'Ma trận' biển quảng cáo giữa lòng Thủ đô
Tất cả những gì bên đường như: cây xanh, cột điện, đèn chiếu sáng thậm chí biển chỉ dẫn giao thông… đã được người ta 'trưng dụng' để treo lên đó hàng loạt biển quảng cáo, paner quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình. Những quy định, chế tài đã được pháp luật nêu rõ xem ra không mấy hiệu lực với chúng?
“Mắc võng” cây xanh, đèn đường, đèn tín hiệu
Chúng xuất hiện nhiều nơi, ở nhiều vị trí khác nhau, đặc biệt là trên những con phố lớn, nơi dễ quan sát nhất. Sáng ngày 20/11, chúng tôi có mặt trên đường Kim Giang (Hoàng Mai, Hà Nội), lẩn khuất trong những tấm paner cổ động ngày Nhà giáo Việt Nam là những tấm paner quảng cáo được in khổ lớn trên chất liệu bạt của FPT Shop, Vua Nệm…Vị trí được treo là cây xanh, cột đèn chiếu sáng dọc theo bờ sông Nhuệ, với nội dung: “Đến ngay FPT Shop 438 Khương Đình (gần cầu Kim Giang). Khai trương…”. Những cột đèn chiếu sáng khác thì được Vua Nệm quảng bá ngày Friday….
“Chính quyền phối hợp với tổ dân phố đã nhiều lần đi tháo dỡ những tấm paner này, nhưng không hiểu sao cứ tháo được vài ngày thì nó lại mọc trở lại” – ông Trần Văn Hoàn, 76 tuổi, ngụ phường Đại Kim – Hoàng Mai bức xúc.
Cũng theo ông Hoàn, những tấm paner này không gây ảnh hưởng đến người đi đường, người dân sống quanh khu vực, nhưng “nó che khuất những tấm paner cổ động phong trào của phường. Đặc biệt là có những tấm che khuất điểm chờ xe buýt, biển báo giao thông. Và rất mất mỹ quan của khu phố” – ông Hoàn chia sẻ.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại khu vực cầu Khương Đình, một tấm paner khổ lớn được treo trên cột đèn chiếu sáng che lấp phần vị trí đèn tín hiệu giao thông cũng như biển chỉ dẫn vào trường Hồ Tùng Mậu. Tấm paner này quảng cáo cho Vua Nệm.
Tiếp tục khảo sát trên đường Giải Phóng, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi hàng chục tấm paner của Thegioisofa.com (Thế giới sô pha - PV) cũng “trưng dụng” cột điện và cây xanh của dọc hai ven đường để làm điểm quảng cáo cho mình. Tại vị trí biển chỉ dẫn vào Đảng ủy – HĐND – UBND phường Giáp Bát, tấm paner của Thế giới sô pha treo trên cột điện, che lấp biển chỉ dẫn vào Phòng công chứng số 6 hướng đi từ Bến xe Giáp Bát – cầu vượt ngã tư Vọng.
Đối diện với tấm paner của Vua Nệm không xa là hàng loạt tấm biển khác: Thế giới thời trang 352, Clup Bi-a, Siêu thị Thành Đô. Đặc biệt những tấm biển quảng cáo này được đóng khung, chạy đèn led và được ghim chặt vào phần ngọn của cây cột điện. “Những tấm biển này đã có vài năm nay rồi” – bà Thắm, một người bán nước gần đó cho biết.
Không chỉ cây xanh, cột đèn chiếu sáng, cột điện bị “trưng dụng” làm nơi treo biển quảng cáo, các biển báo giao thông cũng chịu chung số phận. Tại điểm giao thông cầu Dậu (Hoàng Mai – Hà Nội), tấm biển quảng cáo King’s Hotel được gắn cố định một đầu vào đèn tín hiệu giao thông, phần bên kia vào cột đèn chiếu sáng.
Cũng chung số phận là nút giao thông Ngã tư sở, tấm paner của CellphoneS được quảng bá cho ngày Black Friday khổ lớn “mắc võng” giữa đèn tín hiệu và đèn chiếu sáng. Cạnh đó là những tấm paner đã bị rách, hỏng… tựa màng nhện. “Mỗi lần di chuyển qua khu vực này, tôi loạn hết cả mắt để phân biệt biển báo giao thông, biển quảng cáo và thậm chí cả người điều tiết giao thông nơi đây” – Tuấn Anh (Thanh Xuân – Hà Nội) chia sẻ.
Với nỗ lực chỉnh trang mỹ quan đô thị, Hà Nội không ít lần từng ra tay dẹp loạn quảng cáo, nhưng cũng chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”, chưa kể “đánh trống bỏ dùi”… Sau những “chiến dịch” rầm rộ ra quân ấy là tình trạng “nấm mọc sau mưa” của các biển quảng cáo. Hiển hiện một thực tế đó là những tấm paner, biển quảng cáo tấm lớn, siêu lớn thiếu đồng bộ đã tạo nên một bộ mặt đô thị chắp vá.
Chế tài có đủ răn đe?
Quy định số 94/2009/QĐ-UBND TP. Hà Nội ban hành ngày 3/9/2009 về quản lý hoạt động quảng cáo trên địa bàn nêu rõ: Khu vực những tuyến phố nơi có các trụ sở, cơ quan, các điểm di tích lịch sử, tổ chức chính trị - xã hội, doanh trại quân đội, trụ sở công an… sẽ không được quảng cáo. Tại các khu vực hạn chế quảng cáo, thay vì biển hiệu kích cỡ lớn, các địa điểm này chỉ được dùng các bảng đèn neon uốn chữ, đèn hộp, màn hình điện tử để chạy chữ với diện tích không quá 20m2. Đặc biệt, biển hiệu tại các tuyến phố sẽ được thống nhất quy chuẩn với kích cỡ thống nhất cho từng đường phố.
Tại Nghị định 38/2001/NĐ-CP cũng quy định rõ về hành vi, vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Cụ thể: Xử phạt hành chính, phạt tiền và đình chỉ hoạt động có thời gian đối với những hành vi, vi phạm của tổ chức, cá nhân có mức phạt khác nhau.
Cụ thể: Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức. Mức phạt tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.
Trong lĩnh vực quảng cáo, Nghị định nêu rõ: Phạt từ 50 -70 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau: Quảng cáo thuốc lá, rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên; Quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi; Thức ăn bổ sung cho trẻ dưới 6 tháng tuổi; Quảng cáo thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc, thuốc không có thời hạn đăng ký lưu hành; Quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác.
Đối với hành vi treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 3, điểm b khoản 5 và điểm b khoản 8 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, bị phạt từ 1 đến 2 triệu đồng.
Cùng với đó, Nghị định cũng quy định phạt từ 15 đến 20 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh thiếu nội dung về phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh.
Phạt từ 20 đến 30 triệu đồng đối với các hành vi: Quảng cáo việc chẩn đoán, lựa chọn giới tính phôi, thai nhi; Quảng cáo, môi giới hiến, nhận bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại.
Trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, Nghị định số 100/2019-CP quy định về hành vi xâm phạm của biển quảng cáo bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, tại điểm C khoản 6 Điều 12 Nghị định này quy định: Phạt từ 4.000.000 đến 6.000.000 đối với cá nhân; Từ 8.000.000 đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức tự ý gắn vào công trình biển hiệu đường bộ các nội dung không liên quan tới ý nghĩa, mục đích của công trình đường bộ. Ngoài ra, người thực hiện hành vi vi phạm còn buộc phải thu dọn rác, chất phế thải, phương tiện, vật tư, vật liệu… và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra quy định tại điểm D khoản 10 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP
Theo phân tích của PGS.TS Phạm Hùng Cường, Trưởng bộ môn Quy hoạch, khoa Kiến Trúc – Quy hoạch, trường Đại học Xây dựng Hà Nội thì việc tổ chức không gian đô thị, đặc biệt là các tuyến phố thương mại, dịch vụ quảng cáo là lớp không gian thứ 2, lớp vỏ của lớp không gian kiến trúc “Nó là lớp không gian thực mà chúng ta tiếp cận, quan sát và cảm nhận hàng ngày. Vì vậy, không thể phủ nhận tầm quan trọng của nó trong việc tổ chức không gian đô thị, loại bỏ nó trong quá trình nghiên cứu quy hoạch, thiết kế đô thị và thiết kế công trình. Tuy nhiên, ở nước ta, đây lại đang là khâu bị bỏ quên trong quá trình thiết kế, quy hoạch nhiều năm qua” – ông Cường nói.
Cũng theo ông Cường, quảng cáo là một loại hình, một bộ phận của không gian nhưng không phải là yếu tố chủ đạo, làm biến đổi không gian. “Phải trả lời được câu hỏi quản lý quảng cáo thế nào? Trách nhiệm thuộc về ai? Hiện nay, việc quảng cáo được giao toàn quyền cho các cơ quan quản lý về văn hóa, thiếu hẳn bước thiết kế đô thị làm định hướng khung cho quảng cáo, dẫn đến các nhà làm quảng cáo và các nhà quản lý hết sức lúng túng và tùy tiện” – ông Cường nhấn mạnh.
Để giải bài toán này, PGS.TS Nguyễn Hùng Cường đưa ra 3 yếu tố quan trọng nhất. Cụ thể: Thứ nhất, thiết kế đô thị đề xuất những khu vực được làm quảng cáo, các hướng nhìn không được xâm phạm và các chỉ tiêu cụ thể để kiểm soát như tỷ lệ phần trăm diện tích quảng cáo, vị trí, màu sắc, ánh sáng, vật liệu quảng cáo trên công trình… Chỉ có thông qua thiết kế đô thị các yếu tố kiểm soát đô thị mới được cụ thể hóa để đảm bảo tính thẩm mỹ chung.
Thứ hai, các trường đào tạo mỹ thuật công nghiệp, nghệ thuật cũng cần trang bị các kiến thức về quảng cáo đô thị cho các học viên, có như vậy mới có thể có quan điểm, giải pháp tốt trong quá trình thiết kế.
“Vấn đề thứ 3 là vấn đề cần kíp với thực tiễn bây giờ. Đó là việc quản lý cần thiết có sự phối hợp giữa sở văn hóa các tỉnh, thành với cơ quan quản lý đô thị để làm sao phối hợp kiểm soát về nội dung quảng cáo và mỹ quan đô thị” – ông Cường cho hay.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa 13, chỉ ra một số nguyên nhân, thực tế sau: “Do một bộ phận người dân, doanh nghiệp cố tình vi phạm dù biết là sai luật. Một nguyên nhân khác là do lực lượng mỏng nên chính quyền các địa phương không xử lý được các đối tượng lợi dụng lúc vắng, vào ban đêm hoặc ngày nghỉ để thực hiện hành vi dán, treo quảng cáo không phép này” – bà An phân tích.
Nói về chế tài đã quy định, bà An cho biết thêm: “Trên thực tế, các địa phương chủ yếu vẫn mới giải quyết phần ngọn là ra quân bóc, tháo, dỡ thay vì ngăn chặn ngay từ đầu. Chúng ta đã có những quy định và chế tài rất rõ và cụ thể đối với các hành vi quảng cáo trái phép như Nghị định 28/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017; Quy định số 94/2009/QĐ-UBND TP. Hà Nội; Nghị định 38/2001/NĐ-CP và điều này cần phải được đưa vào áp dụng thực tiễn hơn”.
Quảng cáo là lời chào của của sản phẩm, thương hiệu, là tín hiệu của một đô thị phát triển, là nét chấm phá góp phần làm nên bản sắc văn hóa một cộng đồng dân cư mở. Việc tiếp thị, mở rộng không gian cho thông tin về sản phẩm là quan trọng. Tuy nhiên, đã đến lúc phải nhìn nhận về hiệu quả mà các hoạt động này mang lại. Bởi dù bất cứ hình thức quảng cáo nào thì trước hết vẫn phải tôn trọng không gian sinh thái, văn hóa của đô thị.