Mã số vùng trồng - 'tấm vé xuất ngoại' cho sản phẩm nông sản
Quá trình xây dựng mã số vùng trồng đã góp phần tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng cho người dùng trong nước, trở thành 'tấm vé' để các mặt hàng nông sản đến với nhiều thị trường quốc tế.
Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến nguồn gốc, chất lượng các mặt hàng nông sản được bày bán trên thị trường. Đặc biệt, đối với những mặt hàng nông sản xuất khẩu buộc phải có mã số vùng trồng. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên đã tích cực hỗ trợ người dân, DN, HTX xây dựng mã số vùng trồng, nhằm tăng sức cạnh tranh, cũng như hướng đến xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương.
HTX trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên, ở xã Tân Cương, TP Thái Nguyên là một trong những đơn vị đi đầu trong xây dựng mã số vùng trồng ở tỉnh Thái Nguyên. Hiện HTX có 2 ha chè đã được cấp chứng nhận mã số vùng trồng, đây là điều kiện để sản phẩm có thể xuất khẩu chính ngạch ra nước ngoài.
Bà Phạm Thị Yên là người sáng lập HTX trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên, cho hay, khi tham gia xây dựng mã số vùng trồng, tư duy sản xuất của xã viên đã thay đổi, thuốc trừ sâu hóa học được thay bằng thuốc sinh học, sử dụng phân hữu cơ thay thế phân vô cơ. Các công đoạn cắt tỉa, chăm sóc, bón phân, phun thuốc, thu hái chè được ghi lại đầy đủ, rõ ràng trong sổ nhật ký nông hộ. “Cây chè được trồng đúng kỹ thuật, hàng ra hàng, cây cách cây để được hưởng đủ ánh sáng. Xã viên khi hái chè đều thích và hào hứng về quy trình này”, bà Yên hài lòng.
Cũng như nhiều HTX trồng chè khác ở xã Tân Cương, TP Thái Nguyên, HTX Tâm trà thái cũng đã sớm xây dựng mã số vùng trồng cho vùng chè của mình. HTX có 8 thành viên, với số vốn ban đầu 2 tỷ đồng, hiện nay doanh thu hàng năm của HTX ước đạt 10 tỷ đồng/năm.
“Từ khi thực hiện mã số vùng trồng, sản phẩm chè của HTX được nhiều hơn khách hàng tìm đến. Hiện nay HTX đang kết hợp với khách hàng Đài Loan đặt hàng theo hồ sơ mã số vùng trồng. HTX thấy rất phấn khởi khi sản phẩm có chất lượng và nguồn gốc nên dù ở nơi xa đến đâu khách hàng cũng dễ dàng truy xuất tìm đến”, chị Hoàng Thị Tân, Giám đốc HTX Tâm trà thái tự hào cho hay.
Để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, vấn đề an toàn thực phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc đang được các cấp, ngành chức năng của tỉnh Thái Nguyên rất quan tâm. Từ năm 2022 đến nay, ngành nông nghiệp đã tích cực hỗ trợ người dân và các DN, HTX xây dựng mã số vùng trồng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của nhiều thị trường khác nhau.
Tham gia xây dựng mã số vùng trồng, bà con được hướng dẫn cách chăm sóc, bón phân và dùng bẫy phòng trừ sinh vật gây hại… Từ đó năng suất, chất lượng các sản phẩm nông sản ngày một nâng cao, giá bán vì thế cũng cao hơn từ 20-50% so với trước khi xây dựng mã số vùng trồng.
Ông Hoàng Đình Hiếu, cán bộ Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT Thái Nguyên cho biết, Chi cục hỗ trợ người dân tập huấn kỹ thuật, cử cán bộ trực tiếp xuống hướng dẫn làm hồ sơ, lấy định vị. Khi thực hiện mã số vùng trồng, quá trình canh tác đều phải ghi trong nhật ký, người dân thực hiện theo đúng quy trình.
Mặc dù mới được triển khai từ năm 2022, nhưng đến nay tỉnh Thái Nguyên đã có 36 vùng được gắn mã số vùng trồng, với tổng diện tích gần 290 ha, gồm các loại cây trồng như chè, lúa, bưởi, măng… Quá trình xây dựng mã số vùng trồng mang lại nhiều ích lợi thiết thực cho người nông dân, giúp bà con chuẩn hóa quá trình chăm sóc và quản lý cây trồng, cảnh báo tình hình dịch bệnh, danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng...
Việc cấp mã số vùng trồng góp phần nâng cao giá trị nông sản, thay đổi tư duy, cách thức quản lý mới, thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Ông Nguyễn Tá, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT Thái Nguyên cho biết, bà con nông dân khi triển khai bước đầu cũng chưa được đón nhận, nhưng qua truyền thông và thực tế tập huấn, bà con thấy được việc tham gia mã số vùng trồng sẽ như vé thông hành, đưa hàng hóa đi nước ngoài xuất khẩu nên bà con giác ngộ và tích cực đăng ký.
“Bà con đã nhận thức được vấn đề quản lý vật tư đầu vào trong sản xuất theo mã số khác hẳn so với truyền thống. Tất cả vật tư phải nằm trong danh mục và khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Trước kia bà con chỉ biết bón phân nhưng khi có mã số, họ đã biết được thời điểm thu hái sản phẩm là mốc an toàn cho sản phẩm”, ông Tá dẫn chứng.
Việc tỉnh Thái Nguyên tích cực xây dựng mã số vùng trồng đã góp phần tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng cho người dùng trong nước, trở thành “tấm vé” để các mặt hàng nông sản đến với nhiều thị trường quốc tế../.