Ma trận quảng cáo sữa: Chọn sản phẩm nào thực sự tốt với trẻ nhỏ?

Rất nhiều quảng cáo sữa bổ sung các loại vi chất tăng cường phát triển trí não, chống thấp còi, tốt cho mắt... nhưng kết quả thử nghiệm lâm sàng cụ thể ra sao thì nhà sản xuất không công khai.

Trong thị trường đầy cạnh tranh hiện nay, nhiều gia đình trẻ như lạc vào "ma trận" bởi quảng cáo sữa dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng đều có xu hướng đánh vào tâm lý muốn con nhanh cao lớn và thông minh.

Chị An An (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: "Từ khi gia đình tôi có cháu nhỏ cũng đã thử vài loại sữa khác nhau, để xem loại nào phù hợp với con thì sẽ sử dụng lâu dài. Thực tế thì có nhiều loại sữa xách tay hoặc nhập khẩu chính ngạch, nhưng chưa chắc đã phù hợp với thể trạng của bé. Thử một số loại thì gia đình tôi thường dùng sữa bột của Nutifood hoặc Vinamilk là những thương hiệu đã được khẳng định, nhưng khi con lớn hơn một chút, chừng ngoài 3 tuổi thì có thêm lựa chọn dùng sữa tươi của TH truemilk hoặc Dalat milk, chất lượng tốt và phù hợp cho bé".

Chị An chia sẻ thêm từ kinh nghiệm chọn sữa cho con, phụ huynh cần phải tỉnh táo tìm những thương hiệu có uy tín và nên tham khảo từ nhiều gia đình, tránh việc quá tin tưởng vào quảng cáo sữa mà chưa biết tác dụng như thế nào?

Thời gian gần đây có nhiều sản phẩm được quảng cáo là sản phẩm sữa dinh dưỡng pha sẵn, được giới thiệu với công thức đặc biệt giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ phát triển chiều cao và cung cấp năng lượng dồi dào cho trẻ nhỏ. Với các thành phần chủ yếu là canxi, vitamin D3, và các vi chất thiết yếu, sản phẩm này nhắm đến việc đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của trẻ em trong độ tuổi phát triển.

Sản phẩm này đã được quảng bá mạnh mẽ trên nhiều kênh truyền thông và mạng xã hội, nhấn mạnh vào các lợi ích sức khỏe mà nó mang lại. Nhiều bậc phụ huynh đã bị thu hút bởi những lời hứa hẹn về sự phát triển chiều cao vượt trội đem lại từ những sản phẩm này, tuy nhiên hiệu quả thực tế vẫn cần thêm thời gian để người tiêu dùng đánh giá.

Chị Nguyễn Thị Minh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) bày tỏ: "Khi bán sản phẩm ra thị trường thì nhà sản xuất phải có thử nghiệm, nhưng kết quả thử nghiệm như thế nào thì họ không công khai, trong khi giá bán lại khá cao vượt lên so với những dòng sản phẩm đã có thương hiệu và được tin tưởng. Tôi vẫn sẽ tin tưởng lựa chọn cho con Vinamilk hoặc Nutifood".

Thông thường các quảng cáo sữa sẽ cho rằng đã đưa các dưỡng chất, vitamin nhiều loại để giúp trẻ tăng khả năng phát triển trí não, tăng cường chiều cao nhanh, tuy nhiên điều mà người tiêu dùng ít chú ý là chưa làm rõ xem các hãng sữa pha trộn tỷ lệ ra sao, kết hợp với các chất khác như thế nào, sử dụng trong bao lâu, hiệu quả đạt được ở mức độ nào... thì không có công bố kết quả được nghiên cứu thử nghiệm, chứng minh khoa học. Đơn vị sản xuất và bán loại sản phẩm này cũng không đưa ra cam kết sẵn sàng chịu trách nhiệm về tính hiệu quả của sản phẩm và cụ thể là chịu trách nhiệm thế nào?

"Nhà sản xuất thì họ quảng cáo sữa như vậy, nhưng kết quả có được như họ quảng cáo không thì đâu có kiểm chứng và cũng không có cam kết nào ràng buộc, vì vậy cha mẹ phải hết sức tỉnh táo khi lựa chọn sản phẩm dinh dưỡng cho con, đặc biệt là sữa", chị Minh nêu.

Chị Trần Thị Ngọc (32 tuổi, quận Phú Nhuận, TP.HCM) cũng chia sẻ: "Sản phẩm được quảng cáo rất hấp dẫn, nhưng tôi vẫn thấy lo ngại về việc liệu con mình có thật sự cần đến những vi chất bổ sung đó không? Và đối với sản phẩm họ nói tốt cho mắt thì không biết rằng liệu có tác dụng gì không? Liệu có cam kết như là chịu trách nhiệm và trả lại tiền cho khách hàng không? Cơ quan nào sẽ đứng ra giám sát những quảng cáo như vậy của doanh nghiệp bán sữa cho trẻ nhỏ?", đồng thời bày tỏ: "Theo kinh nghiệm của tôi, để con cái có được một cơ thể phát triển khỏe mạnh cả về thể chất và trí não, cha mẹ cần tìm hiểu kỹ về các chế độ dinh dưỡng theo từng giai đoạn tuổi. Tôi luôn giúp con được ăn uống đa dạng và rèn luyện thể thao phù hợp để nâng cao sức khỏe, uống sữa là một phần của thực đơn, nhưng hầu như tôi lựa chọn sữa tươi cho con".

Một số sản phẩm sữa bị cơ quan chức năng thu giữ. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Công an

Một số sản phẩm sữa bị cơ quan chức năng thu giữ. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Công an

Khi so sánh với các thương hiệu khác như TH True Milk hay Nutifood, Vinamilk thì một số loại sữa nhập khẩu có giá khá cao, khiến nhiều bà mẹ băn khoăn về chất lượng của sản phẩm có thực sự tương xứng với số tiền họ chi trả?

Vào năm 2023, Cục Quản lý thị trường đã tổ chức trưng bày tại Hà Nội trong suốt 1 tuần để giúp người tiêu dùng có thể tham quan để phân biệt hàng trăm loại sản phẩm thật - giả, trong đó có khá nhiều các nhãn sữa đã được cơ quan chức năng chỉ rõ làm nhái (gần giống hình ảnh của sản phẩm tại Việt Nam được đăng ký chính thức), đánh lừa người tiêu dùng. Điều nguy hiểm là người tiêu dùng nếu không tỉnh táo thì không những mất những khoản tiền lớn khi mua phải sữa kém chất lượng mà còn hứng chịu thiệt hại lâu dài về mặt thể chất của con cái.

Trong khi đó, những lo ngại về tình trạng sữa giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất sứ vẫn tiếp tục đe dọa người tiêu dùng. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng Cảnh sát môi trường đã phát hiện, khởi tố 17 vụ, chuyển khởi tố 2 vụ, tổng số 27 bị can.

Trong công tác xử lý hành chính, các đơn vị, địa phương đã phát hiện, đấu tranh, xử lý 5.968 vụ (tăng 36,7% so với cùng kỳ năm 2023), với 5.988 đối tượng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, khởi tố 19 vụ, 27 bị can; xử phạt vi phạm hành chính 5.586 vụ.

Điển hình, ngày 13/6/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương đã ra khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Trung Vương, Tổng Giám đốc Công ty CP sữa Hà Lan về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm”. Trước đó, vào cuối năm 2022, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” xảy ra tại Công ty CP sữa Hà Lan (địa chỉ tại 335 Trần Cung, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và các chi nhánh, kho hàng trực thuộc.

Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế (C03), trong năm 2023, đã có 325 vụ vi phạm liên quan đến việc sản xuất và buôn bán sữa giả bị phát hiện và xử lý trên cả nước. Những vụ việc này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng và đặt ra nhiều thách thức về an toàn thực phẩm.

Việc chọn sữa cho con không chỉ dừng lại ở yếu tố giá cả, mà còn liên quan đến niềm tin vào chất lượng sản phẩm. Để đảm bảo được tính chính xác của sản phẩm (không phải chỉ là quảng cáo nhằm đánh lừa người tiêu dùng), cơ quan chức năng cần tiếp tục có những kiểm tra rà soát hậu kiểm, xử lý nghiêm khắc với những trường hợp công bố không đúng sự thật về chất lượng sản phẩm, thậm chí chỉ là những thử nghiệm qua loa rồi sản xuất hàng loạt bán cho người tiêu dùng.

Trần Phương

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/ma-tran-quang-cao-sua-chon-san-pham-nao-thuc-su-tot-voi-tre-nho-d5120.html