Mã số vùng trồng: Để 'hộ chiếu' xuất ngoại không bị chông chênh. Bài 2

Bài 2: Hành động vì tương lai nông sản

Muốn tăng cường xuất khẩu chính ngạch, thanh long nói riêng và các nông sản khác nói chung cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể. Trong đó, một số thị trường yêu cầu phải có mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, nhất là phía Trung Quốc. Tuy nhiên, để việc triển khai trở thành kết quả rõ ràng, bảo vệ tấm “hộ chiếu” nông sản, rất cần sự quyết tâm và bắt tay đồng thuận khẩn trương của người dân, doanh nghiệp và nhà quản lý…

Nhìn nhận từ thực tế

Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật đã nêu thẳng vấn đề, tại Việt Nam công tác thiết lập, cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói (MSVT, CSĐG) đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua đó góp phần nâng cao uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế và tăng kim ngạch xuất khẩu. Mặt khác, định hướng nông dân thực hành sản xuất chuyên nghiệp hơn theo tiêu chuẩn thị trường và thị hiếu người tiêu dùng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay còn nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác này. Tỷ lệ diện tích trồng trọt được cấp mã số vùng trồng chưa cao, mới chỉ tập trung ở một số cây ăn trái chủ lực. Bên cạnh đó, công tác giám sát vùng trồng, CSĐG sau khi được cấp mã số tại một số địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đảm bảo duy trì đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật. Đáng lo ngại, tình trạng mạo danh mã số và vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm của vùng trồng và CSĐG vẫn còn tồn tại. Tính đến tháng 8/2022, Cục Bảo vệ thực vật đã thu hồi hơn 600 mã số CSĐG và hơn 1.000 MSVT đã hết thời gian giám sát theo quy định. Việc này đã ảnh hưởng lớn đến uy tín hàng nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, nghiêm trọng hơn sẽ làm mất thị trường xuất khẩu.

Thanh long xuất khẩu

Thanh long xuất khẩu

Tại Bình Thuận, ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT khẳng định: Với quyết tâm cao để phổ biến các quy định về MSVT và mã số CSĐG, Sở Nông nghiệp và PTNT đã và đang phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật tổ chức tập huấn về thiết lập và quản lý MSVT, CSĐG trên địa bàn tỉnh. Với mong muốn phổ biến các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, sử dụng và quản lý thuốc bảo vệ thực vật đáp ứng nhu cầu của thị trường. Qua đó, duy trì và mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng cường việc xuất khẩu chính ngạch, ổn định thị trường, hướng tới phát triển bền vững sản xuất nông sản.

Sầu riêng Đa Mi

Sầu riêng Đa Mi

Cùng bắt tay

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, bộn bề trong việc triển khai MSVT trên thanh long, đáng phấn khởi, vừa qua Bình Thuận chính thức được phía Trung Quốc phê duyệt 2 MSVT sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đây là một trong những MSVT sầu riêng đầu tiên của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu sang thị trường này, mở ra một hướng đi tích cực cho sầu riêng Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng.

Một trong hai mã số được cấp cho hợp tác xã sản xuất - kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đa Mi (HTX Đa Mi). HTX này cho rằng, việc sản xuất trái cây an toàn được nhiều nhà vườn, doanh nghiệp tích cực hưởng ứng để xuất khẩu và bán tại thị trường chính ngạch. Vì vậy, cần sự hợp tác của các hộ nông dân với nhau để liên kết phát triển và dễ dàng quản lý quy trình sản xuất trái cây sạch và an toàn, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích là rất cần thiết để đáp ứng thị trường xuất khẩu chính ngạch. Thời gian qua một số hộ trồng sầu riêng, trái cây các loại do chạy theo lợi nhuận đã không áp dụng tiêu chuẩn sản xuất an toàn, dẫn đến chất lượng trái cây không đạt yêu cầu, bị thương lái ép giá. Từ đó, HTX quyết tâm nâng cao chất lượng sản phẩm, đăng ký sản phẩm tham gia OCOP và tiếp tục xây dựng mã QR, logo, tem truy xuất nguồn gốc… Đây là mục tiêu hướng đến của HTX Đa Mi và nhiều HTX, hộ nông dân trong tỉnh.

Nông dân chăm sóc thanh long

Nông dân chăm sóc thanh long

Để gấp rút triển khai hiệu quả việc cấp, quản lý MSVT, mới đây Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phong đã giao Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai cấp, quản lý mã số vùng trồng trên phần mềm cấp, quản lý mã số vùng trồng trực tuyến tại địa chỉ https://csdltrongtrot.mard.gov... theo tài liệu hướng dẫn tạm thời của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Đồng thời, hướng dẫn trình tự, thủ tục cấp MSVT cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh có nhu cầu. Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố xác định đối tượng cây trồng ưu tiên cấp MSVT theo điều kiện cụ thể của từng địa phương. Ngoài ra, thực hiện tốt kiểm tra, giám sát việc cấp, quản lý MSVT và sử dụng MSVT của các tổ chức, cá nhân đúng theo quy định. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cho mượn, sử dụng mã số vùng trồng không đúng mục đích. Tiến hành thu hồi, hủy mã với các vùng trồng không đảm bảo tiêu chuẩn…

Để “hộ chiếu” xuất ngoại của nông sản tỉnh nhà không bị chông chênh, và cùng hành động vì tương lai nông sản, hiện ngành nông nghiệp tỉnh đang tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động người dân duy trì việc sản xuất, ghi chép nhật ký nhằm truy xuất nguồn gốc. Cùng với đó, hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sản xuất thanh long theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, thanh long hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của nhiều thị trường xuất khẩu.

Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết: Mã số vùng trồng hoặc mã số cơ sở đóng gói là mã số định danh cho một vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/ma-so-vung-trong-de-ho-chieu-xuat-ngoai-khong-bi-chong-chenh-bai-2-103122.html