'Mặc áo' cho trái mãng cầu chuẩn VietGAP, một HTX ở Tây Ninh có doanh thu hàng chục tỷ đồng
Với hoài bão giúp người nông dân thoát nghèo từ nông nghiệp, ông Hà Chí Mãng, giám đốc HTX Nông nghiệp Mãng Cầu Thạnh Tân ở xã Thanh Tân (TP Tây Ninh) đã không ngừng mày mò nghiên cứu các phương pháp trồng và chăm sóc, mang lại giá trị kinh tế cao cho trái mãng cầu.
Tây Ninh có diện tích trồng mãng cầu (na) khoảng 5.000ha, chủ yếu tập trung ở huyện Tân Châu, Dương Minh Châu và TP Tây Ninh, chiếm khoảng 40% diện tích mãng cầu cả nước. Nhờ khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng phù hợp, mỗi ha mãng cầu từ 2,5 tuổi sẽ cho thu hoạch 2 vụ/năm, mỗi vụ 8 tấn, trừ chi phí, lợi nhuận khoảng trên 140 triệu đồng/ha/năm, mang lại cuộc sống sung túc cho nông dân nơi đây.
Tiên phong làm mãng cầu sạch
Tiếng là thủ phủ của trái mãng cầu ở miền Nam, nhưng người nông dân ở Thanh Tân vẫn còn xa lạ với việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất, canh tác truyền thống, giá trị kinh tế mang lại không cao
Năm 2015 ông Mãng thành lập HTX để giúp bà con làm mãng cầu sạch, nâng cao đời sống. Để phòng ngừa sâu bệnh, ông Mãng nghiên cứu đưa bẫy dẫn dụ côn trùng vào sử dụng. Với dụng cụ là miếng dán được bôi thuốc dẫn dụ diệt ruồi bằng hoạt chất Vizubonr-D, sau đó treo lên cây, ruồi sẽ bâu vào và bị thuốc tiêu diệt, mỗi ha đặt 6 - 8 bẫy. Bằng cách làm này, bước đầu ông đã giảm thiểu thiệt hại do ruồi vàng gây ra.
“Khi dịch ruồi vàng trên cây mãng cầu mới hình thành, biện pháp cho thấy hiệu quả cao, nhưng sau đó, dịch bệnh phát triển ngày càng mạnh, nhận thức người dân sử dụng biện pháp còn hạn chế nên việc sử dụng bẫy không đồng bộ, số lượng người đặt bẫy không theo kịp lượng ruồi phát sinh”, ông Mãng nói.
Không nản chí, qua một lần tình cờ xem chương trình khuyến nông trên tivi, thấy người dân miền Tây dùng biện pháp “mặc áo” (bao trái) để ngăn ngừa côn trùng phá hoại, ông đã học hỏi và thử áp dụng trên cây mãng cầu.
“Việc bao trái giúp giảm số lần phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, trong quá trình chăm sóc, HTX đã ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước kết hợp bón phân, từ đó tiết kiệm nước, chi phí, tăng năng suất”, ông Mãng cho hay.
Hiện nay HTX đã được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP với diện tích gần 25,7ha và đang nhân rộng phát triển diện tích cho các thành viên, hướng đến sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
Sản phẩm có mã QR-code giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất được nguồn gốc, quy trình sản xuất và thông tin dinh dưỡng của sản phẩm. Nhờ áp dụng công nghệ, minh bạch trong sản xuất mà các sản phẩm mãng cầu của HTX đã chinh phục được người tiêu dùng.
Nhờ chất lượng, mẫu mã tốt, sản phẩm của HTX đã được đưa vào các hệ thống siêu thị và cửa hàng trong nước và xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài (Thái Lan, Lào, Campuchia, Hàn Quốc...) Sản phẩm làm ra đến đâu được tiêu thụ hết đến đó. Tuy nhiên, theo ông Mãng, mãng cầu của HTX được đánh giá khá đồng đều, trái ngon, nhưng giá bán ra lại không đồng đều. Nếu vào được siêu thị, mãng cầu có giá từ 40.000-55.000 đồng/kg. Còn nếu phải ra chợ, giá chỉ hơn 20.000 đồng/kg, nông dân coi như lỗ vốn. Trong khi, việc trồng mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGAP giá thành từ 33.000-35.000 đồng/kg.
Ứng dụng công nghệ số
Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm và mang lại giá trị kinh tế cao cho các thành viên, ngoài sản lượng trái tươi đạt chuẩn cung cấp theo hợp đồng ổn định, HTX đã đầu tư máy móc thiết bị để chế biến mãng cầu không đạt chuẩn theo quy trình chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
"Khép kín chuỗi giá trị mãng cầu ở Tây Ninh là cách tối ưu giúp nông dân trồng mãng cầu tăng thêm lợi nhuận. Đó cũng là lý do HTX luôn ấp ủ giấc mơ về một nhà máy chế biến mãng cầu", ông Mãng cho biết.
Được sự hỗ trợ của Nhà nước trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, HTX đang tiến hành xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm sau thu hoạch của mãng cầu, với chức năng phân loại quả mãng cầu bằng máy tự động; xử lý bảo quản kéo dài thời gian quả chín; dây chuyền sản xuất chế biến các sản phẩm (như nước mãng cầu lên men đóng lon; sữa chua mãng cầu; Nestar mãng cầu). Các thiết bị được trang bị tự động, số hóa.
Dự án được Trung ương phân bổ vốn đầu tư hơn 10,5 tỷ đồng. Tỉnh Tây Ninh giao cho UBND TP Tây Ninh làm chủ đầu tư. Với công suất chế biến dự kiến từ 2-5 tấn nguyên liệu/ngày, tương đương diện tích 150-200ha, nhà máy sẽ giải quyết đầu ra cho một lượng lớn cho trái mãng cầu của HTX và người trồng trong vùng dự án.
"Nhà máy hoạt động sẽ chấm dứt tình trạng mãng cầu bán giá thấp do không bảo quản được lâu, cải thiện thu nhập cho nông dân", ông Mãng nói.
Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, dự án đầu tư chưa hoàn tất. Nhà máy chỉ mới hoàn thành nhà xưởng, còn phần máy thiết bị chưa thực hiện được, nhà máy chưa thể vận hành.
Ông Mãng tâm sự: Từ khi thành lập đến nay, HTX xác định mục tiêu và xuyên suốt cho quá trình hoạt động là sản phẩm phải đạt chất lượng tốt nhất, được người tiêu dùng tin yêu; luôn tìm tòi, cải tiến và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào hoạt động nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động.
Với hiệu quả của mô hình sản xuất, HTX đã thu hút được 32 thành viên chính thức và 190 hộ liên kết với diện tích canh tác 90ha, tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng các kỹ thuật tiến tiến như công nghệ tưới tiết kiệm nước, bảo quản để chậm chín…
Tuy nhiên, mong muốn hiện nay của HTX là tỉnh và thành phố Tây Ninh hỗ trợ nhà máy sớm đi vào hoạt động, để cây đặc sản mãng cầu Tây Ninh phát triển bền vững.