Mã độc mới có thể đánh lừa các nhà khoa học tạo ra virus, độc tố
Theo nghiên cứu mới được công bố, một phần mềm độc hại có thể xâm nhập vào máy tính của các kỹ sư sinh học, bí mật tráo đổi một đoạn trong cấu trúc ADN của mẫu vật, cho phép tạo ra một đoạn mã mới. Hậu quả là một dạng độc tố, virus nguy hiểm sẽ được tạo ra trong điều kiện phòng thí nghiệm.
Đài Sputnik (Nga) dẫn nguồn kết quả nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Nature Biotechnology đưa tin một nhóm các nhà nghiên cứu mạng thuộc Đại học Ben-Gurion của Israel (BGU) đã phát hiện ra một dạng mã độc có thể gây ra các vụ tấn công sinh học qua mạng "từ đầu đến cuối". Cụ thể, mã độc này có thể đánh lừa các nhà khoa học, vô tình tạo ra một loại độc tố hoặc virus trong phòng thí nghiệm.
Nghiên cứu tin rằng mặc dù những tên tội phạm vẫn cần tiếp xúc vật lý với một chất nguy hiểm để sản xuất và phân phối độc tố, nhưng phần mềm độc hại có thể xâm nhập vào máy tính của kỹ sư sinh học và thay thế một chuỗi ngắn trong cấu trúc ADN ở đó. Trình tự được tạo ra một cách vô tình này có thể tạo ra một loại độc tố.
“Nhằm kiểm soát việc phát triển của các chủng virus, độc tố nguy hiểm, dù có chủ ý hoặc vô tình, đa số các nhà cung cấp gien tổng hợp luôn rà soát các lệnh đặt mua ADN, và đây là biện pháp hiệu quả nếu muốn ngăn chặn nguy cơ có thể dẫn đến những trường hợp trên”, Tiến sĩ Rami Puzis, Giám đốc Phòng thí nghiệm Phân tích hệ thống mạng phức tạp của BGU, nói.
Tuy nhiên, bên cạnh các quy trình an ninh đang được áp dụng, những kẻ khủng bố sinh học vẫn có thể mua ADN nguy hiểm từ các công ty không tuân thủ quy định sàng lọc cần thiết. Hơn nữa, nhiều hướng dẫn sàng lọc vẫn chưa được điều chỉnh phù hợp với những phát triển gần đây trong sinh học tổng hợp và chiến tranh mạng.
Theo các nhà nghiên cứu, mã độc được phát hiện trong một thí nghiệm nhằm tìm ra “nhược điểm” trong các điều khoản do Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ quy định đối với những nhà cung cấp ADN.
Bằng cách sử dụng quy trình làm nhiễu loạn chung, những tên tội phạm có chủ đích có thể phá vỡ các quy trình sàng lọc, khiến phần mềm sàng lọc khó phát hiện ADN và dễ dàng tạo ra độc tố hơn.
“Sử dụng kỹ thuật này, các thí nghiệm của chúng tôi thấy rằng 16 trong số 50 mẫu ADN bị xáo trộn không được phát hiện khi được sàng lọc theo hướng dẫn 'phù hợp nhất’. Việc tự động hóa quy trình công nghệ gien tổng hợp, cùng với những vi phạm tiềm ẩn trong an ninh mạng, có thể mở đường cho phần mềm độc hại can thiệp vào máy tính trong phòng thí nghiệm để tráo đổi chuỗi ADN”, ông Puzis nói.
Viễn cảnh tấn công này cho thấy tầm quan trọng của nỗ lực bảo vệ chuỗi cung ứng ADN tổng hợp, nhằm ngăn chặn các mối đe dọa an ninh sinh học mạng. Để giải quyết những mối đe dọa này, các nhà khoa học đã đề xuất một thuật toán sàng lọc cải tiến có liên quan đến việc chỉnh sửa gien.
“Chúng tôi hy vọng nghiên cứu này sẽ tạo tiền đề cho việc sàng lọc chuỗi ADN một cách triệt để, có khả năng chống chọi với những tên tội phạm mạng của đối phương”, trưởng nhóm nghiên cứu, ông Puzis nói.