'Ma trận' thực phẩm chức năng giả

Mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc sát sao, xử lý nhiều trường hợp kinh doanh thực phẩm chức năng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, trước 'ma trận' thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng như hiện nay, người tiêu dùng cần hết sức thận trọng, cần kiểm tra kỹ khi mua thực phẩm chức năng để tránh tiền mất, tật mang.

Diễn biến phức tạp

Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ việc quảng cáo, rao bán thực phẩm chức năng giả được cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ. Điểm chung của các đối tượng có hành vi vi phạm là lợi dụng tâm lý “có bệnh vái tứ phương” của người bệnh, để bán hàng giả kiếm lời. Không chỉ bán thực phẩm chức năng giả theo hình thức trực tiếp, nhiều đối tượng còn quảng cáo, giao dịch mua bán thông qua mạng xã hội.

Lực lượng chức năng phát hiện và xử lý cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng giả tại Hà Nội.

Lực lượng chức năng phát hiện và xử lý cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng giả tại Hà Nội.

Đơn cử như ngày 6/6 vừa qua, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) phối hợp cùng với Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 24 huyện Hoài Đức, Cục QLTT Hà Nội kiểm tra căn hộ tại tầng 4 tòa nhà Time Coffe. Kết quả, lực lượng chức năng thu giữ hàng trăm hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhãn hiệu LADY, Vinslim V3, Collagen Firming Sleeping Mark.Thời điểm kiểm tra, chủ của số hàng hóa trên là Lê Văn Hữu và Trương Thị Thảo không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Theo cơ quan điều tra, Lê Văn Hữu đã đặt mua các sản phẩm thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên mạng về để bán, Trương Thị Thảo là người nhận hàng kiểm tra hàng, xuất bán và báo cáo lại cho Hữu, mặc dù biết là hàng giả, không có hóa đơn chứng từ nhưng các đối tượng vẫn tiếp tục bán kiếm lời. Nhằm qua mặt các cơ quan chức năng, Hữu đã thuê nhà có thang máy được kiểm soát bằng dấu vân tay để không cho người lạ vào và chỉ có người của Hữu kiểm soát. Các đối tượng này bán hàng chủ yếu qua livestream và mạng xã hội Zalo, Facebook... Sau khi bán hàng thành công, các đối tượng kinh doanh sẽ xóa toàn bộ dữ liệu để phi tang.

Cũng liên quan đến tình trạng buôn bán thực phẩm chức năng giả, ngày 31/5 vừa qua, Đội QLTT số 1, Cục QLTT Hà Nội phối hợp cùng với Đội QLTT số 25 và Đội Cảnh sát kinh tế - Công an huyện Chương Mỹ (Hà Nội) tiến hành kiểm tra đột xuất đối với cơ sở sản xuất tại xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ và phát hiện gần 12.000 lọ/ hộp thực phẩm chức năng nghi giả nhãn hiệu Lady, V3, Xtranman, HYPOLY, HeBora, Collagen Top Queen New, Glucosamine, BORA… Đáng chú ý, mặc dù được sản xuất “tại chỗ”, nhưng phần lớn trên vỏ hộp đều thể hiện xuất xứ từ các nước Nhật, Mỹ, Hàn Quốc. Cùng đó, một lượng lớn sản phẩm thành phẩm tại đây còn thể hiện đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm là các doanh nghiệp trong nước như: Công ty TNHH Supharmco; Công ty TNHH thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Lady cara; Công ty TNHH Thương mại GENIX, Công ty Cổ phần Thịnh Tâm Đường, Công ty TNHH thương mại Tavuco Việt Nam.

Thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng xác định, cơ sở kinh doanh hoạt động không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; kinh doanh hàng hóa không niêm yết giá theo quy định; có dấu hiệu sản xuất hàng giả là thực phẩm có nhãn hàng hóa và bao bì hàng hóa bị làm giả với tên, địa chỉ của doanh nghiệp sản xuất, phân phối sản phẩm; giả mạo mã số đăng ký lưu hành sản phẩm… đây là vụ việc sản xuất thực phẩm chức năng giả với quy mô lớn. Các đối tượng chủ động chọn một căn nhà dân nằm ở ngoại thành, xa trung tâm để thực hiện hoạt động sản xuất hàng giả…

Từ các vụ việc trên, có thể nói, tình trạng quảng cáo, rao bán, sản xuất thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng trên địa bàn Hà Nội đang có diễn biến phức tạp. Dù cơ quan chức năng đã liên tiếp bắt giữ, xử lý các đối tượng vi phạm, nhưng những vụ việc tương tự như trên vẫn xảy ra. Điều này khiến người tiêu dùng hoang mang, trong khi đó, lực lượng chức năng chưa có giải pháp xử lý triệt để.

Hãy là những người tiêu dùng thông minh

Có thể thấy, hiện nay tại Hà Nội, các sản phẩm thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng vẫn đang âm thầm đến tay người tiêu dùng. Mặc dù các cơ quan chức năng đã có những cảnh báo về tác hại khôn lường của thực phẩm chức năng giả, nhưng không ít người tiêu dùng vẫn bị rơi vào “bẫy” của các đối tượng kinh doanh hàng giả. Thậm chí, không ít trường hợp người tiêu dùng mua phải thực phẩm chức năng giả, nhưng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì không biết phải kêu ai.

Thực phẩm chức năng giả được các đối tượng tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội) tự sản xuất và tiêu thụ ngoài thị trường.

Thực phẩm chức năng giả được các đối tượng tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội) tự sản xuất và tiêu thụ ngoài thị trường.

Trước “ma trận” thực phẩm chức năng giả tại Thủ đô như hiện nay, việc người tiêu dùng mua phải hàng giả là điều khó tránh khỏi. Thực tế, trong một số trường hợp, các đối tượng đã dùng thủ đoạn tinh vi, để “hô biến” thực phẩm chức năng giả thành “hàng xịn”. Hầu hết sản phẩm giả được các đầu nậu thay bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ. Những sản phẩm bị làm giả thường là các loại thực phẩm chức năng đang có thương hiệu uy tín, nhất là sản phẩm làm đẹp cho phụ nữ, người lớn tuổi... và sau đó được bán ra với giá nhiều khi còn cao hơn hàng thật. Thậm chí, nhiều trường hợp để che giấu hành vi phạm tội, các đối tượng đã đưa hàng đến những địa điểm vắng vẻ, để dán và gắn nhãn mác của những thương hiệu nổi tiếng. Khi đã “đeo mác” sản phẩm chính hãng, các đối tượng tìm mọi thủ đoạn tuồn hàng giả ra thị trường với giá chiết khấu rất cao.

Trên thực tế, nhiều người lầm tưởng thực phẩm chức năng như một loại “thần dược” có thể chữa bách bệnh. Cũng vì thế, nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng việc này để bán hàng giả hoặc quảng cáo thực phẩm chức năng có công dụng như thuốc chữa bệnh. Khi đó, các cơ sở kinh doanh dễ dàng tạo niềm tin tuyệt đối với khách hàng về sản phẩm và thậm chí che giấu được việc sản xuất, tiêu thụ hàng giả.

TS. BS. Lê Văn Nhân khuyến cáo, để tránh bị “móc túi” vì tin vào quảng cáo thổi phồng công dụng thực phẩm chức năng, thậm chí là sử dụng phải hàng giả, người bệnh, người tiêu dùng cần phân biệt và hiểu rõ giữa thuốc và thực phẩm chức năng. Đồng thời, cần kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm, bao bì, nhãn mác, thậm chí cần phải check lại mã sản phẩm để xác định được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, hoặc xin ý kiến tư vấn từ các bác sĩ. Từ đó mới quyết định có nên mua thực phẩm chức năng hay không và qua đó cũng tránh được việc tiền mất, tật mang.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ma-tran-thuc-pham-chuc-nang-gia-157584.html