Mã Đà - Cây cầu nối nhịp bờ vui
Cầu Mã Đà bao giờ được xây là câu hỏi thường xuyên được đông đảo người dân đôi bờ Bình Phước - Đồng Nai đặt ra.
Bởi lẽ, chỉ cần cầu được xây dựng, đây sẽ là con đường ngắn nhất nối liền 2 tỉnh và là tuyến huyết mạch kết nối ra sân bay Long Thành, các cảng biển cho tỉnh Bình Phước, các tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Chính vì vậy, sau nhiều lần đề xuất, nghiên cứu phương án của 2 địa phương, cũng như có sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, cầu Mã Đà đã được quyết định triển khai. Đây thực sự là thông tin vui cho nhân dân 2 tỉnh Bình Phước và Đồng Nai, nhất là trong bối cảnh 2 địa phương sẽ được sáp nhập trong thời gian tới.

Hiện trạng tuyến đường ĐT.753 nối với tỉnh Đồng Nai.
Bình Phước và Đồng Nai là 2 địa phương cùng nằm trong khu vực miền Đông Nam Bộ, có 160 km ranh giới giáp ranh, nhưng chỉ có một tuyến đường cắt qua duy nhất là đường ĐT.753, được tiếp nối bởi cầu Mã Đà.
Tuy nhiên, cầu Mã Đà đã bị đánh sập trong chiến tranh, vì thế giao thông giữa hai tỉnh gặp nhiều khó khăn. Từng có lúc, Ban Quản lý rừng Mã Đà thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai cho phép người dân 2 tỉnh qua lại tuyến đường sông bằng những chuyến đò tự phát. Nhưng vài năm trở lại đây, việc lưu thông đã bị hạn chế vì cơ quan quản lý cho rằng không đảm bảo an toàn, đồng thời gây ảnh hưởng đến Khu bảo tồn thiên nhiên của rừng Mã Đà.
Là người dân địa phương sinh sống gần khu vực cầu Mã Đà mấy chục năm nay, anh Phạm Văn Đoàn, ở ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước vô cùng vui mừng khi nghe tin cơ quan chức năng quyết định triển khai xây dựng cầu Mã Đà trong thời gian tới. Anh Đoàn cho rằng, không chỉ anh mà bất cứ người dân nào khi nghe tin cũng đều vui mừng. Bởi khi cây cầu được xây lên, người dân được đi lại, làm việc thuận lợi hơn, từ đó, kinh tế địa phương cũng nhanh chóng phát triển.
“Mấy chục năm nay rồi, việc thông thương giữa Đồng Nai và Bình Phước qua cầu Mã Đà là mong mỏi của người dân chúng tôi. Vì vậy, cứ mỗi lần có đoàn khảo sát xây cầu là người dân ủng hộ lắm. Chúng tôi cho rằng, việc xây dựng cầu Mã Đà sẽ mang lại rất nhiều lợi ích, không chỉ cho người dân địa phương khu vực Mã Đà mà còn là sự giao thương phát triển kinh tế giữa các vùng”, anh Đoàn cho biết.
Tương tự, những ngày qua, khi có thông tin cầu Mã Đà dự kiến sẽ được khởi công vào tháng 6 và hoàn thành vào cuối năm 2025, bà Hồ Thị Liễu, ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai cùng nhiều người dân sinh sống giữa 2 tỉnh vô cùng vui mừng vì nhu cầu đi lại của họ sẽ thuận tiện, nhanh chóng và an toàn hơn. “Tôi ở tỉnh Đồng Nai nhưng thường xuyên đi lại qua tỉnh Bình Phước để buôn bán. Nghe tin Nhà nước xây cầu, chúng tôi mừng lắm vì sẽ không gặp phải nhiều bất tiện nữa”, bà Liễu chia sẻ.

Hiện trạng tuyến đường ĐT.753.
Theo lãnh đạo Sở Xây Dựng tỉnh Bình Phước, cầu Mã Đà được xây dựng không chỉ giúp quãng đường từ thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước sang địa phận tỉnh Đồng Nai được rút ngắn, mà còn kết nối các tỉnh Tây Nguyên đến tỉnh Đồng Nai đi sân bay Long Thành và cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải vô cùng thuận tiện. Do đó, việc khôi phục lại cầu Mã Đà có ý nghĩa rất quan trọng, cần thiết và cấp bách nhằm đảm bảo khả năng kết nối giữa tỉnh Bình Phước với tỉnh Đồng Nai.
Theo khái toán sơ bộ của UBND tỉnh Bình Phước, tổng mức đầu tư dự án khôi phục cầu Mã Đà khoảng 5.130 tỉ đồng để đảm bảo quy mô tối thiểu 4 làn xe, đồng bộ với các dự án đang triển khai trên các tuyến như: Nâng cấp mở rộng đường tỉnh 753 với chiều dài 17km, mặt đường rộng 19m, nền đường 24m; nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 761, đường tỉnh 767 với chiều dài khoảng 46km, quy mô mặt đường 19m, nền đường 24m; đầu tư cầu cạn khoảng 2km, tường chống ồn và hàng rào khoảng 2km mỗi bên...
“Chúng tôi đang khẩn trương nghiên cứu, phối hợp với tỉnh Đồng Nai đưa ra phương án triển khai xây dựng cầu một cách sớm nhất, nhanh nhất”, lãnh đạo Sở Xây Dựng tỉnh Bình Phước cho biết.
Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/ma-da-cay-cau-noi-nhip-bo-vui-20250417094148669.htm