Ma túy 'thế hệ mới' đã tấn công và xâm nhập học đường như thế nào?
Một học sinh cấp 3 tại Hà Nội sau khi được một huấn luyện viên thể hình (PT) cho một chiếc 'bánh lười' – loại bánh trộn cần sa đã mang về… chia cho các bạn cùng sử dụng. Hậu quả, một nhóm học sinh đã bị ngộ độc ngay sau đó.
Đây chỉ là một trong những thí dụ không hề hiếm gặp cho thấy ma túy “thế hệ mới” đã và đang xâm nhập vào học đường hiện nay.
Nguy hiểm rình rập học đường
Theo thống kê của Bộ Công an vào tháng 6/2022, 60% số người sử dụng trái phép chất ma túy lần đầu ở độ tuổi từ 15-25 tuổi, trong đó nhiều người đang là học sinh, sinh viên. Người nghiện ma túy đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa đặt ra không ít thách thức cho công tác phòng, chống ma túy cũng như cai nghiện.
Một điều tra viên lâu năm trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm ma túy chia sẻ, bản thân anh đã từng chứng kiến nhiều vụ việc “dở khóc, dở cười”.
“Chúng tôi từng nhận được thông tin về việc một nữ học sinh cấp 3 được huấn luyện viên thể hình đưa cho một chiếc bánh lười (loại bánh tẩm cần sa-PV). Tuy nhiên, cô bé không sử dụng ngay mà mang về… chia cho các bạn cùng lớp ăn cùng. Kết quả, cả nhóm học sinh đều bị ngộ độc và phải đưa đi cấp cứu”, điều tra viên kể lại.
Các đối tượng tội phạm về ma túy thường lợi dụng tâm sinh lý của học sinh, sinh viên nói riêng; giới trẻ nói chung để lôi kéo, dụ dỗ.
Thượng tá Bùi Đức Thiêm, Phó Trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) cho hay, hiện nay, một bộ phận giới trẻ đang coi việc sử dụng ma túy là cách để khẳng định bản thân với quan điểm… phải sử dụng ma túy thì mới là “dân chơi” hoặc “sành điệu”.
“Giới trẻ đang còn khá mơ hồ, ngộ nhận về hậu quả, tác hại của việc sử dụng các chất gây nghiện. Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định về xử lý hình sự đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, cùng với thông tin một số nước trên thế giới như Mỹ, Canada, Thái Lan… đã hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa, dẫn đến một bộ phận giới trẻ nhận thức không đúng về việc sử dụng ma túy và các chất kích thích không gây nghiện, cũng như không bị xử lý, nếu có cũng chỉ bị phạt tiền”, Thượng tá Thiêm thông tin thêm.
Nguy hại hơn, để “xâm nhập” sâu hơn vào học đường, các đối tượng thậm chí thường xuyên tìm ra những cách thức mới để tiếp cận, dụ dỗ các bạn trẻ. Chúng đưa ma túy vào trong đồ ăn, thức uống để có thể thu hút được nhiều người dùng hơn.
Điển hình, giữa tháng 4/2022, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện vụ việc pha trộn ma túy vào trà sữa bán cho trẻ em. Qua kiểm tra một xe ô-tô 7 chỗ, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có một thùng xốp bên trong chứa 15 chai trà sữa. Qua kiểm tra nhanh, cả 15 chai đều cho phản ứng dương tính với ma túy.
Theo lời khai ban đầu của người điều khiển phương tiện là Nguyễn Thị Thái Dung (23 tuổi, thành phố Đà Lạt), Dung học cách pha chế và mua cần sa từ một người bạn, sau đó về xay cần sa, lọc lấy nước pha trộn với trà sữa.
Mỗi ngày, Dung bán khoảng 20 chai cho những thanh, thiếu niên trên địa bàn, giá mỗi chai từ 150.000-200.000 đồng (đắt gấp 10 lần giá trà sữa trên thị trường). Để nhiều người biết tới món thức uống gây nghiện này, Dung rao bán trên mạng xã hội và qua bạn bè giới thiệu. Những người dùng trà sữa của Dung sẽ nghiện và trở thành khách hàng thường xuyên.
Cũng ngay trong cuối tháng tư cùng năm, 4 học sinh một trường trung học phổ thông ở tỉnh Hải Dương đã bị Đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an Thành phố Hải Dương bắt quả tang khi đang tẩm ma túy vào thuốc lào và dùng điếu cày để hút.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện đây là loại ma túy dạng lỏng mới xuất hiện trên thị trường với nhiều màu sắc và mùi vị khác nhau. Các em học sinh khai mua loại ma túy này tại khu vực chợ Thanh Bình, thành phố Hải Dương của một người đàn ông không quen biết với giá 150.000 đồng/lọ.
Nhận diện thủ đoạn mới của tội phạm ma túy thế hệ mới
Theo Bộ Công an, tội phạm về ma túy hoạt động ngày càng tinh vi, nắm rõ học sinh, sinh viên ở độ tuổi dễ bị lôi kéo nên tìm đủ mọi cách đưa ma túy vào học đường thông qua những điểm, tụ điểm chung quanh nhà trường và từ chính học sinh, sinh viên.
Thượng tá Phạm Quỳnh, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC04, Công an thành phố Hà Nội) nhận định, trên thị trường ngày càng xuất hiện nhiều loại ma túy tổng hợp có mẫu mã, hình thức, thành phần chất ma túy, chất gây nghiện, chất hướng thần mới, được giới trẻ ưa chuộng.
Đáng báo động hơn, ma túy sẽ được pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống nhằm che giấu cơ quan chức năng để vận chuyển, mua bán trót lọt, thực chất đó là ma túy pha trộn với thực phẩm và đồ uống.
Về thủ đoạn cụ thể, theo Thượng tá Quỳnh, có đối tượng nghiền nhỏ ma túy (thuốc lắc) rồi trộn với bột cà-phê hoặc pha vào nước ngọt, soda sau đó đóng thành túi, chai thành phẩm bán cho khách. Chúng cũng chế biến cần sa thành… bánh với các thành phần khác như bơ, bột mỳ, socola, đường… rồi rao bán trên mạng.
Cuối năm 2019, Phòng PC04 phối hợp với Phòng 5, Cục C04 bắt giữ 1 đối tượng về hành vi mua bán trái phép chất ma túy, thu giữ 31 bánh màu nâu hình tròn và 1 bánh hình chữ nhật (khối lượng 787,13 gam); 1,540 gam cần sa; 2 cối xay nhỏ cắt cần sa; 1 cân điện tử và nhiều đồ vật, dụng cụ dùng để làm bánh chứa chất cần sa.
Bên cạnh đó, các đối tượng còn sản xuất một số loại ma túy có thành phần chất gây nghiện, chất hướng thần dưới dạng đồ uống hoặc bột thực phẩm như ‘nước vui’, nước xoài, nước dâu.
Kết quả giám định các chất trên có chứa chất Nimetazepam được quy định tại Danh mục III Nghị định 57/2022/NĐ-CP ngày 25/8/2022 quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất. Đây là chất thường có trong thuốc điều trị tâm thần, điều trị chứng rối loạn lo âu và chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ trong trường hợp đặc biệt.
“Liên tiếp trong năm 2022, Công an các quận Nam Từ Liêm và Tây Hồ đã phát hiện và bắt giữ các đối tượng mua bán trái phép chất ma túy. Cơ quan chức năng thu giữ được nhiều hợp chất, bao gồm MDMA, Methamphetamine, Ketamin và cả Nimetazepam.
Mục đích của các đối tượng đối với việc pha trộn ma túy trong thực phẩm chủ yếu để thuận lợi trong giao dịch, mua bán, vận chuyển nhằm hạn chế sự kiểm tra, phát hiện của cơ quan chức năng cũng như là đáp ứng nhu cầu của khách hàng là có thể mang ma túy về cất giấu trong nhà mà người thân trong gia đình không phát hiện được”, Phó Trưởng Phòng PC04, Công an thành phố Hà Nội thông tin thêm.
Thứ ba, các đối tượng cũng tìm cách đưa ma túy thế hệ mới vào trong các loại thuốc lá điện tử để lưu hành. Ngay đầu tháng 2/2023, Công an huyện Thạch Thất, Hà Nội thông báo bắt giữ Nguyễn Văn Duy (xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất), là đối tượng phân phối, bán thuốc lá điện tử chứa chất ma túy cho các thanh niên trên địa bàn.
Khám xét tại nhà riêng của Duy, các trinh sát phát hiện nhiều thuốc lá điện tử chứa loại ma túy ADB. Thuốc lá điện tử tại nhà Duy đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, mã vạch ghi trên vỏ bao bì cũng là mã vạch giả.
Theo kết quả giám định cho thấy, chất có trong thuốc lá điện tử mà Nguyễn Văn Duy bán là chất ADB-Butinaca, thuộc nhóm chất cần sa tổng hợp trong danh mục cấm của Chính phủ. Trước đó không lâu, Công an TP Hải Phòng ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam Trần Thị Vân Anh (trú quận Lê Chân) và Nguyễn Duy Thao (trú quận Ngô Quyền) để điều tra về hành vi mua bán thuốc lá điện tử chứa tinh dầu cần sa.
Thượng tá Bùi Đức Thiêm (Phó Phòng C04, Bộ Công an) cho rằng, ma túy thế hệ mới có tốc độ sản xuất nhanh hơn, đồng thời gây tác động đến con người lớn hơn nhiều lần so với các loại ma túy truyền thống.
“Nhiều bạn trẻ cho rằng các loại ma túy mới khi sử dụng sẽ không gây nghiện. Tuy nhiên, đây là quan điểm rất sai lầm. Ma túy thế hệ mới có khả năng gây nghiện rất nhanh, đồng thời tàn phá hệ thần kinh trung ương, khiến người dùng không điều khiển được hành vi, thường xuyên hoang tưởng. Rất nhiều vụ án đau lòng đã xảy ra như con giết cha, chém anh chị em trong nhà sau khi sử dụng các loại ma túy này. Do đó, các bạn trẻ không được sử dụng dù chỉ một lần”, Thượng tá Thiêm nhấn mạnh.
Theo thống kê tính đến ngày 14/2/2023, chỉ riêng tại Hà Nội có tổng số 17.438 người nghiện, người sử dụng ma túy, trong đó có mặt trong cộng đồng là 12.162 người; vắng mặt 2.205 người; ở trung tâm 1.531 người; ở trường trại 1.540 người. So với thời điểm cuối năm 2020, con số này đã tăng 4.447 trường hợp.