Mã Pì Lèng Panorama 'cho tồn tại'... là cớ để đại gia lao vào xây dựng kinh doanh?!
Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Giang cũng khẳng định địa phương sẽ không 'phạt cho tồn tại' công trình Panorama 7 tầng xây dựng trái phép. Nhưng dư luận vẫn đặt câu hỏi: Nếu công trình này mà được phạt 'cho tồn tại' thì liệu có phải cái cớ để những đại gia lao vào xây dựng kinh doanh?.
Liên quan đến thông tin công trình Panorama 7 tầng xây dựng trái phép trên đỉnh Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang), mới đây, trả lời một số cơ quan truyền thông ông Lâm Tiến Mạnh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang, kiêm trưởng Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, cho biết: “Ngay từ cuối năm 2017, khi công trình này mới manh nha xây dựng chúng tôi đã lập đoàn kiểm tra, có kết luận và báo cáo tỉnh, nhưng chẳng hiểu thế nào họ vẫn cứ làm thế thôi”.
Ông Mạnh cho rằng, để xảy ra việc Panorama 7 tầng xây dựng trái phép là do huyện Mèo Vạc buông lỏng quản lý.
Ở một diễn biến khác, ông Hoàng A Chinh - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Giang cũng cho một số cơ quan truyền thông biết, công trình Mã Pì Lèng Panorama đến nay chưa có hồ sơ thiết kế và thủ tục pháp lý đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã chỉ rõ, công trình không nằm trong vùng bảo vệ cấp 1, cấp 2 của danh thắng quốc gia Mã Pì Lèng. Dù vậy, Luật Di sản có những quy định riêng. Những vùng nằm ngoài khu vực 2 mà có nguy cơ ảnh hưởng đến cảnh quan thì phải có ý kiến tham mưu của ngành văn hóa.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Giang cũng khẳng định, theo các quy định hiện tại, địa phương sẽ không giải quyết theo hướng "phạt cho tồn tại". Nếu chủ đầu tư không hoàn thiện được các giấy tờ, thủ tục cần thiết thì nhà chức trách sẽ xem xét tháo dỡ toàn bộ hoặc một phần nhà hàng.
Trước những thông tin nêu trên, dư luận đặt câu hỏi: Trường hợp, nếu công trình Mã Pì Lèng Panorama mà được phạt “cho tồn tại” thì liệu có phải cái cớ để những đại gia lao vào xây dựng kinh doanh?.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng VPLS Interla (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Sự việc này là dấu hiệu vi phạm quy định của Luật xây dựng đã quá rõ. Luật xây dựng đã không cho phép, nguyên tắc đã không cho tồn tại thì không bao giờ có cớ để các đại gia lao vào xây dựng.
“Nguyên tắc đã vi phạm thì phải khôi phục tình trạng ban đầu”, vị luật sư nhấn mạnh.
Trong khi đó, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng nhấn mạnh, pháp luật không cho phép “tiền trảm hậu tấu” trong trường hợp này.
“Theo quy định của Luật xây dựng thì có những công trình bắt buộc phải xin phép, có những công trình không bắt buộc phải xin phép. Tuy nhiên, dù công trình không phải xin phép thì việc xây dựng vẫn phải phù hợp với quy định pháp luật trong đó có phù hợp với mục đích sử dụng đất. Trường hợp xây dựng không có giấy phép trên đất nông nghiệp thì rõ ràng là hành vi vi phạm trật tự xây dựng, hành vi xây dựng trái phép. Hành vi này hoàn toàn có thể bị xử phạt hành chính và buộc tháo dỡ công trình xây dựng theo quy định của pháp luật”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Theo luật sư Cường, theo quy định của luật đất đai thì đất nông nghiệp là loại đất sử dụng vào mục đích trồng trọt, pháp luật nghiêm cấm việc xây dựng nhà ở, dịch vụ thương mại trên đất nông nghiệp. Bởi vậy, hành vi xây dựng nhà ở, nhà hàng, khách sạn trên đất nông nghiệp là hành vi không những vi phạm luật xây dựng, luật nhà ở mà còn vi phạm quy định của luật đất đai. Hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính do chưa thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà đã xây dựng công trình theo Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai và buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này.
Căn cứ vào các quy định pháp luật nêu trên thì UBND huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang có trách nhiệm xử phạt hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép…