Mã số vùng trồng: 'Vé thông hành' của nông sản Việt
Cấp mã số, kiểm tra, giám sát, quản lý vùng trồng có ý nghĩa quan trọng đối với xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt của Việt Nam. Việc này không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà còn giúp nông sản Việt Nam định hình thương hiệu trên các thị trường lớn. Đã đến lúc ngành Nông nghiệp, các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã cần quan tâm, triển khai đồng bộ các giải pháp để nông sản Việt Nam có 'vé thông hành' vào thị trường quốc tế.
Việt Nam đã cấp 2.821 mã số vùng trồng cho 12 loại trái cây, góp phần thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Trong ảnh: Đóng gói xoài xuất khẩu tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (tỉnh Bến Tre). Ảnh: Ngô Chuẩn
Mang lại nhiều lợi ích
Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt để theo dõi tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng; đồng thời, bảo đảm nông sản đưa vào quá trình lưu thông trên thị trường đúng nguồn gốc tại vùng trồng, tránh tình trạng sản phẩm được sản xuất tại nơi khác trà trộn với sản phẩm vùng trồng đã được cấp mã số.
Tính đến thời điểm này, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã cấp 3.414 mã số vùng trồng cho trái cây, rau, hạt giống xuất khẩu. Riêng với trái cây tươi, đã cấp 2.821 mã số vùng trồng cho 12 loại trái cây, chiếm khoảng 17% tổng diện tích trồng cây ăn quả trong cả nước...
Phó Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) Ngô Tường Vy cho rằng, việc xây dựng các vùng trồng gắn liền với cấp mã số vùng là xu hướng tất yếu của các thị trường nhập khẩu. Đây cũng là một tiêu chuẩn quan trọng để được hưởng những ưu đãi về thuế suất từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Do đó, mã vùng trồng chính là "vé thông hành" cho xuất khẩu nông sản Việt Nam.
Tại Hà Nội, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp mã vùng trồng cho một số hộ trồng nhãn chín muộn ở hai huyện Hoài Đức và Quốc Oai theo tiêu chuẩn của thị trường Hoa Kỳ. Việc cấp mã vùng trồng đã mở cánh cửa xuất khẩu cho nhãn chín muộn của Thủ đô sang thị trường Hoa Kỳ, Ba Lan, Malaysia, Australia…
Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Đại Thành (huyện Quốc Oai) Trần Hữu Khoa cho biết, để đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu của Hoa Kỳ, vùng trồng không được sử dụng 5 loại hoạt chất phòng trừ sâu, bệnh; nếu phát hiện vi phạm thì lô hàng đó sẽ bị trả về, vùng trồng sẽ bị đưa vào danh sách theo dõi nghiêm ngặt và tạm dừng nhập khẩu...
Những lợi ích của mã số vùng trồng đã được chứng minh trên thực tế. Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung, so với tiềm năng xuất khẩu nông sản của Việt Nam thì việc cấp mã số vùng trồng cho các loại rau, hoa, quả... còn quá thấp. Đáng nói, là quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới, song đến nay chưa có vùng trồng lúa nào của nước ta được cấp mã số.
Nhãn chín muộn của xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) được cấp mã vùng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.
Nâng cao hiệu quả giám sát, quản lý
Về thực trạng diện tích cây trồng được cấp mã vùng thấp hơn rất nhiều so với yêu cầu thực tế, Giám đốc Hợp tác xã Hòa Lộc (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) Nguyễn Văn Thực cho rằng, người dân và ngành Nông nghiệp của một số địa phương trong vùng xoài Hòa Lộc chưa hiểu rõ những lợi ích mã số vùng trồng mang lại. Bên cạnh đó, không có chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm nên nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức tới giám sát, quản lý mã vùng trồng.
Chia sẻ quan điểm này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, nguyên nhân chính là do nhiều địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã chưa chú trọng đến mã số vùng trồng. Mặt khác, việc quản lý mã số vùng trồng còn chưa nghiêm ngặt, dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp, hợp tác xã khi thiếu hàng xuất khẩu đã thu mua sản phẩm ở những nơi không nằm trong vùng được cấp mã số, bị đối tác nhập khẩu phát hiện, trả về và phải mất rất nhiều năm đàm phán lại.
Để nâng cao số diện tích đăng ký mã vùng trồng, theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung, Cục đã đề nghị Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ có cơ chế hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất, thiết lập và quản lý mã số đối với vùng trồng, cơ sở đóng gói; đồng thời đưa việc thiết lập vùng trồng đủ điều kiện cấp mã số vào chỉ tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Dưới góc độ đơn vị hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) Trịnh Thị Nguyệt kiến nghị, ngành Nông nghiệp tăng cường hướng dẫn việc đăng ký mã số vùng trồng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, đặc biệt là mã vùng trồng theo tiêu chuẩn của những thị trường nhập khẩu có yêu cầu khắt khe.
Để nâng cao hiệu quả của công tác cấp mã số, kiểm tra, giám sát, quản lý vùng trồng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin, Sở đã xây dựng được mã số vùng trồng cho nhãn chín muộn và đang đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng cho vùng lúa hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, vùng trồng chuối tại huyện Ba Vì và khảo sát, nghiên cứu một số loại hoa có thế mạnh xuất khẩu tại huyện Mê Linh để sớm xây dựng mã số vùng trồng.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, cấp và quản lý mã số vùng trồng là yếu tố quan trọng góp phần đẩy mạnh xuất khẩu nông sản thời kỳ hậu Covid-19. Do đó, trong thời gian tới, cùng với việc quản lý chặt chẽ các mã số vùng trồng đã cấp, Bộ sẽ nghiên cứu xây dựng một số vùng nguyên liệu trọng điểm nhằm phục vụ xuất khẩu, đẩy mạnh hướng dẫn các địa phương xây dựng mã số vùng trồng để có đầy đủ dữ liệu về quy mô sản lượng, mùa vụ, thời điểm thu hoạch..., qua đó chủ động kết nối thông tin với thị trường nhập khẩu.