rền vang, vọng từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác, lan khắp các bản trong vùng, vượt cả dãy Trường Sơn sang bản Lào.
Khỉ vàng nghe tiếng trống dội vào ngực, hoảng sợ chạy trốn biệt tăm vào rừng, không bao giờ dám quay lại quấy phá dân bản nữa. Để tạ ơn Giàng, tưởng nhớ già bản, từ đó hàng năm người Ma Coong sắm sửa lễ vật cúng tế và tổ chức lễ hội đập trống cầu cho mưa thuận, gió hòa, nương rẫy tốt tươi, bản làng no ấm. Lễ hội cũng là dịp để trai gái bản gặp gỡ, hẹn hò...”.
Với người Ma coong, tiếng trống vang lên trong đêm 16 tháng Giêng là tiếng trống thiêng, biểu trưng cho ý chí kiên cường, không bị khuất phục trước khó khăn gian khổ. Đêm 16 tháng Giêng còn được gọi là “Đêm trời cho”. Gái trai có tình ý, những người tình thất lạc dù đã có vợ, có chồng vẫn được quyền gặp gỡ tình tự trong đêm này. Không lòng vòng khách khí, không đưa đãi phỉnh phờ, chỉ cần nhìn ánh mắt là hiểu. Có điều, đêm đó trống phải được đập thủng thì mới được theo nhau ra bờ suối...
Trên sân bản, lũ trai đang hè nhau buộc trống. Râm ran và huyên náo. Có cười vui lẫn cáu bẳn. Có thân thiết lẫn khùng ngộ. Tôi không hiểu ngôn ngữ Bru Vân Kiều nhưng cảm nhận được niềm hứng khởi của họ trong giọng cười, ánh mắt.
Chiếc trống rất đặc biệt. Tang trống được đẽo từ thân cây cổ thụ trên đỉnh núi. Mặt trống làm bằng da thú, neo giữ vào nhau bằng dây mây ninh nhừ trong nước nóng và nêm chặt bởi những đoạn tre già đẽo nhọn hai đầu. Trông nó tựa một quả cầu gai khổng lồ. Theo Đinh Xon, thân trống hiện tại được cha ông làm từ hơn 30 năm trước. Màu gỗ sẫm lại, thớ gỗ vằn lên những đường cong năm tháng. Cứ đến mùa trăng tháng Giêng, chiếc trống ấy lại tỉnh giấc, kích hoạt sinh sôi…
Trên các nẻo đường nhỏ, đồng bào 18 bản trong xã Thượng Trạch, Tân Trạch, Bố Trạch và đồng bào Lào phía bên kia biên giới đang lũ lượt tụ tập. Những bản xa đồng bào phải băng rừng đi suốt ngày, thậm chí có nhiều người đã đến từ đêm hôm trước. Trưởng mỗi bản đội trên đầu mâm cúng Giàng, gồm các sản vật của núi rừng: Một vò rượu hiêng, một con gà trống, lúa gạo rẫy, xôi nếp nương, đọt mây, thân đoác, cá suối.
“Mặt trời mọc, rồi mặt trời lặn. Tất cả những hòn lèn cao, núi cao, suối to, suối nhỏ đều có Trời. Cầu Trời giúp đỡ cho bà con may mắn. Trồng lúa, lúa đầy bồ. Trồng ngô, ngô đầy sàn. Nuôi bò, bò đầy chuồng. Dân bản không ốm đau bệnh tật…”.
Ngồi trước mâm cúng, chủ lễ Đinh Xon lầm rầm khấn vái. Ngọn nến sáp ong cuốn tròn trong chiếc bát con cháy hơn nửa, hắt lên thứ ánh sáng huyễn hoặc, gương mặt Đinh Xon ma mỵ không kể xiết. Sau lời khấn, Đinh Xon đứng dậy nhún nhảy. Những động tác khá đơn giản về điệu thức nhưng nụ cười thoát xác của ông gợi cảm giác bí hiểm vô cùng.
Khi lễ cúng kết thúc, tiếng trống mới vang lên. Rượu cần chảy tràn. Cơ bắp, đường gân của trai bản căng lên và nóng dậy. Gái bản môi hồng, má ửng, bị mùi mồ hôi hoang dại của trai bản quyến rũ cũng phập phồng mời gọi. Đinh Xon vừa uống rượu vừa nói: “Chỉ có lũ trai gái là còn say tình. Mình già rồi. Mình không có người yêu nữa. Mình… say rượu”.
Bụp bùm bum…bum…
Roa lữ Giàng ơi! (Sướng quá Trời ơi!)
Bụp bùm bum…bum…
Roa lữ Giàng ơi!
Bụp bùm bum…bum…
Roa lữ Giàng ơi!
Được tiếp thêm men say từ những vò rượi hiêng ủ lá rừng, lũ trai làng càng thêm phấn khích. Tiếng trống dồn dập, càng khuya càng trở nên sốt ruột hơn. Nhiều đôi trai gái không chen được vào đám đập trống, nhảy múa hồn nhiên xung quanh đống lửa lớn. Ánh lửa bập bùng ấm nóng. Ánh trăng mờ đục xuyên màn sương. Bóng gái trai bản đổ dài lắc lư cuồng nhiệt.
Tiếng trống giục dã khiến cho không gian lễ hội thêm phần kích động. Phàm những gì đợi chờ nhiều thì mong ước lắm. Cái lễ hội trống thiêng của người Ma Coong trên đại ngàn Trường Sơn cũng khéo bày trò đốt nóng khát khao. Thường thì khoảng đến 2, 3 giờ sáng là trống thủng. Đám đập trống giải tán dành thời gian cho những cuộc tình.
Nhưng có năm gặp bộ da thú dai bền, trai bản thay nhau đánh suốt đêm mặt trống vẫn nguyên lành. Nhiều đôi trai gái thiệt thà mong chờ trống thủng đành lỡ hẹn. Đêm tàn, tất cả phải trở về, đợi mùa trăng năm tới.
Roa lữ Giàng ơi...!
Roa lữ Giàng ơi...!
Roa lữ Giàng ơi...!
Nhịp thở hẹn hò trai gái bản gấp gáp chung chiêng... Tôi không còn xác định được cụm từ ấy được vang lên từ đám đập trống hay vọng về từ bờ suối Aky nơi đầu bản. Chỉ thấy càng khuya, sân bản càng thưa vắng.
Dưới mái tranh, lũ trẻ con mặt mũi tù hì tù hà nghiêng đầu ngủ muồi trên ngực mẹ. Mấy ông già, bà lão ngồi củ mỉ cù mỳ rít thuốc rê và hút rượu cần. Họ im lặng trong đêm sâu. Có lẽ mỗi người đang nhớ về người tình đã xa của đời mình. Họ cũng có những mùa trăng rục mềm bên bờ suối. Lũ con trai đến tuổi cập kê chưa tìm được bạn tình ngất ngư quanh những vò rượu cạn.
Mấy người bạn đi cùng tôi, những du khách đường xa từ Hà Nội, Sài Gòn và cả mấy chú Tây vừa nãy còn hớn hở chen vào đập trống giờ này cũng đã đi đâu chẳng rõ... Không chừng họ cũng đang hẹn hò với những người tình... mang theo của mình đâu đó?!
Năm 2019, Lễ hội đập trống của người Ma Coong được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với lời hứa “Sẽ tổ chức lễ hội một cách bài bản, quy mô hơn nhằm lưu giữ nét văn hóa của tộc người này. Đồng thời tạo ra sản phẩm du lịch khám phá đời sống và sinh hoạt văn hóa của các tộc người sinh sống trong Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng..”. Đó là tin vui!
Nhưng tôi chỉ mong dù có đầu tư bài bản, quy mô thế nào đi chăng nữa thì hãy cứ để Lễ hội đập trống của người Macoong là của người Macoong, cứ diễn ra hoang dại thô mộc như lâu nay, cứ lộn xộn ngổn ngang bản năng như lâu nay.
Lễ hãy cứ là Lễ, ma mị và linh thiêng.
Hội hãy cứ là Hội, đập trống và yêu đương.
Mọi động thái định hướng, lược bỏ, gọt giũa, thêm thắt, tô vẽ... sẽ không còn “ Ma Coong” nữa.
Thiết nghĩ là vậy.
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/ma-coong-mua-trang-thieng-631992/