Mác ca - cây làm giàu cho đồng bào người M'Nông

Xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông có đường biên giới dài hơn 41km, tổng diện tích tự nhiên là 55.878ha, có 11 bon với 2.908 hộ và 10.208 nhân khẩu. Do địa hình đồi núi, tập quán sinh hoạt, sản xuất, chăn nuôi của người dân còn lạc hậu, nhiều năm liền, người dân vùng biên giới Quảng Trực vẫn loay hoay với bài toán nuôi con gì, trồng cây gì để mang lại hiệu quả kinh tế, tạo sự bứt phá. Từ khi cây mác ca bén rễ trên vùng đất biên cương này, đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Người dân xã Quảng Trực thu hoạch quả mác ca. Ảnh: Ái Vân

Người dân xã Quảng Trực thu hoạch quả mác ca. Ảnh: Ái Vân

Thời điểm này, bà con xã Quảng Trực đang bước vào vụ thu hoạch mác ca. Hơn 1 tuần nay, gia đình ông Điều B’Lao, ở xã Quảng Trực đang vui mừng thu hái trái ngọt sau những ngày lao động chăm chỉ của cả gia đình. Từ sáng sớm, ông và người nhà đã vào vườn thu nhặt trái mác ca. Ông Điểu B’Lao là một trong những nông dân đầu tiên của xã Quảng Trực trồng cây mác ca, vườn mác ca của gia đình ông nhiều tuổi nhất so với các vườn khác ở vùng biên Quảng Trực, năng suất ổn định. Giống cây mới này đã mở ra hướng đi mới cho gia đình ông Điều B’Lao thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên chính đáng.

Ông Điều B’Lao chia sẻ: "Trước đây, chưa trồng cây mác ca, gia đình tôi trồng tiêu với cà phê, nhưng chăm sóc rất vất cả. Năm 2012, Nhà nước triển khai mô hình trồng cây mác ca, gia đình tôi tham gia mô hình để chuyển đổi cây trồng từ tiêu và cà phê sang trồng cây mác ca. Dự án đã cấp giống cây trồng cho các hộ tham gia mô hình. Đến nay, từ thu nhập của cây mác ca, tôi đã mua sắm được xe máy, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình"...

Gia đình anh Trần Đăng Minh là một trong những hộ đầu tiên trồng mác ca, khu vực vườn trồng thử nghiệm năm xưa nay đã mang dáng dấp một khu vườn rừng, phát triển xanh tốt. Với hơn 1.000 cây mác ca đang cho thu hoạch, vụ này, anh Minh thu được gần 3 tấn quả, một số cây cho thu trên 80kg quả tươi. Sở hữu vườn mác ca phát triển tốt, có hiệu quả kinh tế cao như hôm nay, anh Minh vẫn chưa thể quên những ngày đầu lo lắng, phân vân vì khi đó chỉ hiểu biết một chút về cây trồng mới này.

Anh Minh chia sẻ: "Những ngày đầu trồng, tôi cũng lo lắm, trên huyện bảo 5 năm thì cho thu hoạch, sau 5 năm vẫn chưa thấy kết quả, tôi nghĩ, đợt này mình phải cắt mác ca thôi, không trồng nữa. Nhưng tôi cố gắng để thêm 2 năm nữa thì cây mác ca bắt đầu cho thu hoạch, mà ra trái cực kỳ nhiều, tôi thuê người thu hoạch liên tục. Đó là năm đầu tiên tôi được thu hoạch mác ca, sản lượng khoảng 6-7 tấn, nhưng năm đầu tiên, giá bán không cao vì người dân chưa biết cây mác ca là cây gì".

Từ 380 cây được Nhà nước cấp giống, đến nay, gia đình anh đã trồng trên 2.200 cây. Vườn mác ca được anh Minh quy hoạch bài bản theo từng khu vực, tùy theo thế đất và năm trồng. Qua từng năm, cây mác ca dần phủ bóng, mang lại thu nhập ổn định, hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với cây trồng trước kia. Cơ ngơi khang trang của anh Minh trị giá 2,5 tỷ đồng được xây dựng từ thành quả của cây mác ca, con cái anh có điều kiện học hành, trưởng thành cũng nhờ vào cây mác ca.

So với những cây trồng khác, cây mác ca không tốn nhiều thời gian chăm sóc, mỗi năm bón phân một lần, do bóng cây phủ hết diện tích nên không có cỏ dại mọc xung quanh. Năm 2012, cây mác ca bắt đầu được trồng tại xã Quảng Trạch, huyện Tuy Đức theo Dự án ổn định dân cư biên giới của Nhà nước, 150 hộ đồng bào dân tộc M’Nông ở 2 bon mới tái lập là Bu Prâng 1 và Bu Prâng 2 được Nhà nước hỗ trợ giống cây mác ca với số lượng 380 cây/hộ, được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Với chủ trương đúng đắn, nhưng thời điểm đó, cây mác ca là cây trồng mới nên bà con không khỏi phân vân, đắn đo.

Ông Đoàn Lê Anh, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Trực - người có công lớn trong thực hiện dự án này cho biết: "Ban đầu, bà con rất nghi ngại, có nhiều hộ không trồng nên chúng tôi đã tập trung lãnh đạo địa phương từ Huyện ủy đến UBND, khuyến nông, Hội Nông dân vào cuộc tuyên truyền, vận động và nhờ sự hỗ trợ của người có uy tín tuyên truyền thì bà con mới tin và làm theo. Đến nay, nhận thức của bà con đã được thay đổi, cây mác ca dễ chăm sóc, phù hợp với tập quán canh tác của đồng bào, độ che phủ cao vì cây mác ca vừa là cây lâm sản, vừa là cây lâm nghiệp, thu nhập từ cây mác ca góp phần nâng cao đời sống của bà con ở 2 bon vừa tái lập".

Ông Điều B’Lao, Trưởng bon Bu Prăng 1, người luôn sát cánh với bà con trong những ngày đầu triển khai trồng cây mác ca chia sẻ: "Khi đó, với cương vị là Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Trực, là người có uy tín trong cộng đồng người M’Nông, tôi đã tiên phong, gương mẫu trong việc trồng cây mác ca. Tôi đi từng nhà giải thích cặn kẽ để bà con hiểu. Hơn 10 năm qua, tôi đã chia sẻ với bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc cây. Tôi rất vui mừng khi đến nay, nhiều người dân được hưởng quả ngọt từ cây trồng mới này".

Từ thành công của ông Điều B’Lao và anh Trần Đăng Minh trong phát triển kinh tế từ cây mác ca, đã thuyết phục các hộ dân ở Quảng Trực thay đổi tư duy, nhận thức, chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây mác ca. Từ 150ha diện tích trồng thử nghiệm, đến nay, Quảng Trực đã có hơn 2.500ha trồng cây mác ca. Điều quan trọng là không cần dự án cấp giống cây, mà bà con tự bỏ tiền ra mua giống cây về trồng, thay thế diện tích đất trồng cây màu kém hiệu quả khác.

Vườn mác ca của anh Trần Đăng Minh. Ảnh: Ái Vân

Vườn mác ca của anh Trần Đăng Minh. Ảnh: Ái Vân

Được thiên nhiên ưu ái, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nên cây mác ca sinh trưởng, phát triển tốt. Ở xã Quảng Trực, cây mác ca cho thu hoạch 2 vụ/năm, khác hẳn những nơi khác chỉ thu được 1 vụ, sản lượng trung bình từ 5 đến 7 tạ/ha/vụ, giá bán từ 80.000 đến 100.000 đồng/kg quả. Giờ đây, bán quả khô mác ca là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân ở bon làng, thu nhập từ cây mác ca đã giúp cho cuộc sống của người M’Nông có cuộc sống ổn định hơn. Ngoài ra, xã cũng triển khai các chính sách, nguồn vốn hỗ trợ, cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn cho bà con áp dụng khoa học, kỹ thuật để chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây...

Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Trực nói: "Hàng năm, chúng tôi tổ chức các lớp tập huấn trồng và chăm sóc cây mác ca cho bà con, hỗ trợ, tạo điều kiện giúp bà con về kỹ thuật, phân bón, bà con có nhu cầu mua thì đăng ký qua Hội Nông dân, Hội sẽ đứng ra mua hộ phân bón theo kiểu trả chậm cho bà con để bà con trồng và chăm sóc cây mác ca".

Sau 12 năm, cây mác ca đang từng bước khẳng định thế mạnh của mình, trở thành sản phẩm nông sản đặc trưng của xã biên giới Quảng Trực. Hiện nay, xã Quảng Trực đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo các bon, làng ngày càng đổi mới, phát triển. Bà con đã thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, bắt nhịp với thời cuộc, biết trồng cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày, trồng cây xen canh, trong đó, mũi nhọn là cây mác ca và cà phê.

Nhờ vậy, 3 năm trở lại đây, tại xã Quảng Trực, mỗi năm có 250 hộ thoát nghèo, phần lớn là những hộ trồng cây mác ca lâu năm, có thu nhập ổn định. Dẫu còn những băn khoăn, lo ngại về một giống cây trồng mới, nhưng với những tín hiệu khả quan về kinh tế của cây mác ca mang lại, người dân có thể đầu tư, phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, trình độ sản xuất để đưa cây mác ca vào canh tác bền vững, từ đó, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Ái Vân

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/mac-ca-cay-lam-giau-cho-dong-bao-nguoi-mnong-post479093.html